Tại Mỹ, bánh mì da beo được gọi là “bánh mì cọp” (tiger bread), vốn rất thông dụng tại khu vực Bay Area của San Francisco. Cách gọi này xuất phát từ tiếng Hà Lan “tijgerbrood” hay “tijgerbol” cũng có nghĩa là “bánh mì cọp”. Tại đất nước của hoa tulip, dễ dàng tìm thấy “tijgerbrood” ở hầu hết các tiệm bánh hay siêu thị.
Bánh mì cọp được cho là có nguồn gốc từ nước Ý hay từ các quốc gia Đông Âu và được thấy lần đầu tiên tại khu vực nam San Francisco năm 1909. Hệ thống siêu thị Wegmans ở Mỹ lại gọi bánh mì này là “bánh mì Marco Polo”. Còn tại Anh, kể từ năm 2012, bánh mì cọp lại được gọi là “bánh mì hươu cao cổ” (giraffe bread), nguyên do có một bé gái ba tuổi rưỡi đã viết thư gửi cho hệ thống siêu thị Sainsbury, cho rằng nên đổi tên như thế để bánh mì… dễ thương hơn!
Bột làm bánh mì cọp hay bánh mì hươu cao cổ được trộn với dầu mè nên có hương thơm khác với bánh mì thông thường. Cách nhồi bột mì và nặn thành bánh vẫn không khác bánh mì thông thường nhưng trước khi nướng, thợ làm bánh phết thêm một lớp bột gạo lên bề mặt. Quá trình nướng khiến lớp bột khô và nứt ra, tạo thành những đường vằn như da cọp hay da hươu cao cổ.
- Thu Thảo