“Ký ức theo dòng đời” là tập hồi ký của chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng, nhân vật được xem như “kiến trúc sư trưởng” kiến thiết khu Nam Sài Gòn từ một vùng đất hoang vu, sình lầy cách nay hơn ba thập kỷ. Hơn 300 trang sách thăm thẳm buồn thương không dừng lại ở thân phận của một người hiền, mà còn bàng bạc nỗi niềm một thế hệ kẻ sĩ trong một thời kỳ khá dài đất nước nhiều biến động.
Ngược dòng ký ức, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi bắt đầu từ thời khắc cậu bé 6 tuổi nhận biết người mẹ yêu thương, chăm sóc mình bấy lâu không phải mẹ ruột. Ông nhớ lại: “Cảm giác bị mẹ bỏ khiến tôi đau đớn mà không biết vì sao. Tôi nghĩ quẩn rằng nếu bị bỏ một lần nữa, mình sẽ sống như thế nào? Tôi lo sợ hoang mang vô cùng. Tôi cũng không dám hỏi ai.
Thế là tôi cố gắng không làm những gì mẹ bác (*) không vui, nên trở thành một đứa trẻ rất ngoan trong nhà. Tôi siêng làm việc nhà. Bữa ăn không dám đòi miếng ngon. Và tuyệt đối không đòi hỏi mẹ mua đồ chơi hay quần áo mới. Từ đó tôi sớm trưởng thành hơn các đứa trẻ khác trong xóm nghèo…”.
____
Rèn luyện từ thuở ấu niên giúp gì cho ông khi bước vào đời?
Năm 18 tuổi, tôi chạy giặc lên Sài Gòn. Tôi tìm đến nơi chị tôi tá túc tại địa chỉ 42 Ký Con (nay thuộc quận 1). Đấy là một căn nhà bề ngang 4 thước, dài 21 thước; tầng trệt kể cả nhà bếp được ngăn thành 5 phòng cho mướn, khoảng 12 người lớn và 8 trẻ con.
Trên gác gỗ gia đình chủ nhà có 5 người lớn ở phía trước, phía sau còn cho thêm 2 người độc thân thuê. Chị tôi khi ấy đã có chồng, sanh con. Anh chị cũng nghèo. Cả gia đình chen chúc trong căn phòng nhỏ xíu. May mắn bà chủ cho phép tôi kê một cái ghế bố dọc theo lối đi. Dãy trọ toàn người lao động chân tay, giờ giấc sinh hoạt khác nhau.
Người đi làm sớm nhất lúc 5 giờ rưỡi sáng. Người về trễ nhất lúc 0 giờ. Tức là tôi chỉ có thể ngã ghế bố sau 0g và xếp lại trước khi người đầu tiên đi làm. Tháng đầu tiên ở môi trường mới, tôi luôn có cảm giác nhiều người chung quanh khó chịu với mình. Tôi nghĩ cách làm thế nào để người ta thừa nhận mình. Thức sớm cũng chẳng có việc gì làm, tôi tự nguyện phụ ông bán cá hấp ghi chép sổ sách.
Buổi tối, tôi dạy kèm cho mấy đứa nhỏ lớp 3, lớp 4… Nhờ vậy mà thái độ mọi người dần thay đổi, thân thiện hơn. Tôi hiểu ra rằng không gian sinh tồn phụ thuộc vào việc mình có thể làm gì lợi lạc cho những người chung quanh.
____
Cholimex là công ty đầu tiên tại TP.HCM có chức năng xuất nhập khẩu sau 1975. Nghe nói ông là tác giả xây dựng mô hình này…
Thiếu trâu bắt ngựa đi cày là tình thế của tôi lúc ấy. Thực ra người được giao nhiệm vụ viết đề án thành lập Cholimex là ông Hồng Tôn Như, còn tôi là thư ký của ông ấy. Ông Như là người Hoa, không nói rành tiếng Việt. Ông giao nhiệm vụ này cho tôi vì “mày có học đại học nên chắc chắn mày viết được”. Cũng như thủ trưởng, tôi chẳng biết đề án là cái gì. Tôi tập hợp chừng mười ông người Hoa làm xuất nhập khẩu ở Chợ Lớn lại rồi hỏi chuyện làm ăn. Hàng xuất khẩu gồm hột vịt muối, cán cuốc, cá mặn…; nhập khẩu có hạt nhựa, vải.
Từ những thông tin thu thập được, tôi viết một cái báo cáo chừng 6-7 trang, trình bày phương án xuất khẩu bao nhiêu, nhập khẩu bao nhiêu. Chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu là tiền lời.
Đề án được gởi lên cấp trên để đóng góp ý kiến. Tôi rất dễ tiếp thu, điều chỉnh răm rắp mọi ý kiến đóng góp vào đề án. Còn ý kiến chỉ đạo đúng hay sai, thực tình tôi cũng không biết rõ. Chỉ biết nghiêm túc nghe ý kiến đóng góp trong cuộc họp để tu sửa lại tờ trình.
Quá trình lấy ý kiến có thành phần tham dự mới thì lại có thêm ý kiến mới, tôi nghiêm túc bổ sung vào. Tuy nhiên, bản đề án điều chỉnh đến lần thứ tư vẫn chưa xong, tôi bắt đầu nản. Tôi chủ động bỏ trống mục ngày tháng năm, chờ khi lãnh đạo thống nhất ý kiến rồi bổ sung sau.
Quy trình lặp lại đến lần thứ 7, thì tôi bất ngờ nhận được tin phải đưa đề án lên trình gấp. Tôi chạy vội về nhà lấy một bản đem lên đọc trong cuộc họp. May quá, lần này chỉ sửa vài chữ. Lãnh đạo cuộc họp ký nháy từng trang rồi đề nghị tôi về đánh máy sạch sẽ nộp lại.
Nhận lại đề án đầy đủ chữ ký thông qua, tôi mới phát hiện bản mình đem nộp không phải là bản điều chỉnh cuối cùng! Hóa ra lãnh đạo cũng chẳng nhớ đã yêu cầu chỉnh sửa những gì. Bản đề án vừa trình bày có chữ ký thông qua trở thành bản được duyệt để có giấy phép hoạt động cho Công ty Cholimex.
Như nhiều người khác, tôi cũng sợ chết, sợ thiệt. Đành rằng thiên hạ có người tốt, người xấu nhưng tôi không dám tin rằng người tốt sẽ xuất hiện khi mình hoạn nạn.
Nhưng khi vào hoạt động, chúng tôi liên hệ được với một thương nhân Hồng Kông xin mua 70 tấn đậu phộng. Và tiền bán đậu phộng chúng tôi nhập về theo yêu cầu đặt hàng của các tổ hợp sản xuất công nghệ phẩm của quận 5, 6, 11 của thành phố (lúc bấy giờ) 30 tấn hạt nhựa HP và nhựa LP, 10 tấn sợi dệt dải thun, 30 tấn bột giặt, 10 tấn bột ngọt, 1 tấn phèn đỏ cho cơ sở thuộc da. Phương thức thanh toán là hàng đổi hàng.
Chuyến hàng đầu tiên thành công tốt đẹp, nhưng những mặt hàng mua bán không dính dáng gì đến mặt hàng đã nêu trong đề án!
____
Thời kỳ ông làm giám đốc, Cholimex được xem như “tụ hiền trang”, rộng cửa đón chào nhiều “kẻ sĩ bị đẩy ra bên lề xã hội” (nhận xét của chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn – NV), từng bước hình thành nhóm Thứ Sáu. Lần “gan cùng mình” này khó thể nói vì “không biết”?
Có một điều tôi hiểu rất rõ là Nhà nước phân công mình đi làm những việc mà mình thiếu kiến thức. Chính vì vậy tôi ước ao quanh mình có những bậc thầy để học hỏi. Tôi thừa nhận đây là chỗ tôi động tâm tư lợi từ các anh trong nhóm Thứ Sáu. Khi Cholimex được thành lập, tôi được phân công làm trưởng phòng kế hoạch, anh Hồng Tôn Như (anh Ba Hòa) làm giám đốc, hai anh thương gia người Hoa được chọn làm phó giám đốc. Phòng kế hoạch của tôi được vài người biết về kinh tế như anh Trần Bá Tước, anh Phan Thành Chánh và một vài nhân viên. Anh Tước, anh Chánh và sau này có thêm nhiều anh em nữa trở thành “nhóm Thứ Sáu” như nhiều người biết.
Những anh em vào sau như anh Đỗ H. M., tốt nghiệp Quốc gia Hành chánh, học thêm ở Mỹ, từng làm việc ở Tổng cục Tiếp liệu dưới chế độ cũ. Đi cải tạo về, anh phải tự kiếm việc làm. Tuy nhiên, với lý lịch là người đi cải tạo về rất khó xin việc. Nếu không có chỗ làm, hằng tuần anh phải ra trình diện, báo cáo với nhà chức trách trong tuần đã đi đâu, làm gì.
Nghe anh trình bày nguyện vọng có một chỗ làm ở Cholimex để khỏi hằng tuần phải lên trình bày với địa phương, tôi cảm thấy xót xa cho người có học vấn. Tôi dốt như thế mà có việc làm, trong khi người có trình độ như anh lại không được xã hội trọng dụng.
Tôi quyết định nhận anh vào làm việc với vị trí cố vấn giám đốc, lương tháng 200 đồng – bằng lương giám đốc, chỉ thua tôi 60 đồng phụ cấp chức vụ. Tôi đề nghị anh hằng ngày đọc báo, có tin tức liên quan đến Công ty thì nhắc tôi. Ngoài ra, tôi nhờ anh coi giùm nội dung công văn đến mà nhiều khi tôi đọc cũng không hiểu hết, cũng như rà soát lại nội dung công văn của Công ty trước khi gởi đi.
Tôi không yêu cầu anh phải có mặt tại Công ty ngày 8 tiếng (sáng đến Công ty chiều có thể nghỉ, hoặc ngược lại). Tôi yêu cầu cấp dưới nếu muốn sử dụng năng lực của anh thì phải có thái độ như tôi: xem anh như người thầy, tránh cho anh bị tổn thương. Lần lần, tôi có 6, 7 ông thầy cố vấn trong biên chế Công ty và nhiều ông thầy khác ở ngoài Công ty. Dần dần các anh đều xem tôi như bằng hữu.
____
Nhiều cố vấn mang “lý lịch” như vậy liệu có “lời ra tiếng vào”?
Cũng có bị hỏi đến. Tôi nói mình dốt nên cần nhiều người. May mà mấy ông ở trên có lẽ cũng thông cảm nên không đặt vấn đề gì. Anh em sinh hoạt định kỳ vào chiều thứ Sáu hằng tuần. Lâu lâu mấy ông lớn cũng xuống nghe, chẳng hạn như Bí thư Thành ủy Võ Trần Chí, ông Trần Bạch Đằng, anh Năm Nghị, anh Tư Triết…
Tôi nghĩ chính mức độ quan tâm của lãnh đạo đối với dân, đối với đất nước càng cao càng sâu, các ông sẽ nhẫn nại hơn, chịu khó nghe những lời trái tai của người dân nhiều hơn.
Làm giám đốc Cholimex nên tôi có điều kiện tham dự nhiều cuộc họp của thành phố. Trình bày ý kiến mà lãnh đạo thấy hay, hỏi tới là tôi khai “lai lịch” liền: ý này tôi học từ ông Huỳnh Bửu Sơn, ý kia tôi mót của ông Lâm Võ Hoàng… Lãnh đạo thành phố muốn hiểu sâu hơn thì gặp trực tiếp từng người. Nhờ vậy mà nhóm Thứ Sáu lần lần hiện diện trước những lãnh đạo thành phố và với ông Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) sau này.
____
Trong xã hội đức trị, cơ hội người hiền xuất thế tùy thuộc vào người lãnh đạo. Nhưng ngay cả khi lãnh đạo có lòng, mà người hiền không có đất để thể hiện thì số phận phải chăng cũng như “vàng trong cát”?
Tôi không nghĩ như vậy. Nếu có lòng, nhà lãnh đạo sẽ luôn tự vấn hình như những điều mình đang làm chưa đủ cho dân. Khi ấy, chỉ cần một thằng cù bất cù bơ la lên chỗ này, chỗ kia làm được chuyện này chuyện nọ, thì ông ấy cũng tự tìm đến. Tôi nghĩ chính mức độ quan tâm của lãnh đạo đối với dân, đối với đất nước càng cao càng sâu, các ông sẽ nhẫn nại hơn, chịu khó nghe những lời trái tai của người dân nhiều hơn. Giống như mẹ thương con, khi con bệnh nặng thì cầu thầy chữa bệnh bất kể lang băm hay thầy bùa, miễn trị được bệnh cho con.
Tôi biết nhiều khi anh em trong nhóm Thứ Sáu góp ý kiến cũng nói “bạt mạng lắm” mà các ông vẫn “trân mình nghe” (qua bài viết của ông Hai Chí và ông Sáu Dân trong cuốn Kỷ niệm 15 năm nhóm Thứ Sáu thì rõ, tôi không nhắc lại ở đây).
____
Rời Cholimex, ông nhận nhiệm vụ xây dựng khu chế xuất. Vì đâu ông lại chọn Nhà Bè?
Sau khi có quyết định xây dựng khu chế xuất, tôi bỏ ra gần hai năm khảo sát địa điểm. Ban đầu tôi chọn Tân Cảng nhưng phương án được duyệt lại là Cát Lái. Sau hơn một năm triển khai nhưng không thu hút được nhà đầu tư, ý kiến của tôi mới được xem xét.
Lúc ấy tôi quyết định về Tân Thuận Đông. Khu đất 300 ha giáp cảng Sài Gòn, gần quận 4 và quận 8 dồi dào lực lượng lao động, cũng không quá xa trung tâm thành phố, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ dịch vụ chất lượng cao của nhà đầu tư sau giờ làm. Nhà Bè tiếp giáp với 5 nhánh sông gồm sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Nhà Bè, ra biển xuôi theo hai ngả là sông Soài Rạp và Lòng Tàu.
Tôi chọn mô hình khu chế xuất xuất phát từ cân bằng lợi ích của các bên liên quan.
Về phía Nhà nước, vừa mong muốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, lại vừa e ngại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tranh mua nguyên vật liệu đầu vào, cũng như cạnh tranh đầu ra với doanh nghiệp trong nước tại thị trường nội địa. Hóa giải mối lo này, mô hình khu chế xuất là phù hợp nhất với tình hình nước ta lúc bấy giờ. Khu chế xuất chỉ sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu, đồng thời xuất khẩu toàn bộ thành phẩm. Nhà đầu tư chỉ tận dụng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam gồm giá lao động, chi phí điện nước, tiền thuê đất đai…
Mơ ước của tôi không dừng lại ở việc lấp đầy 300 ha Khu chế xuất Tân Thuận. Tôi muốn Nhà Bè cùng phát triển. Do đó đề nghị xây dựng một con đường kết nối khu chế xuất với bên ngoài, chính là đại lộ Nguyễn Văn Linh ngày nay. Đường này cũng phá thế độc đạo của đường Nguyễn Tất Thành kết nối từ quận 4.
Trục đường này có hai làn xe, chắc chắn sẽ quá tải khi nhà đầu tư lấp đầy khu chế xuất. Giấy phép ghi đường rộng 60m. Khu chế xuất Tân Thuận hoạt động được khoảng 3 năm, chúng tôi bắt đầu tiến hành xây dựng tuyến đường Nguyễn Văn Linh, vì tuyến đường này từ Khu chế xuất Tân Thuận chạy xuyên qua vùng Bắc huyện Nhà Bè, Nam Bình Chánh nối vào Quốc lộ I.
Mục đích không chỉ là tăng thêm đường thoát ra của Khu chế xuất Tân Thuận mà còn nhằm phát triển vùng đất ngoài Khu chế xuất Tân Thuận, do đó chúng tôi đề nghị dọc theo tuyến đường này cấu tạo ra một đô thị diện tích 2.600 ha được gọi là Khu đô thị Nam Sài Gòn. Do đó tuyến đường xin mở rộng ra 120m. Nhưng đại diện ngành giao thông chỉ cho 18m do “vùng này ngập mặn, không có dân, đường đâu có ai đi”.
Phát triển khu Nam là chương trình quá lớn, quá quan trọng mà suốt cuộc đời tôi không có cơ hội thứ hai.
May mà ông Võ Trần Chí giải cứu. Ông nói để ông thuyết trình. Ông Chí nói rằng đường do nhà đầu tư nước ngoài làm, chỉ thu phí đủ để duy tu, không chia lời, nếu không có nhiều xe chạy, thành phố cũng không mất gì, tại sao chúng ta không cho thực hiện. Thế là độ rộng tuyến đường được thông qua. Rõ ràng vai trò lãnh đạo dám chịu trách nhiệm là hết sức quan trọng.
____
Giá đất ăn theo hạ tầng. Là người trong cuộc, nhưng nhiều bằng hữu của ông đều khẳng định Phan Chánh Dưỡng không có “cục đất chọi chim” ở khu Nam Sài Gòn…
Tôi biết khi có đường thông thương giá đất sẽ tăng là tất yếu. Nhưng tôi sợ việc mình động tâm đi đầu cơ trục lợi sẽ tạo cơ hội cho người ta quy kết rằng vì mua trước tài sản nên tôi mới quyết tâm làm bằng được con đường. Chưa biết chừng còn bị điều động đi nơi khác. Phát triển khu Nam là chương trình quá lớn, quá quan trọng mà suốt cuộc đời tôi không có cơ hội thứ hai. Tôi quyết tâm cho đề án này, nên không dám nghĩ đến những gì có thể cản trở đề án.
____
Ông không động tâm nhưng người khác động tâm. Quy hoạch tổng thể khu Nam Sài Gòn đã bị xé nát. Mới đây, nhiều quan chức cỡ bự của thành phố xộ khám vì bán rẻ cổ phần SADECO cho nhà đầu tư tư nhân. Được biết, SADECO do IPC thành lập dưới thời ông làm lãnh đạo, được giao quản lý quỹ đất khá lớn ở khu Nam Sài Gòn…
Quy hoạch tổng thể Nam Sài Gòn bám theo trục đường Nguyễn Văn Linh dài 17,8km. Ngoài 600 ha liên doanh giữa UBND TP.HCM và CT&D phát triển khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng và những công trình công cộng, trong đó có đường Nguyễn Văn Linh (210 ha), thành phố còn 1.600 ha chưa đền bù giải tỏa.
Năm 1993, IPC thành lập Công ty cổ phần Nam Sài Gòn (SADECO) để thực hiện nhiệm vụ này. Cổ đông gồm các công ty quản lý nhà trực thuộc 17 UBND quận huyện và 4 doanh nghiệp quốc doanh lớn của TP.HCM. Thông qua công ty cổ phần này, các cổ đông có thể tham gia xây dựng Khu đô thị Nam Sài Gòn như vai trò của liên doanh Phú Mỹ Hưng.
Các quận huyện cũng có thể sử dụng quỹ đất (bình quân mỗi đơn vị hành chính có 50 ha) này để di dân, thực hiện chỉnh trang những khu dân cư hiện hữu trong thành phố cũ. Đối với những người dân sinh sống, canh tác trong khu vực 1.600 ha, tôi đề xuất phương án giải tỏa theo tiến độ. Nhưng thay vì đền bù một lần, người dân có đất được khuyến khích quy đổi thành cổ phần của SADECO, tức người dân trở thành cổ đông. Hoa lợi người dân bị thiệt hại do góp đất vào SADECO để phát triển dự án được bù đắp bằng tiền lãi thu được từ khu chế xuất. Còn 15 triệu USD mà CT&D cho IPC vay sẽ được sử dụng để phát triển dự án.
Theo tính toán của tôi, sau 7 năm thì những dự án trong quy hoạch tổng thể mà SADECO phát triển bắt đầu có thu. Người dân khu Nam tham gia góp cổ phần bằng đất vào SADECO hưởng cổ tức, IPC chấm dứt nghĩa vụ hỗ trợ thu nhập tính theo hoa lợi thường niên.
Tuy nhiên, đề xuất của tôi bị bác bỏ. Lý do người ta phản đối là phòng trường hợp dự án thất bại, người dân sẽ mất vốn. Mãi sau này tôi nghe dư luận mới biết quyền sử dụng đất trong khu vực 1.600 ha một phần nào đó đã được chuyển nhượng ra ngoài. Đất đai là tài sản phải đăng ký. Quy đổi thành cổ phần sẽ lộ ra ai là chủ đất nên đề án khó thông qua. Rất tiếc thành phố mất một cơ hội lớn để chỉnh trang.
____
Trong bài viết giới thiệu cuốn sách, nhà báo Trần Trọng Thức có đề cập đến chuyện ông bị “thay ngựa giữa dòng”. Có khi nào ông cảm thấy hối tiếc vì đã không thể ở lại lâu hơn, để có thể cống hiến được nhiều hơn?
Khu Nam Sài Gòn cũng đã định hình khi tôi nhận quyết định nghỉ hưu. Tôi không có lợi ích cá nhân ở vùng đất này để sống chết ở lại thêm vài ba năm. Người Hoa có một câu châm ngôn: “Chặn đường “tài lộc” của người, bị xem như kẻ thù giết cha, giết mẹ”. Thật khiếp!