LTS: Đề xuất điều chỉnh Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận thành khu dịch vụ văn phòng làm việc, khách sạn, thương mại chất lượng cao, làm “hậu cần” cho trung tâm tài chính Thủ Thiêm được nêu ra tại hội thảo khoa học “Chiến lược phát triển quận 7 đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” do Quận ủy quận 7 phối hợp với Học viện Cán bộ TP.HCM tổ chức sáng nay (28.6), đang tạo ra sự quan tâm lớn từ giới chuyên môn hữu quan nói riêng và dư luận nói chung.
Toạ lạc tại phường Tân Thuận Đông (quận 7, TP.HCM), kề bên Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, KCX Tân Thuận có diện tích 300ha, là KCX đầu tiên của Việt Nam mô hình kiểu mẫu, tiền đề ra đời hàng loạt KCN, KCX tại TP.HCM và cả nước. Được lập cách đây hơn 30 năm, KCX này sẽ hết hạn thuê đất vào ngày 23.9.2041.
Số phận của KCX Tân Thuận như thế nào khi hết hạn thuê đất, do vậy ít nhiều đã nhận được sự quan tâm trong thời gian qua, đặc biệt sẽ còn “nóng” hơn sau khi đề xuất chuyển công năng của KCX này tại cuộc hội thảo vừa nêu.
Là người từng mạnh dạn và táo bạo đưa ra đề án xây dựng KCX Tân Thuận, Hiệp Phước và Khu Đô thị Phú Mỹ Hưng để những đầm lầy trở thành đô thị mới, những vùng lau sậy trở thành điểm nóng thu hút đô-la…chuyên gia Phan Chánh Dưỡng đã có bài viết gửi Người Đô Thị, trong đó nêu lên những trăn trở của mình về số phận KCX Tân Thuận.
Người Đô Thị trân trọng công bố bài viết này của chuyên gia Phan Chánh Dưỡng và tòa soạn sẽ tiếp tục đăng tải những góc nhìn khác của các chuyên gia, nhà chuyên môn hữu quan về vấn đề này để rộng đường dư luận.
Thấm thoắt đã 30 năm trôi qua, vùng đất ngập mặn hoang hóa nghèo khó rộng 300 ha dọc sông Sài Gòn, nơi cưu mang khoảng 350 hộ gia đình nghèo của xã Tân Thuận Đông khi xưa, được lãnh đạo TP.HCM chọn làm nơi xây dựng khu chế xuất, mở đầu cho chính sách mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh kinh tế đất nước ta còn bị Mỹ cấm vận.
Đây là đề án chuyển đổi cơ cấu kinh tế một vùng đất nghèo theo chủ trương “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa” bằng chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, từ đó xóa đói giảm nghèo một cách triệt để nhất trên toàn vùng Nhà Bè, như chúng ta đã chứng kiến. KCX Tân Thuận thành khu thí điểm thành công đầu tiên của cả nước.
Ngày nay, mảnh đất 300 ha này đã trở thành một khu sản xuất tập trung của các doanh nghiệp trong cũng như ngoài nước, trong đó theo thống kê năm 2020:
+ Có 236 xí nghiệp của 21 quốc gia đầu tư, diện tích lấp đầy chiếm 94,61%.
+ Tổng vốn đầu tư 2.080 tỷ USD.
+ Doanh số xuất nhập khẩu hằng năm 2 tỷ USD.
+ Tạo ra công ăn việc làm: 60 ngàn lao động.
+ Đã nhận được Huân chương Lao động Hạng III, II, I; Huân chương Độc lập Hạng III và nhiều giải thưởng, bằng khen khác trong 30 năm qua.
Ba mươi năm hoạt động KCX Tân Thuận, mô hình thí điểm này đã được chuyển thành mô hình Khu công nghiệp (KCN) với chính sách thu hút đầu tư FDI, phát huy được tính tích cực lớn nhất cho cả nước. Do đó cho đến nay cả nước đã có trên 330 KCN mà không cần phải mở thêm KCX.
Nhưng rồi đây KCX Tân Thuận sẽ đi về đâu? Đó là một câu hỏi rất cần tìm ra đáp số trong tình hình quy hoạch đang là bài toán khó và đất đai đối diện với khả năng bị chiếm dụng.
Thật ra ngay từ năm 2004 chúng tôi đã từng đề nghị chuyển mô hình KCX Tân Thuận thành khu kinh tế, vừa sản xuất vừa thương mại và bổ sung nhiệm vụ làm trung tâm logistic cho TP.HCM, vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long, nhưng qua thăm dò các bên lãnh đạo đã không có sự đồng thuận. Như vậy, phải chăng chúng ta phải chờ đến năm 2041, khi mà theo hợp đồng liên doanh, cũng như theo hợp đồng của Công ty Liên doanh xây dựng và kinh doanh KCX Tân Thuận, đều đồng loạt chấm dứt.
Đây là thời điểm KCX tròn 50 năm, mà theo thỏa thuận với nhà đầu tư là chúng ta không có ý định ký hợp đồng mới. Đến lúc đó, nếu xí nghiệp muốn tiếp tục duy trì hoạt động ở TP.HCM, chúng tôi đã dự trù một nơi khác là KCN Hiệp Phước (rộng đến 2.000 ha). Điều kiện nơi này cũng vô cùng thuận lợi, vừa có cảng Hiệp Phước, nay có thêm đường cao tốc Bến Lức vượt sông Soài Rạp, sông Lòng Tàu qua đô thị Nhơn Trạch và nối vào cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu, xuống cảng Cái Mép, lên sân bay quốc tế Long Thành.
Thế thì chỉ còn 19 năm nữa thôi, diện tích mặt bằng 300 ha của KCX Tân Thuận hiện nay sẽ được sử dụng như thế nào trong tương lai? Trước đây, ở phía bắc KCX Tân Thuận dọc theo sông Sài Gòn, chúng tôi có xin Trung ương cho giữ lại 28 ha làm đất rừng phòng hộ, vừa giữ lại một “rẻo” đất dài ven sông Sài Gòn còn hoang sơ để thế hệ sau biết được khi xưa đất Nhà Bè là như thế nào. Chúng tôi lên kế hoạch sử dụng 8 ha gần Cảng Sài Gòn hình thành một làng nghề xưa của Nhà Bè và tái tạo một kiến trúc “Nhà” trên “Bè” như một âu thuyền có sẵn để làm kỷ niệm.
Khi Cảng Sài Gòn chuyển ra khỏi sông Sài Gòn như kế hoạch, lúc đó đường Nguyễn Tất Thành sẽ mở rộng về phía cảng với 10 làn xe, phần đất còn lại sẽ chỉ làm công viên. Thế là chúng ta sẽ có một cảnh quan ven sông Sài Gòn từ Quận 1 qua Quận 4 đến KCX Tân Thuận; thêm Quận 7 phối hợp với khu Thủ Thiêm – thì đây sẽ là khúc sông có cảnh quan đẹp nhất của TP.HCM.
Phần còn lại 300 ha của KCX Tân Thuận là mảnh “đất vàng” hay chính xác hơn là khối “kim cương” khổng lồ nếu chúng ta sử dụng đúng tầm. Đây là điều mà những trí thức trẻ của TP.HCM hãy suy nghĩ ngay từ bây giờ: Làm gì ở đây, để không phải chứng kiến cảnh tượng một rừng nhà cao tầng mọc lên chen chúc, sau khi đất được phân lô đem bán cho các thế lực kinh doanh bất động sản? Bởi như vậy thì các thế hệ sau ắt không thể chiêm ngưỡng ánh sáng lấp lánh tỏa ra từ khối kim cương này.
Với tư cách một người may mắn được tham gia từ những ngày đầu xây dựng KCX Tân Thuận, tôi mạnh dạn nêu lên suy nghĩ của mình như một góp ý với các nhà quy hoạch, đồng thời cũng là ước vọng gửi gắm lại như sau:
TP.HCM sắp tới dân số ắt phải đến 15 triệu người, được thiên nhiên ban tặng cho dòng sông Sài Gòn giá trị không kém gì các dòng sông của những thành phố lớn trên thế giới. Nhược điểm lớn nhất là hệ thống giao thông nội thành của thành phố rất hẹp, dân cư đông đúc, các chung cư cao tầng gần đây mọc lên như nấm sau mưa. Chúng ta thiếu một không gian chung, với quảng trường, công viên đủ rộng cho một thành phố hiện đại.
Chúng tôi từng ao ước rằng: Khi KCX Tân Thuận hoàn thành nhiệm vụ sau 50 năm, thì nơi này sẽ trở thành một quảng trường rộng lớn hình chữ nhật khoảng 100 ha, bắt đầu từ khu đất rừng phòng hộ phía bắc KCX, kéo dài và nối vào đường Nguyễn Văn Linh.
Hai bên quảng trường sẽ là những tòa nhà làm việc của ủy ban nhân dân, các sở ngành cùng các kiến trúc đặc thù với những công năng về văn hoá.
Nơi đây sẽ tiêu biểu cho ước vọng vươn lên của nhân dân TP.HCM, cũng là ước vọng của Việt Nam bước vào thiên niên kỷ thứ III của chúng ta.
Đề xuất chuyển KCX Tân Thuận thành nơi “hậu cần” cho Thủ Thiêm
Phát biểu tại hội thảo khoa học “Chiến lược phát triển quận 7 đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” do Quận ủy quận 7 phối hợp với Học viện Cán bộ TP.HCM tổ chức hôm nay, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua cho rằng, cần nghiên cứu điều chỉnh chức năng KCX Tân Thuận (quận 7) sang khu dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, văn phòng làm việc, khách sạn, thương mại chất lượng cao, làm hậu cần cho Trung tâm Tài chính quốc tế Thủ Thiêm, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Theo ông Nguyễn Văn Đua, việc này nếu làm đồng bộ với điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đang được tiến hành thì “rất thuận lợi, khả thi”. Ông Đua đặt vấn đề không gian đô thị TP.HCM đang mở rộng, các nhà máy ở KCX Tân Thuận với công nghệ cách đây 20, 30 năm đã trở nên lạc hậu, trong khi đó trình độ công nghệ của các khu công nghiệp ở địa phương bạn đã phát triển cao. KCX Tân Thuận cần định hình lại một cách cơ bản. Điều này góp phần để TP.HCM giữ vững và phát huy vai trò đầu tàu kinh tế, là động lực tăng trưởng của vùng kinh tế phía Nam và của đất nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo.
Ông Nguyễn Văn Đua cho rằng Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu quy hoạch đô thị Cảng Hiệp Phước (Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) là hai nhân tố quan trọng tác động đến việc tạo nên diện mạo mới, vai trò mới của KCX Tân Thuận.
Theo nguyên Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, chọn hướng phát triển nêu trên không có gì mâu thuẫn, gây trở ngại với mục tiêu dịch vụ – thương mại – xây dựng – công nghiệp. Trái lại, ‘quả đấm’ của sự chuyển dịch sang dịch vụ của KCX sẽ tạo sự đột phá mới, nâng tầm chất lượng dịch vụ của quận 7.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, TP.HCM cần đánh giá lại công năng của KCX Tân Thuận để tái cơ cấu. Đồng thời, địa phương phải tính toán xem nơi đây có còn dư địa để phát triển theo hướng công nghiệp hay không.
Theo ông Mãi, nếu chỉ định vị quận 7 trong khu Nam của TP.HCM và trong TP.HCM là chưa đủ, bởi ngoài vị trí là cửa ngõ phía Nam của TP.HCM theo trục kết nối Đông-Tây, quận còn có vị trí là trục ven biển. Như vậy, quận 7 có thuận lợi cả về đường bộ và đường thủy. Ông Phan Văn Mãi cho rằng, nếu chiến lược phát triển ra biển tốt, quận 7 sẽ là nơi tiếp cận và khai thác lợi thế mặt tiền biển rất hiệu quả…
– TV tổng hợp