Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – chi nhánh TP.HCM (VCCI) phối hợp với Công ty Cổ phần Thủ công mỹ nghệ gỗ Liên Minh đã tổ chức họp báo nhằm cung cấp thông tin về hai hội chợ quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu lớn sẽ diễn ra vào năm 2024 gồm: Hội chợ quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam (VIFA EXPO) lần thứ 15 năm 2024 và Hội chợ Quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam ASEAN 2024 (VIFA ASEAN).
Hai hội chợ tầm cỡ
Tiếp nối thành công của các kỳ Hội chợ VIFA EXPO tháng 3/2023 và VIFA ASEAN tháng 8/2023, Công ty Cổ phần Thủ Công Mỹ Nghệ Gỗ Liên Minh sẽ tiếp tục tổ chức VIFA EXPO 2024 và VIFA ASEAN 2024.
Cụ thể, VIFA EXPO 2024 dự kiến được tổ chức vào ngày 26 – 29/2/2024 tại Trung tâm Triển lãm Hội nghị Quốc tế SKY EXPO Việt Nam, Quận 12, TPHCM. Đây sẽ là Hội chợ tiên phong trong chuỗi Hội chợ nội thất lớn nhất Châu Á năm 2024, dự kiến sẽ thu hút hơn 600 doanh nghiệp với hơn 2.000 gian hàng trên tổng diện tích 36.000m2, quy tụ số lượng lớn các nhà cung cấp, nhà sản xuất sản phẩm nội thất, mỹ nghệ, trang trí uy tín ở Việt Nam và các nước. Trong khuôn khổ VIFA EXPO 2024 sẽ có các hoạt động như: Hội thảo chuyên ngành (Industry Seminar), Chương trình tham quan nhà máy (Factory Visit Tour), Chương trình hỗ trợ sân bay (Airport Support Service) và Chương trình Shuttle bus đưa đón khách.
Hội chợ VIFA ASEAN lần thứ 2 sẽ được tổ chức từ ngày 27 – 30/08/2024, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn SECC, dự kiến thu hút trên 400 doanh nghiệp tham gia trưng bày trên quy mô 1.200 gian hàng, đặc biệt là sự tham gia của các nước ASEAN.
Phát biểu tại họp báo, ông Đặng Quốc Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP Thủ công mỹ nghệ gỗ Liên Minh cho biết hai hội chợ sắp diễn ra là dịp để các công ty gỗ mở rộng quảng bá, khai thác các thị trường phi truyền thống, đồng thời tìm các đối tác, khách hàng mới nhằm thay đổi cục diện khó khăn chung hiện nay. Đây cũng là những điểm đến không thể bỏ lỡ của các khách hàng quốc tế với mục tiêu tìm kiếm nguồn gỗ nội thất, gỗ mỹ nghệ chất lượng cao trên thị trường thế giới.
Được biết, VIFA EXPO 2023 đã thu hút được 612 doanh nghiệp từ 17 quốc gia và 19 tỉnh thành của Việt Nam, với quy mô 2.410 gian hàng, trên tổng diện tích 40.000m² và chào đón hơn 18.000 khách tham quan, trong đó có gần 6.000 khách tham quan đến từ 117 quốc gia trên khắp thế giới. Tại đây, khách nhập khẩu và mua hàng nội thất trên khắp thế giới được trao đổi, thiết lập quan hệ hợp tác trực tiếp với nhà sản xuất chất lượng. Ban tổ chức ghi nhận giá trị giao dịch ký kết đơn hàng ngay tại hội chợ lên đến gần 100 triệu Đôla Mỹ.
Chứng kiến sự phát triển của ngành chế biến gỗ sau dịch bệnh, cùng với thời kỳ bùng nổ kỹ thuật số, công ty Liên Minh đã số hóa Hội chợ VIFA EXPO 2023 bằng nền tảng triển lãm trực tuyến VIFA EXPO Online Platform. Chỉ bằng vài cú nhấp chuột, khách hàng có thể truy cập hệ thống thông tin của hội chợ, tìm kiếm và tra cứu thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm, thời gian các sự kiện đặc thù, xem lại những hình ảnh, video về các nội dung hội thảo được thực hiện.
Ngành gỗ Việt cần gấp rút “xanh hóa”
Tại hội thảo, các diễn giả cũng đưa ra những nhận định về thị trường hiện nay, nhìn chung vẫn là tình hình kinh tế khó khăn do dịch bệnh, xung đột chính trị, tâm lý người tiêu dùng bi quan làm sức mua giảm, giao dịch bất động sản ở hai thị trường trọng điểm là Mỹ và Châu Âu đang ảm đạm khiến nhu cầu mua sắm hàng thủ công mỹ nghệ cũng giảm sút…
Các ngành xuất khẩu nói chung và ngành xuất khẩu gỗ Việt Nam nói riêng không nằm ngoài làn sóng khó khăn chung của thị trường thế giới. Theo ước tính của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đạt 10,8 tỷ USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, sự sụt giảm của kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đã chậm lại rõ nét kể từ đầu quý 4/2023, các đơn hàng đã bắt đầu quay trở lại. Đặc biệt, theo thông lệ hàng năm, quý 4/2023 và quý 1/2024 sẽ là cao điểm của ngành xuất khẩu gỗ, do đó kim ngạch xuất khẩu gỗ được kỳ vọng sẽ hồi phục trở lại trong quý tới.
Theo ông Trần Quốc Mạnh – Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, ở thời điểm hiện tại các doanh nghiệp cần nhanh chóng nối lại những đơn hàng đã mất. Theo đó, các hội chợ, triển lãm sẽ là cơ hội quan trọng cho doanh nghiệp gặp gỡ đối tác, nối lại các hợp đồng để nắm bắt cơ hội hồi phục của thị trường.
Ông cũng lưu ý rằng sang quý 4/2023, các đơn hàng đã quay trở lại nhưng theo ông quan sát là các nhà nhập khẩu đã có yêu cầu khắt khe hơn cả về chất lượng và giá cả, đặc biệt yêu cầu về chuỗi cung ứng phải “xanh”. Ngay từ nguyên liệu đầu vào tới khâu sản xuất, phân phối đều phải đảm bảo yếu tố môi trường. Đặc biệt, nguyên liệu gỗ không những phải xuất xứ từ rừng trồng, mà phải từ những khu rừng trồng bền vững, đảm bảo không làm mất diện tích rừng tự nhiên và không gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái xung quanh khu vực rừng trồng.
“Với những yêu cầu ngày càng khắt khe hơn, doanh nghiệp Việt bước đầu sẽ gặp khó khăn và đứng trước sự sàng lọc của thị trường. Tôi mong rằng chúng ta sẽ nhanh chóng thích ứng và vượt qua được những khó khăn này”, ông Mạnh nói thêm.
Trong bối cảnh thị trường khó khăn và yêu cầu ngày càng khắt khe hơn từ người tiêu dùng và các nhà nhập khẩu, doanh nghiệp Việt cần gấp rút “xanh hóa” toàn bộ chuỗi cung ứng để sớm thích nghi với xu hướng chung của toàn thế giới.