Đến Mỹ, bạn cảm nhận được sự thoải mái và ấn tượng “đất rộng người thưa” ngay từ lúc ra khỏi phi trường. Không ai kiểm tra, làm phiền bạn nếu bạn không phạm pháp. Khu buôn bán – dịch vụ, khu dân cư, công sở, trường học, bệnh viện… tách riêng biệt từng cụm với bãi đậu xe chí ít cũng bằng diện tích xây dựng. Nhà ở có nhiều hình thức, từ sở hữu cá nhân, mobihome (nhà dựng trên đất thuê tư nhân) đến housing (nhà xã hội) và apartment (chỉ cho thuê). Nước Mỹ thoải mái nhưng chưa hẳn đã an toàn.
Xét an ninh nhập cảnh Mỹ cũng lâu không thua gì Việt Nam, thậm chí còn hơn nếu bạn thiếu may mắn và xuống phi trường vào giờ cao điểm. Xét hàng cho qua hay phải để lại của hải quan Mỹ cũng rất cảm tính. Có người mang cheese xách tay trót lọt, người thì không.
Xã hội Mỹ là xã hội tiêu thụ, không ngại sống bằng vay mượn, xài trước trả sau, nên vay mượn để tậu nhà, mua sắm, học tập và sinh hoạt là chuyện bình thường. Cứ nhìn nợ công của chính phủ Mỹ thì biết. Dĩ nhiên, bạn phải có việc làm, có tài sản đảm bảo và “lý lịch” ngân hàng “sạch”, thanh toán đàng hoàng, nếu không sẽ mất điểm và không thể vay nữa.
Xã hội Mỹ cũng ít phân biệt nghề nghiệp, cái nào kiếm được tiền nhiều đều tốt. Lấy rác, làm móng tay đều ổn. Nhưng các “chiêu trò” né thuế cũng không hiếm. Người làm thuê thích nhận tiền mặt để khỏi đóng thuế. Dịch vụ giúp người khác khai thuế là một nghề khấm khá, “đến hẹn lại lên”. Số tiền hoàn thuế một năm cho các khoản giảm trừ của những người làm việc bình thường có thể mua vé về Việt Nam chơi thoải mái.
Con cái giàu mấy, dù đã trở thành bác sĩ, kỹ sư, luật sư, cha mẹ gốc Việt đã ở nhà xã hội (housing) lúc còn nghèo vẫn thích tiếp tục ở nhà xã hội, vừa độc lập vừa đỡ gánh nặng tài chính. Tâm lý chung là… lấy tiền của chính phủ Mỹ thêm đồng nào hay đồng nấy!
Nhiều người nhập cư mấy chục năm vẫn chưa có nhà hoặc chưa trả xong tiền thế chấp (mortage) vì nhiều lý do khác nhau. Xe cũng trả góp. Mất việc làm dài hạn, bị “kéo” nhà, “kéo” xe là thường.
Bác sĩ tại Mỹ rất cực và chịu nhiều áp lực chứ không sướng như nhiều người tưởng. Cha mẹ có con bác sĩ, luật sư thích tự xếp mình vào “chiếu trên” thành đạt. Y tá tại Mỹ rất được săn đón.
Qua Mỹ du lịch, thăm thân nhân nếu quên mua bảo hiểm y tế, bị bệnh là khốn nạn. Khám chữa bệnh tốn tiền gấp nhiều lần trong nước.
Đừng nói tại Mỹ không có phân biệt giai cấp là lầm, không ai để ý ai là lầm. Ganh ghét, so đo đều có đủ. Người Việt đi đâu cũng vẫn là người Việt. Không khí kỳ thị chủng tộc tại Mỹ cũng rất đậm.
Cơ sở tôn giáo ở Mỹ được luật pháp đối xử như “cơ sở kinh doanh”, thường dựng trên đất thuê mướn có bãi đậu xe rộng. Phá sản là bị “kéo” hay phải sang lại. Nhiều nơi hành đạo không phải là tài sản của giáo hội.
Ở Mỹ, cái gì cũng phải trả tiền, không có chuyện “cho không, biếu không”. Cha mẹ già hưởng trợ cấp của chính phủ, con cháu phải trả lại sau này bằng thuế. Nhiều sinh viên nợ như chúa chổm khi đi học. Ra trường trả mãi không hết.
Kinh tế “chia sẻ” là phần không thể thiếu trong văn hóa Mỹ và rất văn minh, thể hiện sự bình đẳng và tôn trọng. Người gốc Việt cũng không dư tiền để chiêu đãi bạn bè ngoài quán. Đi chơi thường mang theo đồ ăn nước uống như cơm nắm cho đỡ tốn kém. Có rất nhiều khu cắm trại cuối tuần.
Qua Mỹ học tập, du lịch rồi đẻ con để con nhận quốc tịch như Hiến pháp Mỹ cho phép; lớn lên bảo lãnh cha mẹ và cả dòng họ qua Mỹ là “mục tiêu” của nhiều dân nhập cư. “Chiêu trò” này ai cũng biết nhưng chỉ có Trump mới cố tìm cách ngăn chặn, nhưng đã trễ.
- Xem thêm: Sài Gòn những mái hiên che…
Ở Mỹ, bạn học trường nào thì học nhưng có nhiều nghề phải trải qua cuộc sát hạch kiểm tra bình đẳng của chính phủ, không phân biệt. Vượt qua được mới có thể hành nghề. Năng lực tham gia các hoạt động thiện nguyện lúc đi học được đánh giá rất cao.
Không phải con cái, mà nhà nước trả tiền để chăm sóc cha mẹ già. Con cái sẽ hưởng tiền này nếu ở nhà chăm sóc cha mẹ. Sòng phẳng! Có khi một tháng vài ngàn USD/người, tùy… số bộ phận trong cơ thể bị hỏng và khả năng tự lo được cho mình còn nhiều hay ít. Có con nhỏ nhà nước nuôi, con tật nguyền nhà nước lo. Đến tuổi quy định, cha mẹ không có trách nhiệm với con cái nữa. Người Mỹ cũng không có thói quen “ôm con cả đời” mà để chúng tự đứng lên khi té ngã.
Ở Mỹ, thà thật nghèo hay thật giàu. Làng nhàng thuế nó ăn hết. Hóa đơn hằng tháng nhìn chóng cả mặt nếu mất việc làm.
Xe đò Hoàng có giá 40 USD/người từ San Jose xuống Phước Lộc Thọ (cho chai nước và ổ bánh mì) khoảng hơn 4 tiếng là đến. Vé máy bay 120 USD từ SJ xuống Santa Ana. Motel từ 80 USD trở lên/đêm cho phòng hai giường tại cụm Motel số 6 ở Nam Cali. Có motel (khách sạn ven đường cho người và xe) muốn vào internet phải trả tiền, không miễn phí.
Tại Mỹ, con cái có lông cánh thích ra ở riêng chứ không thích sống với cha mẹ, dù cha mẹ giàu có. Tự do và độc lập là ưu tiên số 1. Có em vừa đi học vừa chạy Uber như ở Việt Nam. Tinh thần tự lập của giới trẻ Việt Nam được sinh ở Mỹ hay sống lâu ở Mỹ rất cao. Dựa dẫm vào cha mẹ thường chỉ có ở số sinh viên du học tự túc mới qua.
Khám bệnh ở Mỹ cũng dây dưa, có khi kéo dài nhiều tuần với lịch hẹn chóng mặt. Làm gì có chuyện cứ viêm nhức là ra ngoài đầu đường mua kháng sinh dễ như mua rau! Ở Mỹ, an toàn của bệnh nhân là ưu tiên hàng đầu và phòng khám không có cơ hội “vẽ bệnh” hay ăn tiền bẩn. Dĩ nhiên, lâu lâu lại có màn gian lận bảo hiểm y tế, cấu kết giữa bác sĩ và bệnh nhân. Nội soi bắn sỏi thận tốn khoảng 5.000 USD, bảo hiểm chịu 80%.
Cũng như ở Việt Nam, có nhiều xét nghiệm ở Mỹ không cần thiết nhưng vẫn chỉ định làm (tỷ lệ đến hơn 60% theo tờ The New York Times). Bệnh nhân bệnh mạn tính cũng bị đày “lên bờ xuống ruộng” dù bệnh viện sạch, ngăn nắp hơn nhiều. Cấp cứu tại Mỹ thì tuyệt vời. Vào bệnh viện sẽ được bệnh viện lo từ ăn uống đến chăm sóc, khỏi cần người nhà túc trực.
Khám chữa răng ở Việt Nam đỡ tốn hơn ở Mỹ và các nước phương Tây nhiều, nên có không ít Việt kiều về nước chữa răng để tiết kiệm.
Ly dị thường là cơn ác mộng của đàn ông châu Á ở Mỹ. Dễ trở thành homeless (kẻ không nhà). Không khó thấy homeless sống ở gầm cầu vượt, bụi cây và các khu buôn bán lớn.
Cùng giá tiền, nên mua đồ sale (giảm giá) xuống, không nên mua đồ đúng giá, vì cái sale xuống bao giờ cũng tốt hơn. Siêu thị cũng có đẳng cấp. Cái dành cho giới bình dân, cái dành cho người giàu. Costco hơn Walmart.
Có hai nghề “đứng đường” thường gặp ở Mỹ là ăn xin và cầm biển quảng cáo cho một dịch vụ hay sản phẩm nào đó tại các ngã tư đường. Thù lao quảng cáo có thể 10 USD/giờ. Hai nghề thú vị nữa là “làm vật thí nghiệm” sản phẩm mới và giữ thú cưng cho người khác khi họ cần.
Tủ lạnh “khủng” và microwave là hai thứ cực kỳ cần thiết. Không có chuyện ăn mỗi ngày một món hay đi chợ hằng ngày đâu. Thịt đông lạnh, nhưng nghe nói cũng có nơi giết heo chui. Cách nay khá lâu, có một vụ giết chó, bán thịt chó quy mô lớn bị tóm ở Cali. Đồ đông lạnh cũng là cách giữ an toàn cho thực phẩm.
Sửa chữa vặt trong nhà, điện nước, diệt mối mọt rất tốn kém. Bắt… chồn vào nhà không dưới 100 USD. Nhưng cũng có dịch vụ miễn phí cho người quá nghèo.
Nhà vệ sinh (restroom, rest area, toilet) ở Mỹ dồi dào, miễn phí và thường là sạch, không quá thiếu như ở châu Âu.
Ở California có những cụm nhà mới xây rộng đẹp toàn người trong nước qua mua.
Xe cứu thương có thể đậu bất cứ ở đâu miễn phí, như ở trước quán cà phê chẳng hạn, gom lại một chỗ tiền thuê rất tốn kém.
Nạn kẹt xe tại các thành phố lớn ở California giờ cao điểm không thua Sài Gòn. Nhưng kẹt xe ở Mỹ là xe hơi, trật tự, không có khói bụi và tiếng còi xe, tiếng chửi thề. Xe môtô hai bánh len lỏi không có làn đường riêng nên cứ té ngã là “đứt bóng”.
Người Hoa và người Việt đổ xô qua Mỹ mua nhà bằng tiền mặt đã đẩy giá nhà lên rất cao, kể cả tại thành phố San Jose. Nhưng nhà ở nhiều bang khác có khi chỉ bằng 1/3.
- Xem thêm: Những ánh mắt ấm áp
Báo (phát không) ở Mỹ làm nhớ lại hai tờ Chính luận, Công luận hồi trước 1975. Rất ít đất cho văn hóa văn nghệ, đời sống. Báo Việt sống bằng quảng cáo thượng vàng hạ cám (kể cả bói toán, phong thủy, cài lậu hệ điều hành. Nhưng nhiều nhất vẫn là bác sĩ, nha sĩ, luật sư, ăn uống). Nói chung là báo Việt ở Mỹ xấu và không có gì để đọc. Nghề giao báo có lúc nuôi sống mấy bác mới qua nhưng nay không còn nữa.
Qua Mỹ du lịch tự túc mà không có ai chở thì cứ ngồi nhà mà ngáp giống… chó chờ chủ. Xe hơi tại Mỹ giá 3.000 USD là chạy được trong nội thị. Cha mẹ Việt qua ở với con cái may lắm cuối tuần nó đưa đi chơi được một lần, còn thường chỉ tới siêu thị hay đưa cháu đi học rồi về.
Cộng đồng Việt ở Mỹ có nhiều phe phái, “năm cha bảy mẹ”, huy động tài chánh nhân danh hội đoàn này nọ cũng không còn dễ như trước. Nước Mỹ bảo đảm quyền tự do ngôn luận nhưng bạn đừng mơ hồ về quyền này. Có khi mang họa vào thân! Chính những kẻ cuồng Mỹ là người “thổi còi” bạn trước! Đây cũng là bức tranh chung của nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc. Người Mỹ nông thôn và người Mỹ thành thị cũng có các “giá trị” sống riêng. Thống kê mới nhất cho thấy có 70% người sống ở thôn quê cho rằng người thành thị không hiểu các giá trị của họ, và ngược lại.
Người da trắng giàu có thích lên núi, dân da vàng chiếm lĩnh dần khu thị tứ sầm uất. Nhiều người Việt mới qua chưa bắt kịp văn hóa giao thông, môi trường so với người sống ở Mỹ lâu năm. Mức phạt xả rác có khi lên đến 1.000 USD cho những con đường như Highway 101 chạy ven biển ở Cali.
Muốn gọi Uber ở San Jose bạn phải có thẻ thanh toán, không nhận tiền mặt. Nhưng lái xe ở Mỹ dễ hơn trong nước nhiều. Đường nhiều làn xe và luật giao thông chặt chẽ.
Tìm đồ ăn sáng trước 9g thì xin mời ra… công viên chờ, vì ít ai buôn bán giờ này.
Bước ra đường có ngay cà phê, ăn sáng, hớt tóc… là “hạnh phúc” chỉ có tại Việt Nam! Ở Mỹ đừng có mơ! Thường quán gần nhất cũng cách 15 phút xe hơi, 5 – 10km. Làm gì có chuyện ngồi nhậu, dzô, dzô? Cà phê 5-7 USD một ly. Tip 1-2 USD. Món ăn Việt ở San Jose dở hơn dưới Nam Cali, nhưng cả hai đều dưới trung bình so với những quán ngon ở Việt Nam.
Cái gì ở Việt Nam có ở Mỹ cũng có, nhưng bên tươi bên ướp lạnh, kể cả mắm ruốc.
Tìm mọi cách lấy tiền của Mỹ là mục đích của nhiều người nhập cư. Đóng góp cho nước Mỹ là chuyện… viển vông! Qua Mỹ chơi, bạn sẽ được nghe rất nhiều lần những từ “trợ cấp”, “phát chẩn” với sự hưng phấn thấy rõ.
Mỹ sau này khó sống, về nước kiếm tiền là “xu thế” trong khoảng 10 năm trở lại đây của các nghệ sĩ gốc Việt. Người trong nước lấy chồng Việt kiều, lấy thêm quốc tịch Mỹ rồi về nước kiếm ăn cũng là một cách.
Các cộng đồng da trắng, kể cả khu buôn bán dịch vụ thường rất sạch, rộng; các cộng đồng nhập cư thì không. Nhếch nhác và chật chội hơn. Khu buôn bán da trắng dọn dẹp ngay sau khi đóng cửa, còn khu da vàng… 9 giờ sáng hôm sau mới dẹp.
Người da trắng bán nhà với giá cao và chuyển đi khi bị người châu Á “ngắm nghía” nơi ở của họ. Phố Bolsa là một điển hình. Da trắng chạy trốn khỏi sự ồn ào, chỉ còn da vàng. Dân Mexico làm đến đâu hưởng đến đó, muốn giữ chân họ phải giữ lại một tháng lương. Nhiều người gốc Việt về nước đôi khi nói không đúng với những gì họ đang làm ở Mỹ. Kết quả là bị vòi tiền. Lắm bác kiếm vài cô “vợ hờ” trong nước cũng nhờ tài “nổ banh xác pháo!”. Người Việt ở Mỹ hưởng thụ ít, làm việc hùng hục cả ngày, có khi 2-3 việc làm. Nói đúng là “cày như trâu” vẫn không có dư. Hơn 35% người Việt ở San Jose thuộc diện nghèo.
Sống ở Mỹ không có nghĩa là công nghệ thông tin giỏi hơn người trong nước. Số mù công nghệ thông tin khá nhiều. Nhiều sinh viên Việt học rất giỏi ở Mỹ, nhưng óc sáng tạo và tư duy mới mẻ thì yếu hơn người Mỹ.
Đa số người Việt về hưu sống rất cô đơn, buồn chán nếu không có con bên cạnh. Nhưng tài chánh và y tế thì bảo đảm.
Toàn cầu hóa và đa dạng hóa nên mọi thứ xấu xa trên đời này nước Mỹ đều có, kể cả ăn cắp, gọi điện lừa đảo, nhưng ít hơn. Có một số loại tội ác là đặc sản Mỹ. Quảng cáo tập kích điện thoại bàn không thua gì Việt Nam.
Ít có người Việt nào dư chỗ ở mà không cho thuê, trái với người Mỹ trắng. Vài trăm USD một phòng. Garage biến thành phòng cho thuê khi cần, xe để ngoài đường. Giữ cháu cho con cũng là cái nghề.
Du khách qua Mỹ chơi, cứ ra siêu thị mua quần áo mặc xong, giữ cho tốt, rồi trả lại trong vòng một tháng mà không mất đồng nào. Thấy người Việt nào qua Mỹ mặc mỗi ngày một bộ thì hãy cảnh giác! Mỹ không có chợ dân sinh hay tự phát kiểu Việt Nam đâu. Mỹ cũng có chợ trời quy mô lớn và chợ tự phát cuối tuần mang đồ dư trong nhà ra bán. Dĩ nhiên, cũng có những cửa hàng chuyên bán đồ cũ hay quá date dành cho người ít tiền. Có cái còn rất tốt nhưng giá rẻ như cho.
Xăng Mỹ rẻ hơn Việt Nam! Xăng của hệ thống Costco là rẻ nhất. Tự động dùng thẻ đổ xăng.
Pháo bông ngày Quốc khánh 4-7 ở Mỹ do cả nhà nước và người dân cùng bắn; bắn tại nhiều điểm, nếu có tiền và có xin phép. Bắn xen kẽ, nối đuôi dài cả vài tiếng.
Trái cherry tháng thất mùa giá gần 7 USD ở San Jose về Việt Nam bán hơn 22 USD/ký.
Kiều hối từ Mỹ về Việt Nam đã giảm nhiều trong khi kiều hối ngược cho con du học và mua nhà ở Mỹ tăng mạnh.
Nói chung, nhiều cái ở Việt Nam là “bình thường” qua Mỹ trở thành bất thường, và ngược lại. Xã hội nào cũng có mặt mạnh và mặt yếu, nhưng dứt khoát, Mỹ không phải là “thiên đường” như nhiều người đồn thổi.