Đối với nhà đầu tư cá nhân có ý định giao dịch theo động thái của các cổ đông nội bộ cần hết sức thận trọng.
Bảy tháng mua ròng 603 tỉ đồng
Theo dữ liệu của Stoxplus, kể từ đầu năm đến nay, có khoảng 1.900 giao dịch mua bán của cổ đông nội bộ và người liên quan trong tất cả các nhóm ngành, với tổng giá trị giao dịch 2.513 tỉ đồng. Trong đó, giá trị mua đạt 1.558 tỉ đồng và giá trị bán đạt 955 tỉ đồng. Như vậy, khối này đã mua ròng 603 tỉ đồng trong hơn bảy tháng đầu năm 2018. Có đến năm trong tổng số gần tám tháng, lãnh đạo doanh nghiệp và người liên quan thực hiện mua ròng cổ phiếu về giá trị giao dịch, trong đó tập trung vào các tháng 6, 7, 8 – giai đoạn thị trường chứng khoán đang dò đáy và đi lên.
Riêng trong tháng 6, khi thị trường đang giảm mạnh, lãnh đạo doanh nghiệp và những người liên quan đã mua ròng tới 763 tỉ đồng. Tiêu biểu là tại Công ty cổ phần Thép Pomina (POM), thành viên ban kiểm soát đã mua vào gần 2,5 triệu cổ phiếu khi thị giá POM giảm hơn 30% so với hồi đầu năm. Hay tại VPBank, chủ tịch hội đồng quản trị đã mua vào 5 triệu cổ phiếu sau khi cổ phiếu này mất hơn 37% thị giá so với mức đỉnh hồi tháng 4-2018. Đầu tháng 5, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai thông báo sẽ mua 20 triệu cổ phiếu HAG thông qua phương thức khớp lệnh.
Sau thông tin trên, cổ phiếu HAG đã có ba phiên tăng điểm liên tiếp. Hay như với Công ty cổ phần Thế Giới Di Động, tháng 4 vừa qua, giá cổ phiếu MWG lên xuống thất thường, có những phiên mất mốc 100.000 đồng/cổ phần và giao dịch dưới mức 110.000 đồng/cổ phiếu. Ngay sau đó, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị MWG đã đăng ký mua vào 100.000 cổ phiếu trong thời gian từ 1-6 đến 30-6. Phản ứng mạnh mẽ với thông tin này, giá cổ phiếu MWG bắt đầu chuỗi đi lên và thị giá hiện đã lên mức 120.000 đồng.
Cũng theo dữ liệu của Stoxplus, nhóm ngành có giao dịch mua ròng của cổ đông nội bộ và người liên quan lớn nhất là vật liệu và xây dựng (tổng giá trị mua ròng đạt 813 tỉ đồng) và bất động sản (với giá trị mua ròng đạt 516 tỉ đồng). Ở chiều ngược lại, lĩnh vực hàng gia dụng, lãnh đạo và người liên quan bán ròng mạnh nhất, đạt 703 tỉ đồng.
Cổ đông nội bộ giao dịch với mục đích gì?
Động thái giao dịch của ban lãnh đạo và người liên quan luôn là mối quan tâm lớn đối với giới đầu tư, bởi hơn ai hết họ là người thấu hiểu về hoạt động hiện tại cũng như triển vọng tương lai của doanh nghiệp. Trên thực tế, việc lãnh đạo doanh nghiệp tích cực mua vào để “cứu giá” cổ phiếu có thể xuất phát từ hai lý do. Thứ nhất, lãnh đạo doanh nghiệp chịu sức ép từ các cổ đông đại chúng nên buộc phải mua vào để chặn đà rơi của cổ phiếu. Thứ hai, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp phải cầm cố chính số cổ phần của mình nhằm bảo đảm cho các khoản vay ở ngân hàng. Khi giá trị ký quỹ lớn, việc giữ giá cổ phiếu là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Đối với nhà đầu tư cá nhân có ý định giao dịch theo động thái của các cổ đông nội bộ cần hết sức thận trọng. Về tổng thể, hoạt động mua ròng của các cá nhân này có thể xem là yếu tố tích cực, tuy nhiên cũng cần phải xem xét chi tiết giao dịch thực hiện của ban lãnh đạo doanh nghiệp, xem có bao nhiêu cổ phần được mua đi bán lại liên tục, bao nhiêu mua và nắm giữ dài hạn để có một góc nhìn sâu hơn về vấn đề này.
Thực tế, vẫn có trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp công bố mua vào cổ phiếu với khối lượng lớn, nhưng cuối cùng lại không mua hoặc chỉ mua lượng rất nhỏ, khi đó làm ảnh hưởng niềm tin của nhà đầu tư, thông tin từ tích cực có thể trở nên phản tác dụng. Thậm chí, có trường hợp ban lãnh đạo công bố mua, nhưng thực chất muốn bán. Thêm vào đó, cũng không phải động thái cứu giá nào cũng có tác dụng. Có rất nhiều trường hợp lãnh đạo công ty dù mua vào nhiều nhưng giá cổ phiếu vẫn rớt mạnh.