Truyện ngắn của Ái Phương
Tôi là người kém tự tin, dù trông cao to khỏe mạnh. Với chiều cao một mét bảy mươi tám, hai bàn tay và cả cánh tay nữa nổi đầy gân guốc, dấu tích của một thời niên thiếu phải lăn lộn chốn ruộng rẫy. Hồi còn ở quê, nhà tôi cách khá xa trường học. Ba tôi mua lại mảnh đất của người bà con, lập một rẫy nhỏ trên núi, trồng đủ thứ, mỗi giống cây một ít và thường là trồng theo mùa. Ðất núi khô cằn, cần tưới tắm mỗi ngày hai bận mà ba tôi sức khỏe có hạn, nên ngoài giờ học ở trường, tôi hay lên rẫy phụ ba.
Cái chòi trên rẫy của cha con tôi bé lắm, bé đến nỗi chỉ có ba và tôi ở thôi mà cũng chật. Vì nó nằm giữa lưng chừng núi, nên ba tôi dùng gỗ, ghép lại đóng theo kiểu nhà sàn. Xa khu dân cư, nên chòi không có điện, chỉ có ánh đèn dầu leo lét về đêm, mà cũng chỉ có mỗi khi tôi cần ánh sáng để học bài. Ba tôi cùng hai người thợ đào một cái giếng nước sâu hoắm, muốn tưới cây phải oằn người xách nước lên. Nước mạch ngọt trong, uống vào mát thanh cả cuống họng. Thường buổi trưa đi học về, tôi ghé nhà ăn cơm, xong lên rẫy với ba. Tôi gắn bó với ba vì một điều gì đó rất đặc biệt, không phải là tình thương yêu phụ tử thông thường, mà dường như vì trách nhiệm của những người đàn ông đang cùng gánh vác trách nhiệm trụ cột trong gia đình. Hai ba con ít khi trò chuyện, dù có ở với nhau cả ngày.
Ngày nào cũng như ngày nấy dễ khiến người ta đâm chán nản cuộc sống đơn điệu, nhưng hình như ba tôi thì không. Có lẽ ba tôi muốn gắn chặt cuộc đời với cái rẫy này. Mà từ hồi có nó, gia đình tôi cũng chẳng khá hơn là bao so với khi ba còn làm nghề thợ mộc. Chỉ có cực hơn thì có. Chẳng lẽ rồi tôi cũng sẽ như ba tôi, làm một ông chủ rẫy ở cái nơi ít người qua lại, sống ở cái chòi không điện đóm, không ai để chuyện trò chia sẻ? Ba thì thích nhưng tôi thì không. Tôi chẳng chối bỏ trách nhiệm của thằng con trai lớn với gia đình, nhưng tôi sẽ tìm cách khác. Có những buổi trưa tưới nước xong, hai bàn tay cứng lại vì xách nặng, tôi vừa nhìn những trái thanh long đỏ đu đưa vừa nghĩ ngợi xa xôi.
Tôi đậu đại học trong khát khao thoát khỏi căn chòi gỗ như thế. Ðó quả là một việc phi thường so với một đứa chỉ học hành làng nhàng, lại làm việc suốt ngày như tôi. Có lẽ tôi không cần kể những niềm vui lẫn nỗi lo âu của ba má tôi làm gì, bởi những đứa có gia cảnh như tôi đâu có ít, và tâm lý vừa mừng con học hành đỗ đạt, vừa lo lắng vì tiền học phí, ăn ở cho một nơi xa xôi… ai chả giống ai.
Tôi vào ở ký túc xá. Nơi đây cách khá xa trung tâm, qua lại chỉ toàn sinh viên. Tôi ngủ trên giường tầng, lẩm cẩm nghĩ ngợi, lại liên tưởng đến cái chòi của ba. Học đại học xem vậy mà không khó như tôi tưởng, không bị thầy cô dò bài và làm kiểm tra thường xuyên. Ði học, tính ra tôi sướng hơn hồi ở nhà nhiều, chỉ thương cho ba tôi bây giờ phải làm gấp đôi. Trước khi lên đường, tôi rụt rè gợi ý: “Hay là ba bán lại rẫy, làm tiếp nghề mộc”. “Mày tưởng dễ lắm hay sao, bây giờ mấy ai cần thợ mộc nữa, gỗ đắt, người ta chỉ dùng mạt cưa, ván ép thôi”. Má tôi len lén nhìn ba một cái rồi quay đi thật nhanh.
Những ngày đi học rồi thì không nói, còn lại những ngày thứ Bảy, Chủ nhật thật tôi chẳng biết phải làm gì. Trong phòng, mạnh thằng nào thằng nấy đi chơi chỉ còn mình tôi chẳng biết đi đâu chơi, cũng chẳng có chỗ nào để kiếm việc làm, vì ở đây là làng đại học, toàn sinh viên cả. Cà phê cà pháo thì nghĩ tội cho ba má và mấy đứa em, họ chắt chiu từng đồng gửi cho đâu phải để tôi rành rẽ mấy chốn đó. Còn lên thư viện để tán gái như thằng Hiệp thì quả tình tôi không có duyên ăn nói. Như đã nói, tôi rất kém tự tin, cả tuổi mười sáu mười bảy cắm cúi với cái rẫy, nên tôi chỉ rành việc chặt cây, tưới nước chứ đứng trước con gái là lóng ngóng, vụng về vô cùng. Có một bữa, vô tình thấy một cô (chắc cũng là dân mới nhập học như tôi) ngồi ở ghế đá mà hai hàng nước mắt chảy dài, tôi muốn chạy lại hỏi han nhưng không dám. Tôi sợ. Hình như đàn bà con gái sống trong một thế giới khác, những thằng ngây ngô như tôi có đọc sách tâm lý cả đời cũng đừng hòng hiểu được. Ðến như ba tôi, sống với má tôi gần ba mươi năm mà rồi cũng đành lắc đầu để lên rẫy cất chòi ở nữa là.
Một trưa thứ Bảy phòng vắng hoe, tôi leo qua giường thằng Toàn mở cái radio, thì có tiếng gõ cửa.
– Bạn tìm ai?
– Em cho chị hỏi Toàn có nhà không?
Tôi đứng trước cửa, đối diện với cô gái. Cô cao hơn một mét rưỡi, nghĩa là thấp hơn tôi gần ba tấc, lại nhỏ người nên nhìn bé như thân cây thanh long. Trán cô lấm tấm mồ hôi, chắc là mới đi xa tới. Bộ tôi con nít lắm sao mà gọi bằng em?
– Sao nhìn hoài mà không trả lời gì vậy nhóc?
“Nhóc” ư? Tôi càng thấy ngộ. Cô mỉm cười, nụ cười thật hiền và hồn nhiên.
– Nó lên thành phố thăm chị gái. Bạn có nhắn gì không?
– Ôi trời!
Cô gái khẽ kêu lên, môi dưới dẩu ra một tí, hai khóe miệng kéo ra hai bên, kiểu như vừa cười vừa giận.
– Chị là Ngọc, chị Hai của nó nè!
Hèn gì nãy giờ chị gọi tôi là em. Tôi dịch người qua một bên:
– Chị vào chơi, có khi lên đó không gặp chị, nó về ngay đó.
Mắt chị đảo một vòng nghịch ngợm:
– Vào được không? Nãy chị vào chui đó, bảo vệ cấm nữ vào dãy nam mà.
Tôi cười.
– Nhóc hiền ghê ha, chị vào nghỉ một lát, nghe!
Thật ra chị mới là cô nhóc, chứ tôi mà nhóc gì. Tôi tắt cái máy hát của thằng Toàn, hơi mắc cỡ vì nãy giờ mình nghe ké. Rồi tôi lại leo lên giường mình, lóng ngóng chẳng biết làm gì, đành giả vờ xếp dọn sách vở.
– Thứ Bảy mà em không đi đâu chơi sao?
Tiếng “em” dù sao nghe cũng đỡ “nhí” hơn tiếng “nhóc”, tôi bẽn lẽn cười:
– Dạ không.
– Ở nhà một mình có buồn không?
– Dạ không, em quen rồi.
Chị nhìn mấy cái nồi con con, hỏi:
– Phòng em có người nấu ăn à?
– Dạ.
Tôi thầm mong chị đừng hỏi là ai nấu. Tôi rất xấu hổ mỗi khi đi chợ mà gặp bọn con gái trong lớp, tôi mắc cỡ với những bọc ni lông toòng teng đựng thịt cá rau quả. May quá, chị vơ lấy tờ báo trên giường thằng Toàn, đọc mấy dòng rồi nằm xuống ngủ. Chị ngủ tự nhiên cứ như ở nhà. Bỗng tôi hổ thẹn vì mình đã ngắm chị hơi lâu. Tôi kéo ghế ra ban công ngồi. Phía dưới là khoảng sân bóng chuyền nắng chang chang, nhìn nhức cả mắt. Ở quê không biết có nắng nhiều vầy không. Càng nắng, giếng càng sâu, càng phải nối dài gàu kéo nước…
Gió từ đâu thổi lại, quét một làn hơi mát rượi lên mặt tôi. Dựa đầu vào tường, đầu óc tôi trở nên lơ mơ, rồi thiếp đi. Khi tôi lò dò bước vào phòng, chị vẫn nằm ngủ ngon lành, tờ báo đọc dở dang hất qua một bên, nắng rọi qua ô cửa xiên xiên chiếu vào mặt chị. Chắc chị mệt lắm do phải đi xa thăm em. Thằng Toàn sướng thật. Hồi ở nhà, chiều nào má cũng mang cà mèng cơm lên cho ba và tôi, rồi nhẫn nại ngồi ở cửa chòi đợi chúng tôi ăn xong để mang về. Má chưa bao giờ vào chòi nằm nghỉ, cũng ít khi nói với chúng tôi câu nào.
– Chị hư quá phải không? Lúc nào chị cũng dễ ngủ như vậy đó. Chị làm phiền em quá, thôi chị về đây, hết nắng rồi, nói với thằng Toàn là chị Ngọc xuống nha.
Chị cười, cái mũi hỉnh nhăn nhăn lại. “À quên nữa, có nho nè, em cứ tự nhiên, ăn đi cho mau lớn”, chị lôi từ giỏ xách ra bịch trái cây, tôi chưa kịp dạ thưa đã thấy chị nhanh tay ăn trước. Chị lúc nào cũng liến thoắng, thật khác xa vẻ im lặng chịu đựng của má và mấy đứa em gái tôi. Giọng chị trong veo như nước múc lên từ giếng nhà tôi.
Chị đi rồi, để lại mình tôi. Tôi bỗng nhớ những buổi trưa ngồi bó gối trên cái chòi cô đơn cheo leo giữa núi, chợt những ngọn gió xa xôi từ nơi nào thổi tới, muốn khóc mà nước mắt không chảy ra được. Tôi hoảng sợ bởi những ý nghĩ mông lung về cuộc đời mình, tôi vừa thương đến đứt ruột, vừa ghét cay ghét đắng là căn chòi gỗ nhỏ của tôi. Tôi thích thú nhìn cây trái trĩu cành, nhìn rau mơn mởn, nhìn những giây phút ba nở nụ cười hiếm hoi, nụ cười khắc sâu những vết nhăn trên gương mặt khắc khổ. Ba hái trái, cắt rau cho má gánh ra chợ bán. Những khi xong việc, nằm đong đưa trên võng tôi có cảm tưởng cuộc đời mình cũng đang chòng chành như nhịp võng. Treo trên vách là những chiếc áo của ba, có những vết rách được má vá lại rất khéo bằng những đường chỉ mỏng manh. Những đường chỉ mảnh cũng buồn và cố giấu mình như cuộc đời của ba tôi vậy. Tôi sợ, sợ rồi sau này mình cũng giống ba…
Cả học kỳ tôi gặp chị Ngọc được mấy lần. Quả là ít ỏi nhưng mỗi khi được nhìn nụ cười với môi dưới khẽ bĩu ra của chị, tôi sung sướng như thể nó được dành riêng cho tôi vậy. Chị Ngọc lớn hơn tôi năm tuổi, đã đi làm và… có chồng sắp cưới. Tôi thơ thẩn suốt mấy ngày khi nghe thằng Toàn vô tình kể về người yêu của chị nó. Mặc, thằng con trai nào chẳng chọn cho mình một bóng dáng ai đó để cất vào tim. Chị cũng như ngọn gió bay qua trước căn chòi gỗ của tôi, vuốt mát tóc tai tôi nhưng tôi không thể giữ lại cho riêng mình. Chị Ngọc không biết gì đâu, thỉnh thoảng chị hồn nhiên nhéo vào má tôi, dặn: “Toàn nó ham chơi lắm, em cùng phòng có gì nhắc nhở nó giùm chị nghe”. Những lúc ấy tai tôi đỏ nhừ và nóng ran lên.
Má biên thư, tờ giấy nhàu vương đầy nước mắt. “Ba sắp bỏ mấy má con mình rồi, con ơi!”. Thư ngắn, vỏn vẹn một dòng mà thảng thốt như một tiếng kêu đau đớn. Tôi không bất ngờ vì từ lâu đã có dự cảm không hay về tình nghĩa vợ chồng giữa ba má tôi. Mất ba, mất nguồn hoa lợi từ cái rẫy trên núi, má và các em tôi rồi sẽ ra sao. Chưa bao giờ tôi thấy gắn bó với cái rẫy nghèo nàn thấy nó cần cho gia đình tôi đến thế. Vơ vội mấy bộ quần áo, tôi nhảy xe về nhà. Tôi biết má và các em cần tôi, dù chưa chắc tôi đã giải quyết được việc gì.
Nhà vắng. Tôi chạy vội lên rẫy. Mấy đôi dép nữ để ngoài cửa chòi. Thật lạ vì trước giờ má có bao giờ đặt chân vào đấy đâu? Ðúng là ba sắp rời bỏ mấy má con tôi, nhưng không phải vì cạn nghĩa, mà bao năm lao lực sắp dẫn ba đến một nơi khác an nhàn hơn. Ba mới được chuyển từ bệnh viện về sau cái lắc đầu bất lực của bác sĩ. Ba đòi lên rẫy lần cuối cùng. Qua những câu than tức tưởi của má, tôi mới biết được sự thật, vì sao ba bỏ má để lên ở cái chòi này. Tôi thôi không thầm oán trách ba nữa. Ba cũng chỉ là một con người, không có đủ lòng rộng lượng của một vị thánh để thứ tha cho lỗi lầm của má. Má tôi không trong sáng và tội nghiệp như tôi nghĩ, nhưng giờ đây những điều đó có ý nghĩa gì đâu.
Gần như cả cuộc đời sống bên ba, chẳng mấy khi má được nghe một câu nói ngọt ngào, dịu dàng. Hỏi má làm vợ, ba cũng chỉ nói mỗi một câu: “Về với tui, tui lo cho”. Ngày tháng trôi qua bên người đàn ông “dùi đục chấm mắm cáy”, những ước ao thời thiếu nữ của má như bị chết dần mòn. Rồi má nhẹ dạ nghe theo những lời mật ngọt. Ba biết, chỉ gằn đúng một câu: “Thêm một lần, tôi bỏ”. Nhưng người đàn ông đó lại tới, hắn biết rõ má tôi thiếu thứ gì, và cần sự âu yếm dịu dàng ra sao. Ba lên rẫy ở hẳn từ đó. Má tỉnh ngộ, lúc ấy, má mới biết dùi đục mắm cáy còn quý gấp trăm lần mật ngọt miệng lưỡi kẻ sở khanh. “Muộn quá. Bây giờ thì muộn quá rồi đúng không ông? Giá như ông trời cho tôi cơ hội…”. Má cứ kể lể khóc than, dù ba vẫn còn sống. Má cứ nói, không hề ngượng ngùng với mấy đứa con. Cứ nói dồn dập như xưng tội, như thể không kể hết ra bây giờ thì sẽ không còn kịp, không còn dịp nào để trút lòng mình ra nữa. Ba tôi khép mắt, giọt nước mắt nhỏ xíu men theo những nếp nhăn trên gò má đen sạm, chảy xuống môi.
Bây giờ tôi mới thấy tôi giống ba đến kỳ lạ, tôi cũng chưa bao giờ nói cho ba hay rằng tôi thương ba, rằng chúng tôi cần ba biết chừng nào. Chúng tôi là một gia đình, nhưng mỗi người lại đơn độc trong thế giới riêng bé nhỏ, không ai chịu mở lòng ra cho người khác hiểu mình. Có lẽ chúng tôi cũng hiểu nhau, nhưng hiểu ngầm và cứ câm lặng mãi, để rồi ai cũng cô đơn. Má mệt mỏi suốt thời gian chung sống với ba, còn mấy đứa con lại mệt mỏi khi chứng kiến tình vợ chồng nhợt nhạt của ba má. Chúng tôi thấy hết nhưng rồi không làm gì cả, cứ để mọi thứ trôi đi, trôi đi trước mắt mình.
Tôi bỏ học, bỏ thi để thay ba làm rẫy. Kỳ diệu thay, ba tôi ngày càng hồng hào trở lại nhờ những thang thuốc nam mà má nhờ một ông thầy lang xa xôi kê đơn. Ngày ba tự bước chân ra khỏi căn chòi gỗ, cả nhà ai nấy cười như điên, vui gấp ngàn lần niềm vui ăn tết. Ba đã khỏe nhưng không được làm việc nặng, má phải làm rẫy thay ba. Má bàn với ba trồng thêm hoa để bán, nhìn má háo hức trông trẻ lại biết bao nhiêu. Tôi khăn gói vào thành phố tiếp tục việc học hành.
Tôi chậm lại một học kỳ so với bạn cùng khóa. Có chậm hơn nữa tôi cũng sẵn sàng chấp nhận. Tôi ít khép mình hơn lúc trước, hòa đồng với mọi người hơn. Có lẽ việc ba bị bệnh lại là một điều may, căn bệnh nguy kịch đó đã kéo mọi thành viên trong gia đình tôi xích lại gần nhau, kéo mỗi người ra khỏi bốn bức tường tự xây kiên cố của cuộc đời mình. Chị Ngọc thỉnh thoảng vẫn đến thăm thằng Toàn, đôi lần đi chung với chồng sắp cưới. Nhìn đôi mắt chị đắm đuối nhìn anh ấy, tôi ghen. Tôi quyết định sẽ thổ lộ với chị, rằng chị là cơn gió mát của đời tôi. Dù chị gật đầu hay từ chối thì nói ra vẫn hơn. Nói ra còn có chút hy vọng, chứ không nói thì tôi sẽ nặng lòng suốt đời. Chẳng phải vì ai cũng im lặng, nên ba má tôi phải sống trong một quãng đời dài đau khổ đó sao? Chúng tôi đã làm đau nhau bằng sự im lặng. Giả sử ba “đi” đột ngột, chúng tôi sẽ phải hối hận trọn đời. Con người thật là kỳ cục, cứ muốn người khác phải nhìn rõ tâm can mình, chơi trò cút bắt và đánh đố. Nói thẳng ra là cách đơn giản nhất và dễ nhất. Lỡ rồi đây tôi có mệnh hệ nào, nói dại, biết đâu… Trong phút giây liều mạng tôi đã nghĩ thế…
– Chị Ngọc, em yêu chị.
Thật ra, để nói cho được mấy chữ này cũng không dễ như tôi nghĩ. Nhưng dù sao giây phút nghẹt thở ấy cũng đã qua. Chị Ngọc tinh nghịch cười.
– Sao em không nói sớm, nói ngay từ hồi mới gặp nhau thì bây giờ mình đã yêu nhau được gần năm rồi, đúng không?
Không thể ngờ phản ứng của chị Ngọc là như vậy, tôi đứng trân trân nhìn chị. Nghĩa là chị cũng đã để ý tôi sao?
Chị lại cười:
– Không ngờ nhìn nhóc hiền mà cũng chịu giỡn ghê ta. May hôm nay là 1 tháng 4, chứ nếu em đùa ngày khác chị đã tưởng thiệt rồi – chị bẹo má tôi – chị về đây, ráng học nghe nhóc, kỳ vừa rồi em phải bỏ khá nhiều môn đấy! – Chị vơ lấy cái giỏ xách, bước chân đi vội vàng hơn mọi bận. Trước khi ra khỏi phòng, chị hơi dừng lại, nhìn tôi một cái thật nhanh.
Tôi sượng sùng không nói ra lời. Mà nhiều khi vậy là may cho tôi. Tôi ít hơn chị năm tuổi, đang còn đi học, quê ở một nơi xa tít mù… Ðời nào chị nhận lời yêu tôi. Hơn nữa, ngày cưới của chị đã được ấn định rồi. Tôi đăm đăm nhìn khoảng sân bóng chuyền vẫn ngập đầy trong nắng. Tôi khóc vì biết thêm một điều rằng: cũng có những điều không nên nói ra, nhiều khi nhẹ lòng mình mà lại nặng lòng người.