Từ TP. Hồ Chí Minh, sau hai giờ chạy xe, chúng tôi đến với làng nghề Phú Lễ, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Mấy năm nay, làng bắt đầu được khách du lịch chú ý nhờ những điệu ca cổ truyền và các nghề thủ công đặc sắc. Riêng về mặt kiến trúc, đình Phú Lễ của làng là ngôi đình có quy mô lớn và đẹp vào bậc nhất trong các vùng quê ven biển Bến Tre.
Đường đến làng và đường đi trong làng mùa này rất sạch sẽ, khang trang. Hai bên đường cây cối xanh mát, lúc chúng tôi đến có một nhóm du khách nước ngoài đội nón lá vừa thong thả đạp xe vừa chuyện trò vui vẻ. Giữa không gian yên tĩnh, cổng đình Phú Lễ hiện ra uy nghi và nổi bật. Đình đã gần hai trăm tuổi, qua nhiều lần tu sửa nhưng vẫn giữ nguyên nét cổ kính. Toàn bộ kiến trúc nằm trong khuôn viên rộng, dưới bóng mát của nhiều cây cổ thụ. Trong đình còn nhiều tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ sơn son, thếp vàng hàng trăm tuổi rất giá trị. Thềm và móng đình được cấu trúc bằng đá xanh, bên trên xây gạch. Công trình xây dựng gồm 10 gian: sáu gian chính và bốn gian phụ bố trí theo lối chữ “Đinh”. Đình chính gồm võ ca, viên đường, thính đường, chánh đường và hậu đường. Cột đình bằng gỗ lim, đường kính 40cm, mái lợp ngói vảy cá.
Phú Lễ hiện còn giữ được nét văn hóa cúng đình bài bản, đầy đủ nghi lễ. Bên cạnh ca nhạc tài tử và hát bội là món ăn tinh thần không thể thiếu thì hát sắc bùa cũng là niềm tự hào của người dân nơi đây. Hát sắc bùa là loại hình sinh hoạt của cư dân nông nghiệp, mang tính nghi lễ và thường diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán để cầu may, chúc phúc cho gia chủ. Ngoài ra, hát sắc bùa cũng được biểu diễn trong khi lao động để khơi dậy tinh thần làm việc cho bà con dân làng ở miền biển Bến Tre.
Trong khi nhóm du khách nước ngoài lúc nãy tỏ ra thích thú với những hộ làm nghề đan lát mây tre, nhóm chúng tôi lại dành nhiều thời gian tìm hiểu nghề nấu rượu nếp truyền thống tại làng. Rượu Phú Lễ thơm ngon là nhờ men, nước giếng làng, nếp trồng trên chính vùng đất này và đặc biệt là nhờ ủ nếp trong những cái hũ đã có hàng trăm năm. Thêm nữa, điểm đặc biệt của rượu Phú Lễ nằm ở bài hồ men bí truyền từ 36 vị thảo mộc bắc – nam. Các vị thảo mộc được tán nhuyễn rồi trộn lẫn với cám hoặc gạo nếp Ba Tri tạo nên một loại hồ men đặc trưng của rượu làng nghề. Ngoài ra, hồ men còn được trộn với các loại phụ gia như rau răm, ớt, giềng, lá trầu… để tạo nên hương vị riêng cho rượu. Hiện nay người Phú Lễ còn kết hợp với dừa tạo ra rượu cốt dừa, rượu nước dừa.
Chưa hết, dân làng thường tận dụng bã hèm sau khi nấu rượu để nuôi các loại gia súc, gia cầm như bò, gà… khiến cho các loại thịt trên có độ thơm và dai tự nhiên. Chúng tôi ăn mãi không ngán món xôi nếp dừa gà bùi béo, thơm ngậy được nấu từ nếp Ba Tri và các món ăn chế biến từ bò, heo được nuôi ở địa phương.