Nếu là fan của Kỷ Jura, bạn nên đến Bolivia một lần. Tại đất nước thuộc khu vực Nam Mỹ này, xuất hiện một “công viên khủng long”mang tên Torotoro. Nó nằm trong khu vực Đông Cordillera, chi chít hàng ngàn dấu chân khủng long hóa thạch.
3.500 dấu chân khủng long
Bolivia là đất nước Nam Mỹ có diện tích khoảng 1.098.580km2 và dân số khoảng 11 triệu người. Quốc gia này sở hữu đỉnh Nevado Sajama cao 6.542m và một nửa Titicaca, hồ nước ngọt rộng nhất hành tinh. Torotoro là thị trấn nhỏ nằm trong một thung lũng của Đông Cordillera, dãy Andes-Bolivia. Nó tọa lạc trên độ cao 2.600m so với mực nước biển, có Công viên Quốc gia Torotoro với ít nhất 3.500 dấu chân khủng long hóa thạch. Chúng có niên đại từ 80-120 triệu năm, bao gồm dấu chân của nhiều loại khủng long khác nhau. Kích thước của các dấu chân trong khoảng 20cm-25cm.
Công viên Quốc gia Torotoro được thành lập vào năm 1989, 3 năm sau lần đầu tiên phát hiện dấu chân khủng long tại đây. Nó có diện tích khoảng 165km2, ôm trọn toàn bộ khu vực bán khô cằn cao 2.000-3.000m so với mực nước biển phía Bắc thành phố Potosí.
Trong tiếng Tây Ban Nha, vết chân khủng long được gọi là “huella”. Chúng rải rác khắp bề mặt Torotoro, đặc biệt dày đặc tại những vị trí đất đai bằng biện trống trải. Mỗi khi tìm được một dấu chân, người ta lại đem đất màu đến đổ đầy cho dễ quan sát. Có 2 loại vết chân khủng long chính là vết chân tròn và vết chân chia ngón. Loại tròn thuộc về loài khủng long ăn cỏ, còn chia ngón là của loài khủng long ăn thịt.
Vết tích đuôi kéo lê
Theo lý thuyết địa chất thì khi mới hình thành, lục địa của trái đất là một khối-siêu lục địa Pangaea. Vùng Nam Mỹ bây giờ liền một dải với châu Phi. Cách đây khoảng 200 triệu năm, Pangaea mới bắt đầu nứt vỡ. Mảng Nam Mỹ-châu Phi toác làm đôi, bị dư chấn đẩy trôi theo hai hướng khác nhau. Phần Nam Mỹ trôi sang phía Tây của Bán cầu Nam, trở thành một nửa của châu Mỹ.
Từ 146-200 triệu năm trước, địa cầu đang trong Kỷ Jura; nhờ khí hậu ẩm ướt, các loài thực vật phát triển mạnh, phủ xanh mặt đất. Loài khủng long đua nhau sinh sôi, phát triển. Chúng đông đúc đến nỗi trở thành tên gọi của thời đại – Kỷ nguyên Khủng long. Khi vùng Nam Mỹ bị tách khỏi Pangaea và dạt đi, nó mang theo toàn bộ hệ thống sinh vật sống trên mình, trong đó có khủng long. Tới Nam bán cầu, mảng lục địa này dừng lại. Phần lớn diện tích của nó bị chìm dưới mặt nước biển, trở nên vô cùng lầy lội. Thực vật bị ngâm nước mặn, chết hàng loạt. Các loài khủng long ăn cỏ cao to rơi vào đại khủng hoảng, vừa thiếu thốn thức ăn vừa bị bùn lầy cản trở di chuyển. Các nhà khủng long ăn thịt cũng không khá hơn. Chúng nhỏ và nhanh nhẹn, nhưng vẫn không tránh khỏi lún bùn.
Có điều với thế giới khảo cổ học hiện đại, sự khốn khổ của khủng long Nam Mỹ thời ấy lại là may mắn lớn. Nhờ mặt đất ẩm ướt, các dấu chân của chúng in rõ nét. Trải qua thời kỳ hạn hán kéo dài, tất cả khô lại và hóa thạch. Dù Kỷ Phấn trắng (145-66 triệu năm) đã đi qua, hàng ngàn dấu chân khủng long ở Torotoro vẫn được giữ nguyên.
Sau 2 năm chăm chỉ quét đất khắp Torotoro, nhà cổ sinh vật học Raúl Esperante của Tây Ban Nha còn bất ngờ phát hiện dấu tích đuôi khủng long. Chúng là vệt kéo lê nằm giữa một số cặp dấu chân. So với thân thể, đuôi của khủng long chưa đủ nặng để lại vết tích hóa thạch. Song vì mặt đất Torotoro lúc đó quá mềm làm chân chúng lún sâu, cái đuôi bị chìm xuống bùn. Khi chúng bước đi, nó tạo thành rãnh. Trải qua thời gian và hạn hán, cái rãnh này in dấu vĩnh viễn.
Liên kết các vết chân, móng, dấu đuôi lại, Esperante mường tượng hình ảnh một số loài khủng long từng lội bùn Torotoro. Ankylosaurus (chi khủng long bọc giáp) hùng hổ đặt bàn chân có vuốt sắc nhọn cắm ngập vào lòng đất, phi nhanh nhờ kích thước nhỏ gọn. Khủng long cổ dài thì dậm vết chân tròn, nặng nề nâng thân mình siêu khủng bước đi.
Cuồng khủng long
Với cư dân Torotoro, tất cả các dấu chân khủng long trong và ngoài thị trấn đều là tài sản vô giá. Họ nhiệt tình giúp đỡ các nhóm khảo cổ tìm kiếm, phát hiện và xách đất màu đến đánh dấu. Trên khắp Torotoro, người ta đua nhau điêu khắc, tạc tượng khủng long. Những mô hình khủng long đủ chủng loại, kích thước được đặt dưới các tán cây ven đường. Ban ngày, chúng chỉ điểm tô thêm nét độc đáo cho khung cảnh. Nhưng từ sẩm tối đến hết đêm, chúng dường như có sự sống, dọa người yếu bóng vía kinh hồn.
Ngay trước cổng lẫn trong nhà, người Torotoro đều thích thú trưng bày tượng, tranh ảnh khủng long. Từ cửa khách sạn đến hội trường thị trấn đều có mô hình khủng long toàn thân hoặc một phần trang trí. Những biển hiệu quán xá như Bia El Dinosaurio, Cafe Cretacico nhan nhản. Chính quyền địa phương còn tự tay chi tài chính làm đường mới chạy thẳng từ Torotoro tới thành phố Cochabamba, giảm một nửa thời gian đi về.
- Xem thêm: Trở lại kỷ Jura
Với những khách du lịch ít mê Kỷ Jura, Torotoro phục vụ tour ngắm thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Vùng đất này có Hẻm núi Torotoro sâu 250-300m, hai bên là các lớp đá đa sắc xếp tầng, giống hệt như Grand Canyon của Mỹ thu nhỏ. Trong lòng hẻm, các đàn vẹt sặc sỡ đông đúc đua nhau bay lượn, kêu vang. Giữa hẻm, dòng suối El Vergel khoe làn nước trong vắt. Sau khi ào ạt đổ xuống thành thác trên thượng nguồn, nó tràn qua khoảng 800 bậc thang đá tự nhiên. Tại một số vị trí trên đường chảy, El Vergel hình thành hố nước sâu nhỏ xinh. Người thích bơi lội có thể thỏa thích ngâm mình, đánh tan cái nóng. Bên cạnh đó, Torotoro cũng tổ chức các hoạt động du lịch mạo hiểm như vượt thác, đu dây… Nếu không thích cảm giác mạnh, bạn có thể chọn leo núi hoặc đi bộ đường dài.