Hai cặp đấu ở vòng bán kết Champions League đã lộ diện. Một kết quả thú vị, khi đương kim vô địch Real Madrid gặp phải một trong số ít khắc tinh của mình tại đấu trường châu Âu, đó là Juventus (Ý). Hai đội từng gặp nhau ở chung kết Champions League mùa 1997-1998 và Real giành chiến thắng, nhưng sau đó CLB nước Ý loại Real ở bán kết mùa 2002-2003 và ở vòng 1/8 mùa 2004-2005. CLB còn lại của Tây Ban Nha cũng gặp phải khắc tinh Bayern Munich. Barca từng gặp Bayern tám lần trong khuôn khổ các cúp châu Âu và chỉ giành một chiến thắng trong khi thua tới năm trận.
Nhiều người chờ một trận “siêu kinh điển” (Real-Barca) lần đầu tiên tại chung kết Champions League. Nhưng chưa cần điều đó diễn ra, đã có thể nói rằng Champions League đang nói tiếng Tây Ban Nha. Bóng đá xứ sở đấu bò tiếp tục chiếm một nửa trong số bốn CLB mạnh nhất – điều bình thường trong năm mùa giải gần đây! Cụ thể, từ mùa bóng 2010-2011, Real luôn có mặt tại bán kết. Suất còn lại trong “Top 4 Champions League” thuộc về Barca (trừ mùa giải 2013-2014 được thay bằng Atletico Madrid). Trong một giải đấu có sự tham dự (tính từ vòng sơ loại) của gần 80 CLB mạnh nhất thuộc 51 quốc gia thành viên Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA), lọt vào đến bán kết được xem là thành công đối với bất kỳ CLB nào. Từ khi cúp C1 dành cho các đội vô địch quốc gia châu Âu được đổi tên và mở rộng thành Champions League (1992-1993), trong từng giai đoạn cũng có một CLB nào đó thống trị, nhưng các CLB của một quốc gia chiếm đến phân nửa tại vòng bán kết năm mùa giải liên tiếp thì chưa từng xảy ra. Nhìn vào đội hình, huấn luyện viên và chính sách chuyển nhượng của Real, Barca và thậm chí Atletico Madrid, giới chuyên môn dự báo rằng xu hướng áp đảo của bóng đá Tây Ban Nha tại Champions League còn kéo dài.
Đó là chưa kể, mùa này và mùa trước, phải tính “hai đội rưỡi” cho bóng đá Tây Ban Nha tại bán kết Champions League mới đúng. Bởi HLV Pep Guardiola của CLB Đức Bayern từ mùa giải vừa qua chính là người đưa trường phái “tiki taka” của Barca lên thành nghệ thuật và sau khi làm HLV trưởng Bayern, ông vẫn tiếp tục truyền bá lối đá đặc sản của xứ Catalan sang đất Đức. Trong chiến thắng 6-1 tại lượt về tứ kết Champions League trước CLB Porto của Bồ Đào Nha (lượt đi thua 1-3), hai cầu thủ góp công lớn nhất cho Bayern chính là Thiago và Alonso – hai cầu thủ người Tây Ban Nha, một (Thiago) là đệ tử của Pep Guardiola từ Barca và một (Alonso) mùa trước góp công lớn trong việc đoạt Champions League lần thứ 10 cho Real!
Nói đến vấn đề này, một số fan, đặc biệt là các fan của các CLB Anh lại lôi chuyện bản quyền truyền hình “bất công” tại giải vô địch Tây Ban Nha ra để móc máy, rằng nhờ có sự bất công đó nên Barca và Real mới tha hồ mua sắm, để từ đó mới đạt được sự thống trị như hôm nay. Dĩ nhiên, đó cũng là một lý do. Nhờ được đàm phán riêng tiền bản quyền truyền hình (chứ không chung một “gói” như các CLB thuộc các giải vô địch quốc gia khác) nên Real và Barca đã thu về mỗi đội 23% tổng số tiền bản quyền của toàn giải (hai CLB nhận được nhiều tiền bản quyền tiếp theo là Atletico Madrid và Valencia chỉ nhận được 7% tổng số tiền bản quyền). Có nhiều tiền sẽ giúp CLB dễ dàng mua được những ngôi sao lớn, từ đó ngày càng mạnh mẽ.
Thế nhưng, chuyện bản quyền “bất công” mà Real Madrid và Barceloa hưởng lợi không phải chỉ có từ mấy mùa gần đây. Vậy mà từng có giai đoạn Real Madrid bảy mùa liên tiếp không vào đến vòng tứ kết. Cũng như từng có giai đoạn các CLB Anh thường xuyên có mặt tại vòng bán kết này. Và hiện tại, nếu xét về độ giàu có, chịu chi, thì những CLB như Paris Saint Germain (Pháp), Manchester City, Manchester United (Anh) nào có kém cạnh gì? Vậy thì nguyên nhân chính không phải ở việc có nhiều tiền. Cách làm bóng đá “dùng ngôi sao nuôi ngôi sao” của các CLB hàng đầu như Real, Barca và Bayern đã giúp họ thu được quả ngọt. Không ngủ quên trên chiến thắng, sau mỗi mùa giải đều tăng cường lực lượng, thay đổi lối chơi… mới tạo nên sức mạnh lâu dài. Như Bayern, vừa vô địch Champions League mùa giải 2012-2013 nhưng họ vẫn mời HLV Pep Guardiola về dẫn dắt, để rồi tiếp tục có mặt tại bán kết Champions League từ đó đến nay. Chỉ khi có thêm nhiều CLB thuộc các quốc gia khác cũng nỗ lực như Bayern, Champions League mới thôi nói tiếng Tây Ban Nha. Trừ những fan của ba CLB này, người yêu bóng đá trung lập không mấy thích thú khi thấy những gương mặt quen thuộc từ năm này qua năm khác ở các trận bán kết Champions League. Đa dạng luôn đem đến những điều mới mẻ, kịch tính cho bóng đá.
- Địch Vân