Hy vọng đã truyền đạt được một phần rất khiêm tốn tri thức của phương Tây vào Việt Nam, cùng với niềm cảm hứng của nó tạo ra cho những người quan tâm đến giáo dục đại học…
Quyển sách Đại Học mong mỏi truyền đạt được ý tưởng và tinh thần đích thực của đại học đến những ai quan tâm đến vận mệnh của giáo dục nước nhà, và gắn liền nó là vận mệnh của quốc gia. Đại học thực sự từ lâu đã là nguồn nguyên khí quốc gia.
Đại học Leiden của Hà Lan, Đại học Berlin của Phổ, chùm đại học của Hoa Kỳ trong phong trào giao đất sau cuộc Nội chiến, Đại học Tokyo của Nhật Bản, Đại học Bắc Kinh của Trung Quốc, đó là những thí dụ nổi bật của sự ra đời các đại học để chấn hưng đất nước sau những tổn thất to lớn hay tụt hậu. Không thể “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” mà không có đại học hiện đại phát triển. Ý nghĩa của đại học quá vĩ đại để chúng ta không quan tâm và am tường nó. Lịch sử đại học rất xứng đáng là môn học khai phóng tại các đại học Việt Nam, cũng như lịch sử khoa học, những chủ đề gắn liền với lịch sử văn minh phương Tây và có ảnh hưởng định mệnh lên toàn thế giới.
Lịch sử đại học còn minh họa sinh động “khí chất” của các dân tộc phương Tây, và khí chất là điều cốt lõi mà nhà khai sáng Fukuzawa Yukichi muốn truyền đạt cho dân tộc Nhật Bản làm gương trong quyển sách nổi tiếng Văn minh luận của ông. Nhưng ông chưa lột tả được khí chất đó một cách thuyết phục. Ông linh cảm có sự thiếu sót mà lý là do sự bất cập về tư liệu thời bấy giờ, và hy vọng lỗ hổng sẽ được các thế hệ sau lấp đầy. Đại Học là sự tiếp nối tinh thần khai sáng của ông.
Cuối cùng chúng ta hãy nghe nhà khai sáng Fukuzawa nói về vai trò của văn hóa và văn minh:
Các anh hùng của quá khứ phải dùng đến sức mạnh quân sự để nới rộng ảnh hưởng chính trị của họ. Nhưng chúng ta, những người đồng chí hướng trong sự học, sẽ sử dụng văn hóa để dẫn dắt nhân dân. Với ảnh hưởng của văn hóa, chúng ta hãy làm cho mọi người chia sẻ với nhau trong ánh hào quang của văn minh. Đây là lãnh vực vĩ đại của tương lai. Tâm hồn già đi của tôi sẽ cầu nguyện cho sự cường tráng và sức khỏe của thể lực và tinh thần các bạn. Không bao giờ đầu hàng trước những gian khổ mà các bạn sẽ gặp phải.
[Trong diễn văn khai mạc của khoa các ngôn ngữ và văn minh phương Tây của Đại học Keiō Gijuku năm 1890. Trường này bắt đầu là một trường giáo dục tổng quát nhấn mạnh vào các ngôn ngữ và văn minh phương Tây. Fukuzawa có may mắn quen biết và thuê được nhiều giáo sư Mỹ do chính chủ tịch Charles W. Eliot của Harvard chọn. Đó là sự liên hệ với một đại học đẳng cấp Mỹ ngay từ đầu, tạo cho Keiō uy tín lớn, chỉ đứng sau trường Đại học Tokyo, cũng là trường có rất nhiều giáo sư ngoại quốc.]Chính Humboldt cho rằng đại học là đỉnh cao tập trung của văn hóa. Đại học chính là nơi đổi mới sáng tạo văn hóa. Chúng ta không thể có một nền văn hóa tiên tiến nếu không có những đại học tiên tiến hàng đầu kết nối với cộng đồng đại học thế giới.
Cuối hết, với Đại Học, tôi hy vọng đã truyền đạt được một phần rất khiêm tốn tri thức của phương Tây vào Việt Nam, cùng với niềm cảm hứng của nó tạo ra cho những người quan tâm đến giáo dục đại học, hay cả chưa quan tâm, đúng theo tinh thần của các keimō, các nhà khai sáng Nhật Bản 150 năm trước, những người ngay từ đầu của cuộc Cải cách Minh Trị đã đồng loạt đặt cho mình nhiệm vụ hàng đầu là “đi tìm kiếm tri thức khắp nơi trên thế giới” như được khắc ghi trong Năm điều thề ước năm 1868 của giới tinh hoa, thiết thực, sâu rộng, có định hướng và cấp bách, với mục đích tối hậu là từ đó xây dựng tốc hành một quốc gia mới cường thịnh để mãi mãi trường tồn dưới ánh mặt trời được nhìn nhận là một dân tộc văn minh và bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc văn minh thế giới.