Ngày 15-3 Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (HMCC) và Karcher – nhà cung cấp hàng đầu thế giới về công nghệ làm sạch, phối hợp thực hiện Dự án làm sạch Cổng Ngọ Môn, Đại nội Huế trong vòng 15 ngày kể từ ngày 15.03.2019.
Dự án nằm trong chuỗi chương trình Tài trợ văn hóa của tập đoàn Karcher bắt đầu từ năm 1980 giúp bảo tồn các công trình văn hóa, di tích lịch sử nhờ vào đội ngũ chuyên gia làm sạch của thương hiệu đảm trách.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chia sẻ: “Chúng tôi rất trân trọng những đóng góp của Karcher trong việc bảo tồn và phục hồi nguyên trạng Cổng Ngọ Môn, kinh thành Huế, đặc biệt là những đóng góp của đội ngũ chuyên gia dày dặn kinh nghiệm của Karcher. Đây là một dự án vô cùng ý nghĩa khi có thể giúp bảo tồn những công trình di tích lịch sử, đồng thời giữ lại giá trị nghệ thuật vốn đã rất lâu đời của một trong những di tích kiến trúc thời Nguyễn trong quần thể di tích cố đô Huế”.
Cổng Ngọ Môn được xây dựng tại Kinh thành Huế vào năm 1833 dưới thời vua Minh Mạng thứ 14 với tường cơ sở kiểu pháo đài được làm bằng gạch và đá vôi. Trải qua 186 năm tồn tại, di tích này đang trong tình trạng tổn hại do phát triển các loại tảo, rêu, nấm, vi khuẩn và địa y trên bề mặt, đồng thời hiện trạng bề mặt hư hại cũng tạo điều kiện các loại cây con bén rễ qua các mối nối và vết nứt tại cổng thành.
Với mục tiêu bảo tồn di tích lịch sử này, Karcher Việt Nam và đội ngũ chuyên gia làm sạch giàu kinh nghiệm đến từ Đức hợp tác cùng HMCC tiến hành sử dụng các máy phun rửa áp lực cao nhằm loại bỏ các hiện tượng ô nhiễm sinh học bám lâu năm trên công trình Cổng Ngọ Môn.
Theo đó, phương án của Karcher sẽ áp dụng công nghệ Phun rửa áp lực cao ở chế độ hơi nước nóng (steam cleaning). Hệ thống gia nhiệt của máy sẽ đun hơi nước đến nhiệt độ lên đến 100°C (nhiệt độ bình 155°C). Sau đó, thông qua 1 đầu phun đặc biệt để tăng áp và tạo ra luồng hơi nước nóng với áp lực 0.5-1 bar phun lên bề mặt cần làm sạch.
Cơ chế này sẽ giúp loại bỏ hoàn toàn các loại chất bẩn / ô nhiễm sinh học trên bề mặt đồng thời tiêu diệt vi khuẩn, nấm mốc cư trú sâu hơn bên trong các lỗ đá ở dưới bề mặt nhờ vào nhiệt độ cao của nước nóng. Điều này đồng nghĩa với việc làm chậm thời gian phát triển trở lại của các tầng sinh học gây hại này.
Ông Trần Trọng Hải, Tổng Giám Đốc công ty Karcher Việt Nam chia sẻ, “Tôi rất tự hào khi có thể hợp tác cùng HMCC thực hiện dự án vô cùng ý nghĩa này. Với tư cách là chuyên gia trong lĩnh vực làm sạch, Karcher luôn sẵn sàng hỗ trợ tư vấn HMCC nói riêng cũng như các tổ chức bảo tồn khác để đưa ra các giải pháp làm sạch phù hợp với từng trường hợp cụ thể, cho dù là công tác làm sạch để bảo tồn di tích hay các hoạt động khác liên quan đến vấn đề vệ sinh và an toàn cho du khách tại các điểm tham quan trên cả nước. Karcher sẽ luôn dành một khoản ngân sách hằng năm nhằm phục vụ cho các hoạt động hỗ trợ văn hóa tương tự tại Việt Nam, để từ đó góp phần nâng cao nhận thức và sự quan tâm của cộng đồng địa phương đối với công tác bảo tồn Di sản Văn hóa Huế nói riêng và các di sản khác trên cả nước nói chung”.
Dự án làm sạch di tích ở Huế do Thorsten Marco Mowes (chuyên gia ứng dụng công nghệ làm sạch và vệ sinh) và Andrea Teufel (chuyên gia bảo tồn của Đức đã có 15 năm gắn bó với khu di sản Huế) chủ trì thực hiện.
- Xem thêm: Người phụ nữ Đức sống với di sản Huế
Dự án làm sạch Cổng Ngọ Môn, Kinh thành Huế nằm trong chương trình Tài trợ văn hóa của tập đoàn Karcher từ năm 1980 và đến nay đã có hơn 140 dự án làm sạch được Karcher thực hiện trên toàn thế giới.