Điều thú vị đầu tiên của hòn đảo này là những chiếc xe tuk tuk còn khá mới. Đảo vừa mát lộng gió biển, vừa có nhiều phong cảnh nên thơ, đúng là phải đi tuk tuk thì mới tận hưởng được hết.
Nằm trong quần thể đảo lớn trên vịnh Bái Tử Long, Quan Lạn không chỉ được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh sắc xinh đẹp mà cộng đồng hơn bảy ngàn dân ở đây vẫn còn lưu giữ được nhiều giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời. Có diện tích 11 cây số vuông, đảo trải dài theo hướng đông tây, từ chân dãy núi Vân Đồn tới núi Gót với những ngọn núi cao phía đông như bức tường thành ngăn sóng gió. Ngày thường đảo Quan Lạn thưa thớt bóng người. Con đường nhỏ duy nhất trên đảo chỉ có bóng dáng của những khách du lịch từ các bãi tắm trở về, thi thoảng mới có một chiếc xe máy phóng vèo qua, rồi tất cả lại trở về yên tĩnh. Trên bãi biển vắng vẻ chỉ có một nhóm du khách trẻ đang đuổi bắt những chú dã tràng nhỏ xíu và nhặt các vỏ ốc, vỏ sò lấp lánh dưới ánh mặt trời.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi dậy sớm để đón bình minh trên đảo.Không gian yên tĩnh, chỉ có nghe tiếng sóng biển vỗ về êm dịu. Những con còng gió vội vã lẩn vào bờ đá.Nắng chan hòa cùng với những cơn gió nhẹ nhàng lướt qua. Mọi người đi bộ lên cầu tàu chiêm ngưỡng cảnh bình minh rồi đi chợ quê vùng biển… Đứng từ trên cao nhìn xuống, Quan Lạn như một bức tranh với những mái ngói đỏ thắm nổi bật giữa màu xanh mướt của cánh đồng ngô, khoai, lúa. Sau bữa sáng, cả đoàn đi thăm quần thể đình chùa cổ Quan Lạn. Nhiều thế kỷ trước đây đảo này đã từng là một thương cảng cổ sầm uất, nhờ vậy mà giữa chốn biển khơi mênh mông lại có những ngôi chùa to lớn cùng nhiều di chỉ khảo cổ đến vậy. Đình thờ vua Lý Cao Tông được xây vào khoảng cuối thế kỷ XIX có kiến trúc hình chữ công, gồm bái đường, hậu cung và ba gian ống muống. Mái đình lợp bằng ngói vảy, trên nóc mái có đắp trang trí hình hai con rồng chầu mặt trăng. Nằm bên phải đình là nơi thờ Nghè Quan Lạn – anh em họ Phạm có công đánh quân Nguyên Mông. Bên trái đình là chùa Quan Lạn thanh tịnh cổ kính. Không gian nơi đây rất đỗi yên bình.
Do chưa có điện lưới quốc gia nên các dịch vụ khách sạn ở Quan Lạn không rẻ. Các bạn trẻ đến đây thường ở chung với nhà dân nhằm giảm bớt chi phí. Đây cũng là cách hay để tìm hiểu đời sống thuần khiết mà lý thú của dân đảo. Người Quan Lạn đến nay vẫn sinh sống chủ yếu bằng nghề đi biển, đào sá sùng và làm nước mắm. Dịch vụ du lịch mới chỉ phát triển trong vài năm trở lại. Đến tắm biển Quan Lạn, du khách sẽ được thưởng thức hải sản với giá rẻ bất ngờ. Những con mực còn tươi rói vừa được đánh bắt lên đem luộc chấm muối chanh, rồi món ngao hấp, ngán nướng, canh hải sâm mát và bổ. Đặc biệt hơn nữa thì có sá sùng rang ăn vừa dai vừa ngọt… Ngoài ra, người dân đảo còn tự hào với hai đặc sản là khoai lang và đậu phộng trồng trên đất cát thuộc hàng “ngon nhất Việt Nam”.
Ở Quan Lạn có hai bãi tắm đẹp nổi tiếng là Sơn Hào và Minh Châu. Cả hai bãi biển đều có độ dốc thoai thoải và bãi cát mịn màng trắng tinh. Bãi Sơn Hào nhìn ra cửa biển nên sóng lớn. Biển Minh Châu nằm trong vịnh nên nước lặng và trong đến độ có thể nhìn tới tận đáy sâu. Đường đến bãi Minh Châu đi ngang qua khu rừng trâm rộng khoảng 14ha, chạy dài bốn, năm cây số theo hình vòng cung phủ gần kín cồn cát. Các bậc cao tuổi trên đảo cho biết rừng trâm này có cách đây khoảng 300 năm. Trâm có tác dụng giữ đất, chắn gió và cho bóng mát vì thế từ thời xưa, người dân đảo đã truyền lại cho con cháu ý thức bảo vệ rừng. Mặc dù đây là loài gỗ tốt, chỉ đứng sau gỗ lim, gụ, trắc, sến, nhưng hầu như không có người dân nào chặt gỗ trâm về làm nhà, hoặc sử dụng vào các việc khác.
Sau khi thăm rừng trâm, mọi người thường đi bộ qua đầm Lác đến bãi tắm Nhãng Rìa và kết thúc tại bãi Chương Nẹp. Bãi tắm Nhãng Rìa có sóng mạnh, là địa điểm cắm trại rất lý tưởng. Nếu ở lại đây lâu hơn, du khách có thể đi câu cá ở vũng Ô Lợn, khu vực có nhiều loài hải sản hấp dẫn và khám phá hang động Soi Nhụ, Cái Đé… thuộc Vườn quốc gia Bái Tử Long.
Lê Thu Hòa