Đảo yến Hòn Nội là điểm đến xa nhất trong các tour du lịch đảo ở Nha Trang, phải vượt trùng dương khoảng 13 hải lý.
Khởi hành từ cảng Cầu Đá Nha Trang vào lúc 7 giờ 30 phút sáng, tàu thẳng tiến về hướng vịnh Cam Ranh.
Trong chốc lát, Hòn Miễu, rồi mặt sau lưng của Hòn Tre, Hòn Tằm lùi lại phía sau, chỉ có con đường Sông Lô – Cù Hin, vùng cát trắng Bãi dài như đang song hành.
Phía xa trước mặt, hòn Ngoại, nơi xa nhất trong hệ thống đảo có chim yến cư trú giống như chiếc nón úp trên mặt biển hiện rõ dần trong tầm mắt chúng tôi.
Trong thời gian khoảng 1 giờ 30 phút trên tàu, hướng dẫn viên giới thiệu với mọi người về loài chim sống quần cư từng đàn khoảng bốn đến năm ngàn con.
Chúng có khả năng định vị đặc biệt nên dù làm tổ san sát nhau nhưng không bao giờ bay về nhầm tổ. Các hang đá cheo leo, hiểm hóc và thoáng mát trên các hải đảo là nơi trú ngụ của chim yến.
Hằng ngày chim yến bay vào đất liền tìm mồi là các loại côn trùng bay trong không trung, nhiều con bay đi rất xa, có khi cách đảo trên 200 cây số.
Hằng năm, vào đầu mùa Xuân, cả chim đực lẫn chim mái cùng nhau làm tổ. Chúng tiết dịch từ trong miệng ra thành những sợi tơ, gắn trên vách đá và dần làm thành những chiếc tổ màu trắng xám. Mùa chim yến làm tổ, đẻ trứng, nuôi con là từ tháng 1 đến tháng 8 dương lịch.
Tổ của chúng rất dễ bị hư hỏng do môi trường không thuận lợi (hang quá khô nóng, quá ẩm ướt, mưa gió, sóng biển…), nhưng yến là loài chim rất kiên trì, mất tổ thì lập tức làm lại tổ mới và tiếp tục đẻ trứng cho đến khi tuyến nước bọt cạn kiệt và không thể đẻ trứng tiếp.
Từ xưa, những người làm nghề khai thác yến đã biết lợi dụng đặc tính này của chim yến để tổ chức thu hoạch tổ. Tháng 4 là kỳ thu hoạch lần thứ nhất.
Chim bị mất tổ lập tức làm lại tổ mới, lần này chỉ cần 35 – 40 ngày. Nếu không dưỡng chim, người ta lại tiến hành thu hoạch tổ. Chim yến ra sức làm tổ cho kịp mùa đẻ trứng nên chỉ cần 25-30 ngày là lại làm xong tổ mới.
- Xem thêm: Khám phá đảo Yến – hòn Nội
Lúc này, người ta để cho chim đẻ trứng, ấp nở và nuôi con trưởng thành, sau khi chim con rời tổ mới thu hoạch lần cuối.
Do phải làm tổ nhiều lần, sức lực cạn kiệt nên tổ yến càng về sau càng mỏng, càng nhỏ và chất lượng cũng kém hẳn đi. Khi chim bố mẹ kiệt sức chết nhiều, số tổ không trứng tăng, đàn chim con tất nhiên bị giảm sút.
Vì vậy để bảo tồn đàn chim, nay người ta chỉ thu hoạch yến hai kỳ một năm. Kỳ 1 vào khoảng tháng 4, khi chim vừa làm tổ xong.
Kỳ 2 vào khoảng tháng 8, sau khi chim làm lại tổ và nuôi chim con cho tới khi trưởng thành, bay đi hết. Bằng cách này, mỗi năm thu được hai lứa tổ mà vẫn dưỡng được chim, giúp đàn chim tăng trưởng.
Trong số gần 100 hòn đảo của tỉnh Khánh Hòa, hiện có hơn chục hòn đảo được loài chim quý này chọn làm nơi cư trú để xây tổ như hòn Nội, hòn Ngoại, hòn Hố, hòn Chà Là, hòn Đụn, hòn Mun, hòn Nọc, hòn Xà Cừ, hòn Cỏ Ông, hòn Đồi Mồi, hòn Trảo Đỏ, hòn Sam…
Hòn Ngoại là đảo có sản lượng yến sào nhiều nhất. Lúc tàu cập bến hòn Sam, hải âu bay lượn rợp trời. Đây là loài chim chuyên đẻ trứng trên các khe đá có nhiều ánh nắng mặt trời. Hằng ngày, chim bố mẹ bay đến xoay trứng về hướng nắng cho đến ngày chim con nở ra.
Chúng tôi lần lượt bước lên đảo. Trong không gian bao la và thoáng đãng, những chiếc chòi tranh của người giữ đảo xôn xao bởi khách tham quan. Biển xanh, mây trắng, hải âu chao liệng trên bầu trời.
Cứ hai người tạo thành một cặp vào tham quan hang yến. Những chiếc tổ bé tí như những cái muỗng nhỏ đính chi chít trên vách đá cao.
- Xem thêm: Hoang sơ cảnh đẹp Hòn Hèo
Tham quan hang yến xong, chúng tôi xuống ca nô ngắm san hô dưới đáy biển. Bức tranh đại dương thật sống động với cả vườn san hô nở to, lung lay trong nước, tạo thành đủ mọi hình thù.
Những con sao biển gai đen bơi qua lại cùng với sứa và cá từng đàn đủ màu sắc làm cho thế giới này thật sinh động.
Tàu dừng ở điểm cuối cùng phía sau đảo, nơi có một bãi cát rộng lớn, được gọi là bãi Tắm Đôi, ngăn cách hai vịnh Cam Ranh và Nha Trang.
Những bungalow dịu mát dọc đường đi và các nhà sàn trải dài trên khắp triền núi hay trên những ghềnh đá sát biển khá thi vị.
Bữa cơm trưa có các món gỏi rau muống, mực hấp gừng, tôm nướng, cá mú hấp và canh chua. Thức uống là nước yến lon. Món chè yến cũng được phục vụ khi có yêu cầu, nhưng khách phải đặt trước hai giờ.
Sau bữa cơm trưa, khách nghỉ ngơi một lát, chúng tôi tiếp tục tham quan đền thờ ông tổ nghề yến sào.
- Xem thêm: Hòn Tằm – “hòn đảo của tình yêu”
Hằng năm đến ngày giỗ tổ và ngày cúng mùa, người làm nghề khai thác tổ yến tập trung về đây cúng bái, cầu nguyện để có sức khỏe và hành nghề được suôn sẻ. Khách thích thám hiểm thì trèo lên đỉnh Du Hạ cao 90m để quan sát toàn cảnh đảo, nhìn tới hòn Nội, hòn Ngoại.
Đường về xuôi gió nên ai nấy đều có cảm giác tàu đi nhanh hơn, bỏ lại sau lưng đàn hải âu trắng bay rợp trời…