Nhớ mưa Thuận Thành/ Long lanh mắt ướt/ Là mưa ái phi/ Tơ tằm óng chuốt (Hoàng Cầm, Mưa Thuận Thành)
Thi sĩ Hoàng Cầm đã dùng tám “nhịp” để dựng lại một vùng Kinh Bắc của văn hóa, con người, của lịch sử và thời gian trong một khí quyển thơ ca ấn tượng và đượm hoài nhớ.
Kinh Bắc của Hoàng Cầm là những “trai thời Trần”, “gái Hậu Lê”, với những hội Gióng, hội Vân Hà, thi đánh đu, thi ăn mía thổi cơm… Với bề dày văn hoá lịch sử như vậy, chẳng lạ gì khi một nhà văn vốn sinh ở Huế, trưởng thành và gắn bó với Hà Nội như Ngọc Giao (1911 – 1997) lại có cảm giác gần gũi với vùng đất Kinh Bắc đến thế.
“Dưới chân đê Cao Lãnh, cánh đồng vắng ngắt. Bầu trời có những đám mây bông xốp, ngạo nghễ dựng lên như núi. Giữa những vạt cỏ may phơ phất, tiếng cào cào nhảy kêu canh cách, buồn tẻ. Chỗ này chỗ nọ, những thửa ruộng trồng đay úng nước, lá trút trơ cả thân khiến cảnh vật càng thêm hiu quạnh” (truyện ngắn Cô gái quê).
Chỉ vài nét phác họa, Ngọc Giao ghi lại một bức tranh đồng quê, một bức tranh tĩnh, đóng khung vạn vật vào cái buồn hắt hiu của nông thôn Bắc bộ. Tác giả cho ta thấy những ấn tượng đầu của ông về một Kinh Bắc buổi giao thời, khi ánh tà dương của một dĩ vãng phong kiến le lói những phút cuối kháng cự lại sự chiếm đoạt của văn minh Tây phương dưới cánh áo thực dân Pháp. Rồi sau đó là một đêm dài của chiến tranh và chia cắt.
Ta quen gọi thời của Ngọc Giao cũng như thời của phần lớn nhân vật của ông là “thời tiền chiến”. Thời mà chủ đề lớn là giải phóng cá nhân, cuộc phân tranh giữa cựu thời và tân thời mà Lưu Trọng Lư đã nói vào năm 1934: “Các cụ ta ưa những màu đỏ choét, ta lại ưa những màu xanh nhạt. Các cụ nao nao vì tiếng trùng đêm khuya, ta bâng khuâng vì tiếng gà lúc đúng ngọ. Nhìn một cô gái xinh xắn ngây thơ, các cụ coi như đã làm một điều tội lỗi, ta thì ta cho là mát mẻ như đứng trước một cánh đồng xanh… Cái ái tình của các cụ chỉ là sự hôn nhân, cái ái tình của ta thì trăm hình muôn dạng: cái tình say đắm, cái tình thoảng qua, cái tình gần gũi, cái tình xa xôi, cái tình trong giây phút, cái tình ngàn thu”.
Ngọc Giao đã diễn tả tâm thế lưỡng nan của một người gắn bó với nguồn cội Kinh Bắc nhưng cũng bị hấp dẫn bởi ánh sáng kinh kỳ Hà Nội. Tuyển truyện ngắn Ngọc Giao vừa được NXB Trẻ xuất bản năm nay với tên chung Những đêm sương, đã tỏ rõ ý này khi chia truyện ngắn Ngọc Giao thành hai phần: Quê hương Kinh Bắc và Hà Thành hoa lệ.
Dù quê mùa hay hoa lệ, những truyện này đều được bọc trong một giọng trữ tình, man mác hoặc đượm buồn như thể dự cảm về một thời sắp mắt. Ngọc Giao tìm về chút niềm quê mà ông coi là “may mắn cho tôi là lại được trở về quê, chứ cái tuổi thơ dại của tôi mà cứ bị đày đoạ mãi ở các thị thành, bỡ ngỡ không được ai gìn giữ, không được ai dạy bảo thì không biết tôi sẽ phạm những tội lỗi gì” (truyện Buồn vương mây khói).
Nhưng ở chốn nào thì nhiều truyện của ông vẫn phảng phất chút dư vị ái tình, mà ái tình trong truyện Ngọc Giao cũng muôn hình vạn trạng như Lưu Trọng Lư nói. Đôi khi, ái tình còn nhuốm màu tội lỗi (truyện Lucie và Những đêm sương). Vào cái thời mà nhiều người vẫn cho các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng là “dâm”, hẳn những truyện như Ngọc Giao phải được xem là táo bạo.
Với một sự nghiệp độ chừng 20 năm với khoảng 300 truyện ngắn (chưa kể tiểu thuyết, ký) hẳn những truyện ái tình Ngọc Giao cũng đã thỏa mãn một lớp công chúng đương thời. Nhưng còn độc giả hôm nay thì sao? Ta đâu chỉ đọc Ngọc Giao như đọc hoài niệm hay một khảo cứu về nết ăn ở, xã hội một thời. Ta còn thấy ở đó chút lương thiện, chút hy vọng chưa bị gãy đổ. Như cách ta đọc Bút ký người đi săn của Turgenev dẫu chế độ nông nô đã xa xôi.
Ngọc Giao khép lại truyện Cô gái quê bằng một hình ảnh đối xứng với đoạn mở đầu: “Đôi chim chào mào cất tiếng hót lảnh lót trên cây sung cổ thụ bờ ao bên kia, sung chín mọng rụng lõm bõm. Một chú cá diếc phóng vọt lên, làm thành một gợn trong trên mặt ao thu trong vắt. Nó gợi cho ta cảm giác ấm áp giữa cảnh hiu quạnh của khu trại buổi sáng hôm ấy”. Cái ấm áp sẽ thiếu vắng dần sau đó, và phải chăng vì thế mà Ngọc Giao gần như phong bút kể từ sau năm 1954?
Đọc Ngọc Giao hôm nay, trong buổi khó khăn trăm bề vì dịch bệnh, có lẽ độc giả còn tìm được chút gì yên bình, giản dị mà dù buồn bã như thế nào vẫn còn đó một sự tin tưởng, nương tựa vào thứ giá trị tinh thần mà ta khó lý giải được.