Côn Sơn – Kiếp Bạc là quần thể di tích nổi tiếng ở tỉnh Hải Dương, nơi có phong cảnh non nước hữu tình, cũng là vùng đất lịch sử ghi dấu chiến công lẫy lừng ba lần quân dân thời Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông (thế kỷ XIII) và trong cuộc kháng chiến 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh (thế kỷ XV). Khoảng 600 năm trước, vùng đất này đã được ông Nguyễn Phi Khanh (thân phụ Nguyễn Trãi) mô tả là: “Khói đầu non, ráng ngoài đảo, gấm vóc phô bày, hoa dọc suối, cỏ ven rừng, biếc hồng phấp phới”…
Kỳ vĩ Côn Sơn
Côn Sơn bao gồm cả núi Kỳ Lân và núi Ngũ Nhạc liền kề vốn là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm vào thời Trần.Thắng cảnh này cũng tiếp giáp với dãy núi Phượng Hoàng và núi Rùa tạo thành một vùng đất quần tụ đủ tứ linh, ngũ nhạc, lục đầu giang. Địa thế đó đã tạo nên một vùng núi tiếng tăm với những di tích cổ kính, gắn liền với thân thế, sự nghiệp của hai vị anh hùng Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi. Du khách thập phương đến Côn Sơn để mong tìm về với căn nhà vũ trụ, nơi hòa hợp tột cùng của âm dương, sơn thủy và trời đất.Ở đó, con người được hưởng thụ khí trời trong mát, với hương rừng, gió núi và tiếng ca muôn thuở của suối chảy, thông reo, được đắm mình trong hồn thiêng sông núi.
Chùa Côn Sơn tọa lạc ở ngay dưới chân núi Côn Sơn.Vào đời Lê, chùa được trùng tu và mở rộng với 83 gian nhà và 385 pho tượng. Ngày nay, chùa Côn Sơn chỉ còn là một ngôi chùa nhỏ ẩn mình dưới tán lá xanh của các cây cổ thụ. Sân chùa vẫn còn cây hoa sứ 600 tuổi, bia Thanh Hư động có từ giữa thế kỷ XIV với những nét chữ còn nguyên vẹn của vua Trần Duệ Tông. Từ chùa, du khách men theo con dốc nhỏ để lên sườn núi Kỳ Lân thơ mộng. Tương truyền, vào một sớm mùa thu, đoàn thi nhân đang trên đường lên núi Kỳ Lân thì nghe có tiếng nói cười lao xao từ đỉnh núi vọng xuống. Nhưng đến nơi tịnh không một bóng người, chỉ thấy một bàn cờ đang đánh dở. Mọi người cho rằng các tiên đã xuống đây chơi cờ, múa hát, vì thế, đỉnh núi được gọi là Bàn Cờ Tiên. Ngay cạnh đó là Giếng Ngọc do thiền sư Huyền Quang được thần linh báo mộng ban cho chùa nguồn nước quý. Nước giếng trong vắt, xanh mát quanh năm được các sư dùng làm nước cúng lễ của chùa. Từ chân núi đi theo lối mòn có kê đá xuống phía chân núi có một tảng đá lớn, mặt phẳng và nhẵn nằm kề ven suối gọi là Thạch Bàn lớn. Tương truyền khi xưa, Nguyễn Trãi lấy Thạch Bàn làm “chiếu thảm” nghỉ ngơi, ngắm cảnh, làm thơ và suy tư việc nước…
Di tích Côn Sơn hôm nay được tu tạo và bổ sung thêm nhiều nét mới, khiến phong cảnh càng thêm thơ mộng và huyền diệu. Du khách đến Côn Sơn vào bất cứ mùa nào cũng thấy không khí mát lành, bởi nơi đây có thảm thực vật lý tưởng.Vào những ngày đầu xuân mưa lất phất, cây cối đua nhau nảy lộc, trời đất Côn Sơn hòa quyện với nhau. Đi dưới mặt đất mà tay như nắm bắt được những áng mây hồng. Leo lên sườn núi, bước chân du khách lẫn trong mây và ánh mắt tự do trải rộng ra thiên nhiên kỳ vĩ giữa bao la đất trời.
Kiếp Bạc – Thiên bồng giữa hạ giới
Kiếp Bạc là một địa danh lừng lẫy bên Lục Đầu Giang, cách Côn Sơn chừng 5 cây số. Kiếp Bạc có thế “rồng vươn, hổ phục”, thế sông núi hiểm mà hài hòa, hùng vĩ khoáng đạt mà trang nhã. Tại đây là nơi hợp lưu từ dòng sông lớn là sông Đuống, sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam từ thượng nguồn dồn về, chảy vào sông Thái Bình và sông Kinh Thầy, mang phù sa màu mỡ tốt tươi về xuôi bồi đắp. Người xưa đã thể hiện rõ hồn thiêng sông núi tại thung lũng này qua câu đối: “Kiếp Bạc hữu sơn giai kiếm khí/ Lục Đầu vô thủy bất thu thanh (Tạm dịch: Kiếp Bạc muôn ngọn núi đều có hùng khí của kiếm thiêng/ Lục Đầu không con nước nào chẳng vọng tiếng thu).
Đền Kiếp Bạc cùng với hai ngôi đền trên núi Bắc Đẩu và Nam Tào được ví như “một cõi thiên bồng giữa hạ giới”. Tại vị trí trang trọng nhất của đền Kiếp Bạc, tượng Trần Hưng Đạo bằng đồng nặng hàng tấn ngự trên ngai sơn son thếp vàng đứng uy nghi, bao thế kỷ vẫn toát ra hùng tâm tráng chí và hào khí Đông A lẫm liệt, khiến khách hành hương ai cũng phải ngưỡng vọng thành kính. Tại đền còn có tượng thờ của phu nhân và hai con gái của Trần Hưng Đạo cùng tướng quân Phạm Ngũ Lão.
Sự linh thiêng của Kiếp Bạc, Côn Sơn tồn tại vĩnh hằng cùng sông núi nước Nam. Những công trình như chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, đền Nam Tào, đền Bắc Đẩu, đền thờ Nguyễn Trãi, Ngũ Nhạc linh từ…. nơi đây mãi mãi là những chốn thờ tự thiêng liêng, nơi lưu giữ vẻ đẹp hùng vĩ mà nên thơ, tráng lệ mà thiên nhiên đã ưu ái đồng thời được con người nơi đây tiếp tục chăm sóc, tu bổ để ngày càng hấp dẫn du khách thập phương.