Sau khi vượt qua mốc 1.050 điểm, hướng đến mốc tiếp theo là 1.100 điểm, VN-Index đã không còn dễ dàng đi lên như trước. Thay vì vậy, câu chuyện có vẻ… kịch tính hơn. Đã có những cú tăng dựng đứng và cũng không thiếu những pha rơi tự do trong cùng một phiên giao dịch.
Rồi có ngày VN-Index giảm sâu trong phiên sáng nhưng lại thăng hoa trong phiên chiều. Hoặc sau một phiên “sập sàn” là một vài phiên tăng mạnh… Nhìn chung, VN-Index đang tích lũy để chờ cơ hội bứt phá mạnh hơn, cụ thể là hướng đến đỉnh cũ 1.170 điểm. Trong giai đoạn vừa qua, các nhóm cổ phiếu thay nhau dẫn dắt thị trường và thu hút dòng tiền. Có lúc là các bluechip như VNM, MSN, BVH, CTD… Có lúc là những cổ phiếu có “game thoái vốn” hay mới chào sàn. Rồi đến dòng ngân hàng và bất động sản nổi lên. Một số mã đầu cơ cũng có những phiên dậy sóng…
Nhưng cho dù diễn tiến thị trường thay đổi thế nào và cổ phiếu “nóng” thay đổi ra sao thì có một điều không đổi suốt từ khi VN-Index thăng hoa (quý cuối năm 2017) đến nay, đó là sự nhập cuộc hứng khởi của dòng tiền ngoại. Giai đoạn cuối 2017 – đầu 2018, trung bình mỗi tuần, khối ngoại mua ròng cả ngàn tỉ đồng. Riêng tuần giao dịch gần nhất (15 đến 19-1), khi thị trường rung lắc và có thời điểm chỉ số giảm mạnh, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 2.700 tỉ đồng.
Không chỉ năm 2018 khối ngoại mới đẩy mạnh giao dịch mà từ năm ngoái các nhà đầu tư nước ngoài đã mua – bán rất sôi động và ngày càng có thêm nhiều nhà đầu tư mới gia nhập thị trường. Tính đến hết năm 2017, lượng nhà đầu tư nước ngoài được cấp mã giao dịch chứng khoán đã lên đến con số 23.506, bao gồm 3.550 tổ chức và 19.956 cá nhân. Có thể nói, sự bùng nổ của thị trường chứng khoán nước ta trong năm 2017 (tăng hơn 48%, lọt vào Top 3 thị trường tăng trưởng nhất thế giới) có phần đóng góp không nhỏ từ các nhà đầu tư nước ngoài. Trong năm này, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 27 ngàn tỉ đồng, một con số kỷ lục với thị trường chứng khoán nước ta. Đặc biệt, sự tham gia tích cực của nhà đầu tư nước ngoài vào các đợt cổ phiếu mới niêm yết, hay của Nhà nước thoái vốn như Vinamilk, DIG, Vincom Retail… đã giúp cho những thương vụ này đều thành công, góp phần vào sự tăng trưởng chung của thị trường.
Trở lại với những diễn biến tiếp theo của VN-Index, dù vẫn trong xu hướng đi lên, nhưng ai cũng phải thừa nhận rằng mặt bằng giá của nhiều cổ phiếu trên sàn đang ở mức cao. Vậy nên, cho dù những cổ phiếu ấy có là tâm điểm của thị trường thì việc mua vào trong thời điểm hiện tại cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và lựa chọn mua cổ phiếu nào trong giai đoạn này là không dễ. Những phiên điều chỉnh mạnh, gây ra các khoản lỗ cho các nhà đầu tư “giật mình bán ra” là những ví dụ, dù ai cũng hiểu rằng thị trường cần có vài nhịp điều chỉnh trên con đường hướng đến những cột mốc mới.
Tuy nhiên, nếu nhận xét rằng ngay sau các phiên giảm điểm mạnh, thị trường lại đi lên mạnh mẽ và đặc biệt là thanh khoản luôn ở mức rất cao, thì khả năng tăng trưởng của thị trường trong tương lai vẫn rất cao. Và nếu để ý rằng khi chỉ số tăng mạnh, các cổ phiếu lớn đa phần tăng giá và ngược lại – giảm giá mạnh khi chỉ số lao dốc – thì nhà đầu tư sẽ có quyết định đầu tư cho riêng mình. Lựa chọn đầu tư vào một số cổ phiếu (có thể thuộc nhóm ngân hàng, chứng khoán, dầu khí…) tăng mạnh hơn mức tăng chung của chỉ số, hoặc giảm nhẹ hơn mức giảm chung trong các phiên điều chỉnh, nhờ vào việc có thông tin hỗ trợ và còn dư địa tăng trưởng, nhà đầu tư vẫn có cơ hội cao tìm được lợi nhuận.