Cơ hội thưởng ngoạn hội họa đến từ Chiang Rai

Một cuộc triển lãm dù chỉ diễn ra trong vài ngày, nhưng vấn đề đáng quan tâm ở đây là chất lượng nghệ thuật đã thu phục người thưởng lãm bởi ngôn ngữ khá đặc trưng của mỹ thuật vùng cao phía bắc Thái Lan, đồng thời đem lại nhiều gợi ý cho các đồng nghiệp Việt Nam.

Đó là triển lãm mới đây của 14 họa sĩ đến từ tỉnh Chiang Rai do Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật Đại học Chiang Rai Rajabhat và Đại học Nghệ thuật Huế phối hợp tổ chức (tại trụ sở Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên – Huế – 26 Lê Lợi, TP. Huế).

Tinh thần của Lanna II – Parinya Kaewpho (sơn dầu)

Hai mươi sáu tác phẩm sơn dầu, acrylic, tempera… được triển lãm dịp này về mặt tạo hình mang đậm dấu ấn văn hóa Phật giáo, thể hiện từ họa tiết, hoa văn trong các chùa chiền, tranh tượng thờ cho tới các hình tướng, tư thế của Đức Phật, tất cả được lấy cảm hứng từ các truyền thuyết, điển tích Phật giáo nhưng có sự phát triển, thêm thắt, pha trộn cho phù hợp với không khí thời đại. Ngoài ra, còn có tranh đề tài hoàng gia Thái Lan, tranh phong cảnh và cuộc sống thường nhật nhưng chiếm tỷ lệ không nhiều.

Ngư dân – Thanongsak Pakwan (tempera)

Đặc điểm nổi trội trong toàn bộ tác phẩm ở đây là phong cách tạo hình giàu tính trang trí nhưng tinh tế đến từng chi tiết, đặc biệt là các tác phẩm liên quan đến thẩm mỹ Phật giáo của các họa sĩ Suwat Saenkttiyarat, Songdej Thipthong, Phantong Saenchan… Ngay cả khi thể hiện những vấn đề đương đại thì dù có tạo hình bạo liệt hơn, mạnh tay hơn nhưng tác giả Chalong Punitsuwan vẫn cho thấy ông thật thong dong, nhẩn nha trong từng chi tiết nhỏ nhất của tác phẩm với hình ảnh nhà máy, phố xá, ống khói lan tỏa theo những đường lượn rất mỹ cảm. Tương tự là họa sĩ Suriya Namvong cũng tỉ mẩn và kiên nhẫn trong hòa sắc tạo hình ảnh chùa tháp, cho dù tác giả cố tình biến dạng chúng chỉ còn là những ảo ảnh.

Truyền thuyết Marnwinchai – Songdej Thipthong (tempera)
Không đề – Suriya Namwong (sơn dầu)

Nếu nghệ thuật đòi hỏi người nghệ sĩ chức năng giáo dục, nhận thức, đạo đức thì các tác giả đến từ Chiang Rai là những người xuất sắc cho dù họ chưa phải là những tên tuổi trội bật của mỹ thuật Thái Lan. Trong cách tạo hình của họ, dù ít nhiều khác biệt với mỹ thuật Việt nhưng lại gần gũi với người dân xứ Huế về triết lý nhân sinh đậm màu sắc văn hóa Phật giáo. Triển lãm nhằm mục đích thắt chặt quan hệ đối tác giữa hai trường đại học, tăng cường giao lưu văn hóa Việt Nam – Thái Lan nhưng còn là gợi ý tích cực cho các họa sĩ Việt Nam nói chung, họa sĩ xứ Huế nói riêng trong cách khai thác các yếu tố triết mỹ của văn hóa Phật giáo vốn cũng có ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống tinh thần người Việt từ ngàn năm qua.

Cuộc sống – Chalong Pinitsuwan (chất liệu tổng hợp)

Chiang Rai nằm ở phía bắc Thái Lan, cách thủ đô Bangkok 785km, trong vùng được gọi là “Tam giác vàng” – biên giới của ba nước Thái Lan – Myanmar – Lào. Chiang Rai từng là thủ phủ của Vương quốc Lanna Thái vào thế kỷ XIII. Sau khi Lanna Thái sáp nhập vào Thái Lan, Chiang Rai trở thành một tỉnh của Thái Lan vào năm 1910. Với bề dày văn hóa của mình, Chiang Rai là nơi hội tụ của các nghệ sĩ tạo hình mà tác phẩm được lấy cảm hứng từ nền văn hóa nghệ thuật của Vương quốc Lanna cổ xưa, và đặc biệt là từ văn hóa Phật giáo. Nơi đây có những bức tượng Phật nổi tiếng nhất ở Thái Lan, được tạc từ thế kỷ XIV cùng những thánh tích lâu đời nhất của đạo Phật từ khi được du nhập vào đất Thái. Nên triển lãm này còn được coi là cơ hội để tiếp cận với một không gian mỹ thuật đặc thù của nước bạn vậy.

Exit mobile version