Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, hiện lãi suất huy động và cho vay của nước ta còn dư địa để có thể giảm thêm. Dĩ nhiên, cơ sở để đưa ra nhận định này đến từ việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay dự báo chỉ ở quanh mức 3,5%, trong đó chỉ số này theo tháng đã giảm tháng thứ tư liên tiếp. Những phân tích khách quan cho thấy lãi suất huy động của các ngân hàng hoàn toàn có thể giảm thêm 0,5%/năm. Ngoài ra, thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá tốt, cụ thể là dù lãi suất huy động có giảm thì dòng tiền tiết kiệm đổ vào các ngân hàng vẫn dồi dào. Mặt bằng lãi suất tiền gửi tuân theo quy luật cung – cầu và các ngân hàng thương mại vẫn đang chủ động đưa ra mức lãi suất huy động riêng của mình, miễn là không vượt trần quy định. Vì vậy trên thực tế, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã lần lượt giảm lãi suất huy động các kỳ hạn thêm từ 0,1 – 0,3%/năm và đa số đều huy động ở mức thấp hơn nhiều so với trần quy định.
Điều kiện cần đã có, nhưng liệu nhà điều hành có tiếp tục giảm thêm trần lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn dưới sáu tháng? Ở đây, cần lưu ý rằng việc các ngân hàng chủ động hạ lãi suất rất khác với việc Ngân hàng Nhà nước hạ trần các lãi suất chính sách. Tác động của việc tăng hay giảm lãi suất chính sách là không nhỏ. Vì thế, nhà điều hành sẽ phải tính toán tất cả các yếu tố, đặc biệt là áp lực của quyết định này đến tỷ giá, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Lãi suất ngân hàng của nước ta hiện đã giảm về mức tương đương giai đoạn ổn định trước khủng hoảng năm 2007. Việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đưa ra dự kiến điều chỉnh tỷ giá năm nay khoảng 2% khiến cho bất cứ một sự tăng hay giảm các lãi suất điều hành cũng đều phải hết sức thận trọng. Nếu lãi suất gửi tiết kiệm tiền đồng xuống quá thấp, người gửi tiền có xu hướng chuyển từ gửi tiền đồng sang nắm giữ và gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ, từ đó sẽ tác động tiêu cực đến tỷ giá. Tình hình thế giới cũng rất đáng quan tâm, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có khuynh hướng tăng lãi suất trong năm nay và nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn đang áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ. Ngoài ra, diễn tiến giá dầu vẫn đang khá phức tạp, một khi dầu tăng giá sẽ có các hiệu ứng giá cả không thuận lợi. Nếu như lãi suất điều hành giảm thêm, đến một lúc nào đó dòng tiền tiết kiệm sẽ có sự thay đổi và chuyển hướng. Mà điều này dĩ nhiên gây bất lợi cho hệ thống ngân hàng.
Cũng không thể bỏ qua diễn tiến tình hình huy động – cho vay tại các ngân hàng thương mại. Trong hai tháng đầu năm, tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng mạnh trong khi huy động vốn giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, tính đến ngày 24-2-2015, tín dụng trên toàn hệ thống tăng 0,96%. Đây là con số khá bất ngờ bởi tín dụng tháng 2 trong mấy năm gần đây đều tăng trưởng âm. Gần đây nhất, tháng 2-2014, tín dụng giảm tới 1,67% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tăng trưởng huy động vốn của nền kinh tế năm nay lại có biểu hiện giảm nhẹ, chỉ tăng 0,05% trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 0,78%.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đã dự báo rằng cầu tín dụng sẽ tăng lên trong năm nay, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 13 – 15%. Cầu tín dụng tăng sẽ khiến cho lãi suất khó thể giảm thêm, vì một sự đảo nghịch quan hệ cung – cầu tiền đồng hoàn toàn có thể xảy ra trong nửa cuối năm nay. Chính vì lý do đó, việc giảm nhẹ lãi suất có thể chỉ diễn ra trên thị trường mở, nhằm tạo điều kiện để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn như cam kết của Ngân hàng Nhà nước.
Minh Hằng (DNSGCT)