Sau khi các bãi giữ xe ở quận 1, TPHCM bị dẹp, người dân đi vào trung tâm gặp khó khăn vì thiếu chỗ giữ xe. Nhưng phải xem đây là yếu tố tích cực, bởi vì chính điều kiện khó khăn, buộc người dân phải có cách lựa chọn phương tiện đi lại phù hợp.
Không phải chỉ xe máy là phương tiện đi lại duy nhất, còn nhiều phương tiện khác, xe bus, xe bus điện, taxi, xe đạp và cả đi bộ.
Hiện nay, có nhiều tuyến taxi đi vào nội thành, bến cuối là đường Hàm Nghi, quận 1. Người dân vào đến bến này, có thể đi bộ tới các địa điểm khác nhau trong vòng bán kính 1-2 km. Đi xa hơn thì bắt xe bus ở các trạm gần nhất. Dân mình chưa có thói quen đi bộ, hay nói đúng hơn là rất lười đi bộ, cho nên đây cũng là cơ hội để tập thói quen vận động tích cực, có lợi cho sức khỏe bản thân cũng như góp phần xây dựng văn minh giao thông cộng đồng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ở trung tâm quận 1 đã có bố trí xe bus điện phục vụ du khách, người dân có thể chọn loại xe này để di chuyển. Tuy nhiên với 3 – 4 tuyến xe bus điện thì chưa đủ, thành phố cần phải triển khai thêm nhiều tuyến xe bus điện trên toàn khu vực trung tâm, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Ngoài xe bus điện, thành phố cần tổ chức thêm nhiều tuyến minibus, sạch đẹp, không chiếm không gian, phục vụ tốt. Muốn người dân đi lại bằng phương tiện công cộng thì các loại phương tiện này phải được bố trí đầy đủ, hợp lý và thuận tiện.
Không cấm xe máy vào trung tâm ngay được, nhưng bằng biện pháp siết dần, không có chỗ gửi xe, thì người thay đổi từ sử dụng phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng. Tất nhiên, chính quyền phải kịp thời cung cấp dịch vụ giao thông công cộng văn minh và hiện đại.
Từ quận 1, đến quận 3, tiếp tục siết tất cả các quận khác. Một mũi tên trúng hai đích, vừa dẹp được nạn lấn chiếm lòng, lề đường, vừa hạn chế dần xe máy để đi đến cấm xe máy. Không làm từ bây giờ thì không còn kịp, hậu quả về tắc đường ai cũng thấy.
Một quy định đưa ra dù rất phù hợp nhưng vẫn có sự bất lợi với một bộ phận người dân. Tuy nhiên vì cái chung, vì sự tiến bộ xã hội, vì sự phát triển bền vững của thành phố thì phải làm.
Còn một phương án bổ sung, đó là triển khai các điểm gửi xe đạp, ưu tiên cho người đi xe đạp để giảm bớt xe máy. Cũng cần vận động công chức, giới trẻ, sinh viên hưởng ứng phong trào đi xe đạp để giảm bớt ùn tắc giao thông và bảo vệ môi trường.
Làm được những việc nho nhỏ này cũng đã quá thông minh.