Về Kiên Giang, miền đất cuối cùng phía tây nam tổ quốc, ghé thăm TP. Rạch Giá đông vui, sau đó vượt biển chừng hơn 30 hải lý đến với Hòn Sơn là một chuyến du lịch, khám phá rất thú vị, hấp dẫn. Nhiều người sành điệu, từng trải nghiệm ví đảo Lại Sơn như một “Hawaii” thu nhỏ của biển Tây Nam. Và chúng tôi lên đường thăm đảo.
Vượt biển ra hòn
Đảo Lại Sơn còn có tên là Hòn Sơn, Hòn Rái, Hòn Sơn Rái, thuộc vùng biển của tỉnh Kiên Giang. Theo truyền thuyết dân gian, tên Hòn Sơn Rái là do ngày xưa trên đảo có nhiều cây dầu sơn rái, loại cây cho nhựa để xảm thuyền gỗ và quét lên vỏ thuyền chống nước biển ăn mòn. Cũng có tích nói rằng, xưa chúa Nguyễn Ánh bị Tây Sơn truy đuổi chạy ra đảo này, lúc đói khát được bọn rái cá dâng thức ăn, cá mà chúng bắt được cho Nguyễn Ánh. Và Nguyễn Ánh đặt tên đảo là Lại Sơn (lại: rái cá).
Chớm đông, vùng biển Tây Nam đã bớt những cơn mưa. Buổi sáng quang đãng, gió biển cấp 2, chúng tôi đến cảng Rạch Giá, mua vé 135.000 đồng/người, 8 giờ xuống tàu cao tốc Ngọc Thành đi Hòn Sơn… Tàu vượt sóng phăm phăm hướng về phía xa khơi. Thành phố Rạch Giá nhà phố lô nhô, mờ xa rồi khuất hẳn phía chân trời.
8 giờ 45 phút, tàu băng ngang qua Hòn Tre (Đảo Rùa), khách trầm trồ nhìn hòn đảo từ xa như một chú rùa khổng lồ đang bơi trên biển. Hòn Tre hiện là thủ phủ của huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang). Tàu ghé cảng Hòn Tre đổ khách nhanh, rồi tiếp tục chuyến hải hành trên biển… Chừng non một tiếng đồng hồ đã thấy đảo Lại Sơn sừng sững hiện ra trước mắt với màu xanh cây cỏ sầm uất chen lẩn đá núi, loáng thoáng ẩn hiện những ngôi nhà nhỏ núp mình dưới những hàng dừa xanh lả ngọn, nghiêng mình trên những bãi cát trắng tinh khôi! Đó là những làng chài có từ khá xa xưa…
Đúng 9 giờ 45 phút, tàu cập bến Hòn Sơn. Chúng tôi lên đảo. Phố chợ đông đúc, nhộn nhịp, nhưng khá bé nhỏ, tập trung chủ yếu ở khu vực bến cảng, trụ sở Ủy ban nhân dân xã, các đại lý tàu biển, khách có thể nhẩn nha mươi phút là giáp chợ. Tại bến đầu cầu tàu luôn có nhiều xe ôm phục vụ nhu cầu đi lại của khách. Chúng tôi được chủ homestay đón và giao xe máy, tự lái về nhà nghỉ.
- Xem thêm: Về Quảng Ngãi thăm mũi Ba Làng An
Đầu tiên, du khách sẽ cảm thấy phấn khích ngay khi tự mình cầm tay lái, lượn vòng vèo trên con đường đèo ven biển còn rất hoang sơ. Phía biển là những vườn dừa, những bãi đá nhấp nhô sóng vỗ, tung bọt trắng xóa. Phía núi là những rừng cây rậm rạp, phủ xanh um lên tận những mỏm đá cao chớn chở. Con đường ven biển này dài 11km hoang sơ, rất ít nhà cửa… Đoàn chúng tôi “đóng quân” ở Bãi Bấc, tại một homestay sát biển, phong cảnh tuyệt đẹp…
Khám phá các di tích, thắng cảnh, bãi tắm
Sau bữa cơm trưa thật ngon với cá, mực biển tươi sống được chủ nhà chế biến khéo léo, chúng tôi háo hức khám phá Hòn Sơn bằng xe máy.
Xuất phát từ Bãi Bấc, xe chầm chậm băng qua Bãi Ông Bô, rồi ngược dốc hướng về phía tây đến Bãi Đá. Con đường ven biển đẹp hoang sơ và thơ mộng, với những bãi cát trắng, nước biển trong xanh màu ngọc bích. Những bãi đá thiên hình vạn trạng, những hàng dừa lớp lớp, cao xanh ngất nghểu, oằn sai trái, lá xạc xào reo trong gió biển. Nắng biển vàng trong, ấm áp. Không xa lắm, có những chiếc tàu đánh cá giăng câu, thả lưới như những nét chấm phá sinh động trên mặt biển xanh chập chùng muôn ngàn con sóng bạc.
Rời Bãi Đá, đi thêm vài km, chúng tôi đến Lăng Ông Nam Hải. Đây là ngôi miếu thờ Cá Ông (cá Voi) mới được trùng tu, phía bên trong lăng có áng thờ, màng trướng đỏ, thêu rồng, hoa sen, một phù điêu dựa vách có hàng chữ “Nam Hải Đại Tướng Quân”. Hai bên áng thờ có sáu cái xương sườn lớn, mỗi bên ba cái của “Ông” được bọc vải đỏ trang trọng. Hầu như các làng chài ven biển, hải đảo ở Việt Nam đều có tục thờ Cá Ông. Đây là nét văn hóa tâm linh truyền thống, có từ rất lâu đời…
Đứng ở sân Lăng Ông Nam Hải, nhìn về hướng tây nam, chúng tôi thấy trong tầm mắt Bãi Thiên Tuế đẹp như tranh vẽ với tàu ghe neo đậu trong vịnh tròng trành trên sóng biển và làng chài thanh bình bên bờ cát trắng. Nhìn dọc theo hướng đông bắc, là bờ biển tuyệt đẹp của Hòn Sơn lô nhô đá tảng lớn nhỏ, cùng những vịnh biển khúc khuỷu nước xanh, sóng bạc, non nước hữu tình!
Tiếp tục hành trình, chúng tôi tẻ vào một con đường núi khá dốc, hai bên lau sậy ngút ngàn trổ bông bàng bạc. Đi chừng 1km, chúng tôi gặp một thác nước nhỏ bên đường. Thác này, xưa, do công nhân mở đường chặn dòng suối đổ xuống từ trên núi mà thành. Vẫn còn dấu vết là những bậc tam cấp xây chặn nước. Dù là thác nhân tạo nhưng dòng chảy của nó khá đẹp. Nhiều người thích chụp ảnh lưu niệm ở đây, xem như đã trải nghiệm.
- Xem thêm: Khám phá đảo Yến – hòn Nội
Buổi chiều khi nắng xế về Tây, chúng tôi ghé Bãi Cây Dừa Nằm. Nước biển ở đây trong vắt. Có lưa thưa đá tảng xen lẫn. Bãi có một cây dừa nằm nghiêng sát mặt một hòn đá lớn trông khá lạ mắt. Các bạn trẻ rất thích chụp ảnh, tạo dáng nơi này. Có vài ghế xích đu cho khách ngồi đung đưa, thư giãn ngắm biển. Tiếp đến, chúng tôi ghé Bãi Bàng tắm biển. Đây là bãi tắm đẹp nhất của Hòn Sơn nằm sát dưới chân núi Ma Thiên Lãnh kỳ vĩ với bãi cát trắng mịn dài trên 1km. Phía trên, dọc theo bãi, lớp lớp những hàng dừa nghiêng bóng. Hầu như ở Lại Sơn đâu đâu cũng có dừa nên hòn đảo thơ mộng này còn được gọi là Đảo Dừa, dân du lịch còn phong tặng, ví Hòn Sơn Rái như đảo Hawaii của Mỹ.
Chinh phục đỉnh Ông Rồng, Ma Thiên Lãnh
Đảo Lại Sơn có một đặc điểm là cùng tồn tại, hài hòa hai hệ sinh thái: biển và rừng rất độc đáo. Nếu như muốn chinh phục các đỉnh cao ở đây, người ta thường đi vào buổi sáng, lúc trời ít mưa, nắng đẹp.
Đầu tiên, chúng tôi leo lên núi Ông Rồng cao 250m theo sự hướng dẫn của Nguyễn Văn Nghĩa – anh là chủ một homestay ở Bãi Bấc nơi chúng tôi đang nghỉ. Đường lên núi ban đầu thoai thoải xuyên qua những vườn dừa, vườn xoài xanh tốt thâm u rợp bóng. Có nhiều tiếng chim rừng hoa líu lo vui tại trên những nhành cây sung, bằng lăng, trâm ối… Càng lên cao, đường càng dốc.
Có những đoạn ngắn gần như thẳng đứng, phải bám dây leo, cây rừng mà đi. Len lỏi lách qua những phiến đá khổng lồ, những lối mòn rậm rạp… Cuối cùng, chúng tôi cũng chinh phục được đỉnh Ông Rồng cao 250m so với mặt nước biển. Gây ấn tượng mạnh cho khách là cây thiên tuế mọc trong vách núi, thân ngả nằm dài, uốn khúc, khoanh tròn như thân con rồng dài nằm trên nền đá, đầu rồng ngóng ra biển.
Theo các nhà nghiên cứu và các nghệ nhân chơi kiểng thì đây là cây thiên tuế mọc trên núi cao có hình dáng tự nhiên độc nhất vô nhị! “Ông Rồng” này có tuổi đời trên 300 năm tuổi (nếu tính theo mắt lá – một năm thay lá một lần). Tên núi có từ lâu đời cũng nói lên tuổi của Ông Rồng! Trên đỉnh núi này gần chỗ Ông Rồng có hai “bàn cờ” bằng đá. Tương truyền những đêm trăng thanh gió mát, biển lặng trời êm, các vị thần tiên trên thượng giới thường hay xuống núi Ông Rồng đánh cờ, uống rượu… Lên và xuống đỉnh Ông Rồng chừng hơn một tiếng đồng hồ.
- Xem thêm: Ngắm quần đảo An Thới từ trên cao
Đỉnh Ma Thiên Lãnh (400m) khá cao so với núi Ông Rồng (250m). Là một trong bảy ngọn núi hợp thành đảo Hòn Sơn Rái. Ma Thiên Lãnh nổi bật với cảnh quan tuyệt đẹp, có nhiều huyền thoại, truyền thuyết nhuốm sắc màu liêu trai, kỳ bí! Theo dân gian, thuở mới khai thiên lập địa, trên đỉnh Ma Thiên Lãnh có một gành đá bằng phẳng, chung quanh nước non kỳ vĩ, nên thơ với đầy hoa thơm, cỏ lạ.
Những đêm sáng trăng, trời thanh gió mát, các tiên nữ trên trời thường xuống đây vui chơi, múa hát. Do vậy, nơi này có tên gọi là Sân Tiên. Và thi thoảng có một vài nàng tiên ham vui, tìm hoa bắt bướm đi lạc vào xóm chài dưới chân núi. Các nàng được người dân cưu mang, che chở. Đôi khi cám nghĩa, vài cô “tiên nữ” đã ở lại trần gian “lấy chồng” là những chàng trai ngư phủ hiền lành, chất phác.
Về sau, các cô không chịu về trời vì đã sinh con đẻ cái, sống hạnh phúc với người thế gian! Đường lên Ma Thiên Lãnh ngày nay khá dễ đi với những bậc tam cấp đá. Đi chừng hơn cây số, xuyên qua những rẫy rau, đậu xen lẫn với những khu vườn nhỏ, chúng tôi dừng chân ghé miếu Bà.
Đó là một am miếu với một hang động nhỏ gần như bỏ hoang. Để tới đỉnh, chúng tôi phải đi xuyên qua một vài hang động lờ mờ ánh sáng, lách theo những lối mòn cheo leo. Và cuối cùng, đỉnh Ma Thiên Lãnh hiện ra giữa không gian thoáng đãng! Bao mệt nhọc như tan biến. Trời xanh, mây trắng, biển bao la xa tít tắp tận chân trời, với những con tàu giăng lưới, xuôi ngược giữa trùng khơi.
Ở đây, chúng tôi gặp nhiều loài chim biển sải cánh chao liệng, đôi khi có vài chú khỉ xuất hiện bất ngờ, mắt chớp chớp ra vẻ ngạc nhiên khi thấy người lạ. Rồi sau đó, chúng nhanh chóng chuyền biến trên những nhành cây rậm rạp với tiếng kêu chóe chóe… Chinh phục đỉnh Ma Thiên Lãnh, đi và về phải gần nửa buổi.
Hòn Sơn đã để lại trong lòng chúng tôi nhiều lưu luyến bởi phong cảnh tuyệt đẹp, hoang sơ, lãng mạn, người dân hiếu khách, giá cả các dịch vụ rất phải chăng và điều đặc biệt là môi trường tự nhiên rất trong lành, sạch sẽ, không phải nơi nào cũng có được!
Chào Hòn Sơn! Chào vùng biển Tây Nam tổ quốc!