“Đêm dài một đời” của nhà văn Lê Tất Điều xuất bản lần đầu ở Sài Gòn vào năm 1966. Sau gần nửa thế kỷ, Công ty sách Phương Nam đã làm cầu nối để tác phẩm tái ngộ bạn đọc vào năm 2013. Bảy năm sau, tác phẩm lần nữa được Phanbook đưa trở lại với diện mạo mới, vừa ra mắt bạn đọc.
Có gì trong cuốn sách viết cho lứa tuổi thiếu niên – nhi đồng này lại hấp dẫn đến vậy. Nhất là khi thế giới mà nhà văn Lê Tất Điều vẽ ra là một thế giới của bóng tối, thứ bóng tối khởi lên từ bạo tàn binh lửa.
Một ngày bình thường như mọi ngày, chú bé Thương cùng ba mẹ rời quê khăn gói lên Sài Gòn, ôm theo trong mình biết bao dự định, hoài bão.
Biến cố trong đời là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng thời chiến khiến cho xác suất của những biến cố tăng lên. Trên chuyến tàu định mệnh đưa cả gia đình đến Sài Gòn, hiểm họa ẩn tàng trên đường ray xe lửa, đoàn tàu cán phải mìn, cướp đi sinh mệnh cha mẹ, đẩy chú bé vào cảnh mù lòa tăm tối.
Chiến tranh và thân phận con người là điều đã được văn chương nói nhiều. Lê Tất Điều lẩy ra từ muôn vàn số phận đau thương đó, từ muôn triệu chú bé mồ côi vì chiến tranh, một chú bé tên Thương, mù lòa. Cái tên Thương gửi gắm vào đó sự chân phương hồn hậu miền Nam, là tình yêu gia đình, quê hương, đồng loại, thứ tình thương vượt lên trên bóng tối. Lê Tất Điều đã ký thác vào chú bé mồ côi, ngay từ cái tên, một niềm hy vọng và cả một lời khẳng định. Bóng đêm chiến tranh không dập tắt được lòng yêu thương và khát vọng sống của con người.
Và chú bé côi cút ấy tiếp tục sống, dẫu giờ đây không còn thấy được. Luân lạc từ bệnh viện về nhà người thân, rồi từ nhà người thân vào trung tâm dành cho người khiếm thị, chính điểm đến này, Thương mới tìm ra được chốn gọi là gia đình sau khi ngỡ chừng đánh mất tất cả. Ở đây chú bé có bè bạn, được dạy nghề để sau khi ra trường hòa nhập xã hội.
Với Đêm dài một đời, Lê Tất Điều đã đem tia sáng từ một thời quá vãng, soi lại thời hiện tại. Đó là câu chuyện không chỉ về thân phận con người trong chiến tranh và cũng không chỉ thân phận những người khiếm thị.
Viết về thế giới người mù không phải hiếm tác phẩm, nhưng bằng cách tái tạo thế giới ấy qua lời chú bé Thương, tác giả đã thực sự nhập vào bóng tối, trải nghiệm bóng tối, để thấu hiểu các nhân vật, nhất là các nhân vật khiếm thị vốn cực kỳ nhạy cảm.
Họ là nạn nhân, nhưng lại mang tâm lý của người mang tội, một thứ tội chính họ không biết là gì. Bởi từ khi chìm vào tối tăm, họ phải chấp nhận sống nhờ vào người khác, bị xã hội coi khinh, hoặc thương hại và cả bị lãng quên.
Nhưng không vì thế mà họ tuyệt vọng, trái lại, họ càng ý thức hơn thân phận con người trong xã hội, dầu biết “nơi nào cũng có nỗi khổ hết” nhưng “lúc nào mình cũng có quyền tranh đấu cho quyền lợi của mình hết. Nhiều khi xã hội chưa quên nhưng lại có những người muốn cho xã hội không nhớ đến chúng ta” (trang 147). Đó là những kẻ tư lợi, nhận tiền từ thiện nhưng tiêu xài riêng, trong một môi trường còn nhiều “bê bối”.
Khi khắc họa thế giới của người khiếm thị, Lê Tất Điều đã nêu được cái dị biệt trong đời sống của họ, nhưng không tách biệt, mà đặt nó trong mối tương quan với đời sống của những người lành lặn. Từ đó thấy được những trái ngang của thân phận, cái phần tối trong thế giới của người sáng mắt.
“Có người đã đưa tay cho tôi cầm, bằng lòng trở thành bạn tôi. Nhưng sau, vì một cớ nào đó, người ấy không thèm gặp tôi nữa. Anh ta vẫn vào trường nói chuyện với vài người khác. Tôi cố tình đi quanh quẩn ở chỗ anh đứng nói chuyện và khắc khoải mong chờ một tiếng gọi để được reo lên, được nắm lại bàn tay, bóp nhẹ từng thớ thịt trên cánh tay anh ta. Nhưng tiếng gọi đó không bao giờ có nữa” (trang 22).
Đau đớn, nhưng nhân vật cũng chỉ dám trách nhẹ. Thế giới mà bàn tay người khiếm thị chạm vào thô ráp, sắc nhọn, khác hẳn với tác phẩm mang màu sắc thần tiên Những giọt mực của cùng tác giả. Nhiều khi, cái đau đớn đó được bọc trong tiếng cười đùa mà chua chát, như lúc người khiếm thị tiễn một người bạn ra trường và đùa rằng kể từ đây coi như người đó đã chết. Họ tổ chức đám tang “thật là vui vẻ và hấp dẫn”, phân chia người khóc lóc, khiến khổ chủ cũng dở khóc dở cười. Họ làm vậy bởi “Chúng tôi nghĩ đến cái chết quá nhiều. Thế nên chúng tôi hăng say khóc lóc đưa ma một người sống” (trang 29).
Sinh năm 1942, nhà văn Lê Tất Điều rời Sài Gòn sau năm 1975. Khi làm thơ, ông lấy bút hiệu Cao Tần. Trong Đêm dài một đời, ta có thể thấy bóng dáng nhà thơ Cao Tần ấy, nhất là trong những cảm nhận tinh tế của những người khiếm thị.
Đọc Đêm dài một đời, nhớ bài thơ Chuyện thần tiên của Cao Tần, với những câu như:
(Có bà tiên hiền hỏi chàng lưu lạc
Con ước mơ chi cuối cuộc đời này?)
Ta ước khi không bừng tỉnh giấc
Thấy bình minh muộn nắng đầy hiên
Một khung cửa sổ trời xanh ngắt
Đầu sân xao xác tiếng chim quen…
Phải chăng đó cũng là khát vọng của những người khiếm thị? Mà cũng không riêng những người khiếm thị, đó còn là khát vọng của nhà thơ, một nghệ sĩ từng sống trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh:
Chợt nhớ lại, ồ đêm qua khiếp quá
Mình đã mơ một giấc thật kinh hoàng
Mơ thấy cả một quê hương đổ vỡ
Mình lên đường ngơ ngẩn, lang thang
Với Đêm dài một đời, Lê Tất Điều đã đem tia sáng từ một thời quá vãng, soi lại thời hiện tại. Đó là câu chuyện không chỉ về thân phận con người trong chiến tranh và cũng không chỉ thân phận những người khiếm thị. Một hiện thực sẽ còn sống động, một niềm thương và khát khao mãi còn đó.
Ta muốn điều chi cuối đời luân lạc?
Này bà tiên vừa hỏi giấc mơ ta
“Hãy đem hết những đổi đời tan tác
Gói giùm vào cơn mộng dữ đêm qua”.
Lê Tất Điều sinh năm 1942 tại Hà Đông, vào Sài Gòn từ năm 1954, là một trong vài nhà văn miền Nam được ghi nhận thành công rất sớm. Ngay từ tập truyện ngắn đầu tay có tựa Khởi hành, do Bách Khoa giới thiệu năm 1961, Lê Tất Điều đã được giới phê bình và độc giả lúc bấy giờ đánh giá cao. Cho đến năm 1970, ông là tác giả của tám cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài gây chú ý, trong đó, Đêm dài một đời là cuốn thứ tư.
Sau năm 1975 ông sang Mỹ và mở một bước ngoặt mới trong văn nghiệp: không viết văn xuôi nữa mà chuyển hẳn sang làm thơ với bút danh Cao Tần. Các tập thơ nổi tiếng của ông trong thời kỳ này: Thơ Cao Tần (1977), Thư về Bloomington, Illinois (1997)… Ông hiện sinh sống ở San Diego.
Năm 2013, hạng mục sách thiếu nhi của Giải thưởng Sách Hay đã trao cho tác phẩm Những giọt mực của Lê Tất Điều, được xuất bản ở Việt Nam bởi Phương Nam Book liên kết NXB Văn Hóa Văn Nghệ.