Cô giáo dạy lớp 1 của tôi là cô Hường. Cô người Kim Long – vùng đất của những ngôi nhà vườn đẹp xứ Huế quanh năm hoa trái, cũng là vùng đất sinh ra những phụ nữ đẹp mỹ miều nổi tiếng kinh kỳ xưa.
Tôi còn nhớ như in buổi học đầu tiên, cô xuống bàn nói: “Da con đen dữ rứa con!”, rồi ân cần vuốt lại mái tóc bù xù của tôi, xắn tay áo cho tôi và bắt tay tập viết từng nét chữ. Sau một tuần học, cô đã thuộc tên và biết luôn cả tính tình từng đứa trong lớp. Những năm đầu thập niên 1980, kinh tế khó khăn quá, ở làng quê xa ngái cách sông trở đò như làng tôi, vừa nghèo lại vừa buồn, nên không ít thầy cô dù có yêu nghề đến mấy cũng không thể bám trụ được. Cô Hường cũng không thể gắn bó lâu với những đứa học trò mà cô rất thương. Chỉ sau một học kỳ, một ngày mưa lạnh giáp tết, cô Hường dạy xong và khóc. Cô xuống từng bàn một xoa đầu từng đứa và nói sẽ xa rời các em. Cả lớp khóc sụt sùi theo cô. Mấy chục năm rồi, tôi không còn nhớ rõ mặt của cô. Không chừng cô Hường đang ở đâu đó trong thành phố Huế này mà có may mắn gặp lại cô thì đứa học trò nhỏ năm xưa cũng chẳng nhận ra cô…
Từ năm lớp 2 đến lớp 5, hai cô giáo dạy cho tôi cũng là những hàng xóm thân thiết. Cô Vinh là mẹ thằng Sơn cùng lớp, dạy tôi từ lớp 2 đến lớp 3. Sướng nhất là buổi sáng, đi bộ ngang qua nhà tôi cô gọi: “Tân ơi đi học chưa!”, vậy là ôm sách vở cùng thằng Sơn, thằng Chiến theo cô đến lớp. Cô Huệ dạy chúng tôi lớp 4 và lớp 5 nhà ở sát cạnh nhà tôi. Học chưa hiểu điều gì, cứ băng hàng rào hỏi cô, khỏe re. Cũng vì cô là hàng xóm của tôi nên mấy đứa bạn trong lớp hay nói: “Mi được cô bênh!”. Nhớ nhất là chuyện có lần giờ ra chơi, mấy thằng rủ nhau đi đào trộm khoai lang ở cánh đồng cạnh trường ăn, bị cô Huệ lấy roi dương quất tóe mông. Quất xong, cô khóc hỏi: “Mấy đứa có đau lắm không?”…
Lên cấp 2, năm lớp 8 cô giáo dạy Văn của tôi là cô Lành. Cô Lành người ở chợ Sịa, một thị tứở bên kia phá Tam Giang. Cô Lành dạy văn thật nhẹ nhàng mà cuốn hút. Nhất là giọng ngâm thơ của cô ngọt ngào như suối chảy. Thường khi chấm bài văn của tôi cô vẫn thường phê: “Giỏi lắm!”. Nếu cô Lành là người đã dạy cho tôi biết vẻ đẹp của văn chương thì cô Loan, cô giáo dạy Văn lớp 9 của tôi lại truyền cho niềm đam mê với văn chương. Cô Loan dạy văn không câu nệ sách giáo khoa; cô thường nhập tâm vào sức hấp dẫn của từng câu chữ và những vẻ đẹp lấp lánh của văn chương không có trong sách. Tiết Văn của cô Loan luôn hấp dẫn cả lớp, cả mấy đứa ngỗ nghịch nhất cũng thích nghe cô giảng… Điều quý nhất mà cô Loan đã cho tôi đó chính là những cuốn truyện, tập thơ mà cô tích lũy được. Chính những cuốn sách quý mà cô cho tôi mượn đọc đã mở ra cho tôi một khu vườn văn chương thật đẹp…
Trường làng tôi mọc giữa cánh đồng. Thầy cô ở xa về đây dạy học ở lại khu tập thể ngay trong khuôn viên trường. Một khu nhà cấp bốn lợp bằng tôn xi măng và vách phên là những tấm giấy dầu. Trong cái thiếu thốn vô cùng đó, những thầy giáo ở trường làng tôi vẫn thường có những trò vui sau giờ lên lớp như chuyện quanh cuốn tiểu thuyết Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài. Thầy Hoàng dạy Văn đẹp trai, phong độ có bộ râu quai nón tự xưng mình là Dế Mèn, thầy Hạp dạy Địa người thấp đậm, da đen, tóc quăn được mang danh Dế Trũi; còn thầy Danh dạy Toán người gầy, hom hem với những cơn ho sù sụ quanh năm được gán cho cái tên Dế Choắt. Ba thầy là ba nhân vật chính của truyện, những nhân vật phụ thì được gán cho những thầy cô trong khu tập thể của trường, từ mụ Cốc, Bọ Ngựa, Xiến Tóc… Chính những trò vui đó đã giúp cho thầy cô giáo ở phố thị khuây khỏa để vượt qua bao nhiêu thiếu thốn của những năm bao cấp. Và bây giờ, mỗi mùa đông đến tôi vẫn còn nhớ như in cái cảnh thầy lên lớp vừa dạy vừa run, chắc là bữa sáng không có gì trong bụng… Khổ là vậy nhưng thầy cô đã chịu đựng được để dạy chúng tôi hằng ngày và dành rất nhiều tình thương cho những đứa học trò nông thôn xa ngái…
Về làng ghé nhà cô Vinh chơi, nói chuyện với đứa học trò cũ, cô xưng với tôi là o (nghĩa là “cô” theo nghĩa chung, không phải cô giáo), tôi cười: “Em vẫn là học trò cũ của cô, cô dạy em đến hai năm mà…”, cô chỉ cười hiền. Cô Huệ đã về hưu, từ ngày chồng cô cũng là giáo viên từ giã cõi đời, cô trở nên trầm tính, ngày ngày đi chùa, tụng kinh và cũng ít giao du với ai. Trong một lần đi công tác, tôi có ghé nhà cô Lành ở khu chợ Sịa. Khi đó, cô không còn nhận ra tôi nữa cho dù có nhắc đến bao nhiêu chuyện trường xưa trò cũ. Cũng mấy chục năm cô trò không gặp nhau rồi còn gì. Đúng là nghề giáo như người lái đò, chở bao nhiêu đứa học trò qua sông, làm sao nhớ hết. Tôi đã kể lại chuyện này với mấy người bạn. Thật may, qua Facebook, cô Lành đã kết nối với tôi và nói rằng: “Cô đã nhớ ra em rồi, đứa học trò luôn có những bài văn làm cô xúc động!”.
Có lần ghé nhà cô Loan, vừa thấy đứa học trò cũ cô đã khóc vì chuyện buồn gia đình. Khóc đó nhưng cô cũng nhanh chóng cười đùa đó, cứ như chuyện trong văn chương mà cô vẫn kể với học trò ngày trước. Điểm tựa của cô giờ là những đứa con ngoan và vô số học trò nhiều thế hệ… Mới đây, trong đám cưới của đứa con gái cô Loan, tôi được gặp lại thầy Hạp – Dế Trũi, thầy Danh – Dế Choắt và rất vui là mấy thầy vẫn khỏe, vẫn vui tính như ngày nào. Còn thầy Hoàng – Dế Mèn phong độ và hóm hỉnh ngày nào lâu rồi tôi chưa được gặp lại, không biết thầy bây giờ có khác xưa nhiều không…