Khu tập đi và phục hồi chức năng tại công ty Ottobock Việt Nam chiều đầu tuần không đông người lắm. Tôi lặng ngắm một cô gái đang vừa nói cười vừa tập đi trên một chiếc chân giả. Cô có khuôn mặt rất xinh, nụ cười sáng khi bước đi một cách uyển chuyển. Nếu ai đó có dịp nhìn thấy những nụ cười rạng rỡ như thế của người bị khuyết tật, thì sẽ hiểu ý nghĩa của công việc cần mẫn của các kỹ thuật viên tại đây.
Thị trường đặc thù
Dụng cụ chỉnh hình, chân tay giả không phải là một sản phẩm phổ biến được nhiều người biết đến, nhưng đối với người khuyết tật thì Ottobock đã là thương hiệu nổi tiếng của Đức từ hơn 100 năm nay. Nhà sáng lập Ottobock là người tiên phong trên thế giới về các công nghệ sản xuất và tạo ra linh kiện tiêu chuẩn theo module, giúp kết nối, thay thế hoặc chỉnh sửa chi cho từng bệnh nhân, chứ không phải được làm sẵn như trước đây. “Nhiều khách hàng nói tôi rằng họ đã từng phải sang nước ngoài để tìm đến những nơi có sản phẩm chất lượng như Ottobock”, Trần Công Đức, kỹ thuật viên cấp cao tại Ottobock Việt Nam chia sẻ..
Đã là sản phẩm hàng hóa thì phải có kẻ bán người mua, tuy vậy đây là những sản phẩm rất đặc thù. Khác với những sản phẩm thông thường chỉ mua bán sử dụng trong một thời gian ngắn, các loại dụng cụ này sẽ gắn bó với người khuyêt tật như một phần thân thể của họ, giúp họ phục hồi tối đa chức năng đã mất vì vậy phải được tư vấn hướng dẫn tỉ mỉ và thiết kế phù hợp nhất với nhu cầu và khả năng tài chính của từng bệnh nhân bởi cho dù chỉ là một sơ sót nhỏ cũng có thể ảnh hưởng để lại thương tích cho người khuyết tật.
Giá thành
Hiện Việt Nam là một nước có tỉ lệ người khuyết tật khá cao trong khu vực chiếm khoảng 7%, do vậy nhu cầu có được một dụng cụ hỗ trợ tốt nhưng mức giá phải chăng là mong muốn của tất cả mọi người. Tại công ty Ottobock Việt Nam, sản phẩm, tính năng và chất lượng không có gì đáng chê trách điều duy nhất vẫn còn là trở ngại chính là giá thành thì thực sự còn hơi cao so với thu nhập của người Việt Nam nhất là người khuyết tật, một phần vì toàn bộ linh kiện, vật liệu nhập từ công ty mẹ ở Đức.
Vì vậy tập đoàn Ottobock khi đến Việt Nam, họ phải làm việc rất sát sao với đội ngũ kĩ thuật viên chỉnh hình nước sở tại để nghiên cứu giải pháp hạ giá thành xuống để mang đến một mức giá tốt nhất mà đại đa số người khuyết tật có thể chi trả được.
“Nghề chọn mình thì mình nhận. Nhưng khi làm ra một sản phẩm thành công, mang lại hạnh phúc và sự thuận tiện cho bệnh nhân, thì mình càng yêu nghề lên mỗi ngày”
Công nghệ
Nếu trước đây công nghệ áp dụng trong lĩnh vực dụng cụ chỉnh hình trong nước vẫn còn khá thô sơ thì hiện nay các công nghệ hiện đại bậc nhất trên thế giới đã được ứng dụng tại Việt Nam như chân giả có khớp gối điện tử với bộ vi xử lý mô phỏng dáng đi như người bình thường, bàn tay điện sinh học cử động linh hoạt hay hệ thống treo gắn đa dạng thuận tiện hơn giúp việc mang những thiết bị này sẽ không còn là một cản trở, nặng nhọc và khó chịu lớn với người khuyết tật.để họ quên đi một phần khiếm khuyết và thật sự hòa nhập với cuộc sống.
“Sản phẩm tay chân tay giả càng ngày càng phát triển thông minh hơn nên đi đôi với giá thành cũng sẽ không thể rẻ hơn được, vì vậy, tôi cũng mong dụng cụ chỉnh hình có thể sớm được đưa vào chính sách bảo hiểm an sinh để người khuyết tật có cơ hội sử dụng những sản phẩm chất lượng hỗ trợ tốt như ở nước ngoài”, anh Đức tâm tư.
Nghề không nhiều người biết đến
“Nghề chọn mình thì mình nhận. Nhưng khi làm ra một sản phẩm thành công, mang lại hạnh phúc và sự thuận tiện cho bệnh nhân, thì mình càng yêu nghề lên mỗi ngày”, Trần Công Đức cho biết.
Là một trong số rất ít chuyên viên Việt nam được công nhận bằng cấp I về chỉnh hình từ Hiệp hội Chân tay giả và Nẹp chỉnh hình Quốc Tế ISPO (bằng cấp cao nhất của Hiệp hội), với gần 30 năm kinh nghiệm, anh Trần Công Đức đã và đang làm việc tại những công ty có tiếng trên thị trường, tiếp xúc với những công nghệ hàng đầu và hiện đang áp dụng lên sản phẩm cho người khuyết tật tại Việt Nam. Anh cũng luôn tự hào khi mình là người mang đến sản phẩm này cho mọi người, nhưng anh không hay nói về mình.
Tại công ty Ottobock, anh và đội ngũ kỹ thuật viên kiệm lời vẫn đón từng lượt người khuyết tật chân tây bằng sự cởi mở và đồng cảm. Nên kỹ thuật viên không chỉ là người đo đạc, tư vấn, lắp ráp, hướng dẫn tập đi, mà còn “kiêm” luôn cả vấn đề giải tỏa tâm lý. Một cuộc phẫu thuật cắt cụt là một sự kiện bi thảm khiến bạn tổn thất sức mạnh tinh thần, thậm chí gây nỗi sợ hãi có thể gây ra trầm cảm. Nên việc thay thế chi đã mất có khi không quan trọng bằng sự phục hồi tâm lý, lấy lại sự tự tin và nụ cười cho người khuyết tật.
Tình thương và trách nhiệm cộng đồng luôn là đức tính mỗi kĩ thuật viên chỉnh hình chú trọng, có lẽ với những kỹ thuật viên làm nhiều hơn nói như anh Đức, niềm tự hào và thành công của họ đơn giản là sự trở về của một cuộc đời lành lặn, chứ không cần đến sự công nhận của mọi người.