Chu Văn An, tức Chu An (1292-1370, nay tròn 650 năm mất), hiệu Tiều Ẩn, tên chữ Linh Triệt, người thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay thuộc xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội). Sau khi đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ), ông không ra làm quan mà về mở trường dạy học làm tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy thái tử Trần Vượng, sau là vua Trần Hiến Tông (1319-1341). Ông mất năm Canh Tuất (1370), được triều đình truy tặng tước Văn Trinh công, ban tên thụy là Khang Tiết và cho được thờ ở Văn Miếu.
Người đời sau nhắc tới Chu Văn An là nhớ tới một tấm gương cương trực, nhớ tới bài Thất trảm sớ của ông. Bản thân Thất trảm sớ không được Trần Dụ Tông nghe theo, nhưng tinh thần bài sớ vẫn còn. Đó là tiếng nói kiên quyết chống lại bọn người bất nhân, có quyền thế nhưng lại là hạng bất tài, sâu mọt. Khâm phục tinh thần Chu Văn An, nhà sử học nổi tiếng thế kỷ XV là Lê Tung trong Việt giám thông khảo tổng luận đã ghi nhận: Thất trảm chi sớ, nghĩa động quỷ thần (Lá sớ đòi chém bảy tên, nghĩa khí chấn động cả quỷ thần).
Sách Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng (1374-1446) đặt rõ tên thiên sách là Văn Trinh ngạnh trực (Sự cương trực của Văn Trinh)… Đến sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng chép tương tự: “An (người Thanh Đàm), tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, không cầu lợi lộc. Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ. Như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát đã làm hành khiển mà vẫn giữ lễ học trò, khi đến thăm thầy thì lạy hỏi ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu rồi đi ra thì lấy làm mừng lắm. Kẻ nào xấu thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào.
Ông là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt đáng sợ đến như vậy. Minh Tông mời ông dạy thái tử học. Dụ Tông ham chơi bời, lười chính sự, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép nước. An khuyên can, Dụ Tông không nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ quyền thế được vua yêu. Người bấy giờ gọi là “Thất trảm sớ”. Sớ dâng lên nhưng không được trả lời, ông liền treo mũ về quê. Ông thích núi Chí Linh, bèn đến ở đấy. Khi nào có triều hội lớn thì đến kinh sư. Dụ Tông đem chính sự trao cho ông, ông từ chối không nhận.
Hiến Từ thái hoàng thái hậu bảo: “Ông ta là người không thể bắt làm tôi được, ta sai bảo thế nào được ông ta?”. Vua sai nội thần đem quần áo ban cho ông. Ông lạy tạ xong, liền đem cho người khác hết. Thiên hạ đều cho là bậc cao thượng. Đến khi Dụ Tông băng, quốc thống suýt mất, nghe tin các quan đến lập vua, ông mừng lắm. Chống gậy đến xin bái yết, xong lại xin trở về quê, từ chối không nhận chức gì. Khi ông mất, vua sai quan đến tế, ban tặng tên thụy, ít lâu sau lệnh cho tòng tự ở Văn Miếu”…
Chu Văn An là người học rộng biết nhiều nhưng ông không ham quan tước, giàu sang. Sinh thời ông dành phần lớn cuộc đời mình cho việc mở trường dạy học, đào luyện học trò thành người tài ra cứu đời giúp nước. Truyền thuyết dân gian còn kể rằng ngay cả con vua Thủy tề cũng mang bút nghiên đến xin làm học trò. Đó là tất cả những bằng chứng xác nhận uy tín sư phạm và đức độ của thầy An.
Về sự nghiệp thơ văn, Chu Văn An còn để lại 12 bài thơ chữ Hán. Coi mình là dòng sông Vị trong xanh, Chu Văn An tin vào phẩm chất cá nhân mình. Ông tin lẽ phải thuộc về mình và tin rằng việc mình đứng tách biệt khỏi dòng đời lầm đục kia là đúng. Ông đề cao việc giữ gìn khí chất riêng ấy:
Sen dưới khe điểm trên mặt nước không bợn
chút phàm tục,
Măng đồng nội trồi ra khỏi dậu, chẳng phải
khí tiết tầm thường.
(Đầu mùa hè)
Trong niềm tâm sự riêng dường như Chu Văn An vẫn mong muốn triều đình nhà Trần cần phải tỉnh táo, cần tới một sự đổi thay, cách tân. Nhà thơ thấy rõ nhà Trần đang bước tới chỗ tiêu vong và trông đợi sự xuất hiện bậc thánh minh qua bài thơ Miết trì:
Trăng nước bên cầu đùa giỡn bóng chiều hôm,
Hoa sen, lá sen yên lặng tựa nhau.
Cá bơi ao cổ, rồng ở chốn nào ?
Mây đầy núi vắng, hạc chẳng thấy về !
Mùi quế già bay theo gió thơm ngát con đường đá,
Rêu non đẫm nước che lấp cánh cửa thông.
Tấc lòng này hẳn chưa nguội lạnh như tro đất,
Nghe nói đến Tiên hoàng luống gạt thầm giọt lệ.
Rõ ràng là khi không chấp nhận, không bằng lòng với hiện tại thì hoặc người ta hy vọng một sự đổi thay trong tương lai xa xôi hoặc sẽ hoài cảm coi quá khứ như một chuỗi ngày đẹp đẽ. Bài thơ Miết trì biểu hiện rõ cả hai sắc thái đó. Một mặt nhà thơ thấy cuộc đời mình trong hiện tại chỉ là “cá bơi ao cổ”, “mây đầy núi vắng” rồi đặt câu hỏi “rồng ở chốn nào?”.
Nhà thơ vừa mơ ước có một minh chúa xứng đáng với lòng tin và sự ngưỡng mộ của mình vừa than thở “hạc chẳng thấy về!”. Mặt khác, Chu Văn An lại vọng nhớ nhà Trần, nhớ Tiên hoàng như nhớ một thời oanh liệt hào hùng đã qua đi. Nhưng tất cả niềm tâm sự đó mới chỉ là sự không bằng lòng với thực tại chứ ông không phản ứng lại thực tại. Đúng hơn là ông phản ứng lại thực tại bằng cách bất hợp tác với nhà Trần, lui về ở ẩn và dạy học mà không nhằm chống đối, cải biến thực tại đó.
Mang trong lòng nỗi bất đắc chí vì thức nhận cuộc sống “bất phùng thời”, không được trọng dụng, vì lẽ phải và điều tốt lành bị vùi dập, cho nên việc tìm đến nghề dạy học là việc làm có ý thức của Chu Văn An. Bằng nghề dạy học, ông nghĩ mình sẽ góp công đào tạo lớp người có đức, có tài ra cứu đời giúp nước. Tiếc thay, dù ông có luyện thành tài cho một lớp người như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát thì những tài năng đó vẫn không cứu vãn nổi bước suy vong tất yếu của nhà Trần. Tất cả vẫn nguyên là những cảm nhận chua chát mà nhà nghệ sĩ đã mường tượng thấy từ lâu: “Già gặp thời sáng sủa, biết chẳng ích gì” (Họa vần tặng Thuỷ Vân Đạo nhân).
Sống vào giai đoạn thịnh – vãn Trần (chữ của GS. Trần Quốc Vượng), Chu Văn An hòa giải thế giới nội tâm bằng việc tìm về thiên nhiên và cuộc sống bình dị. Ông viết trong bài Linh Sơn tạp hứng:
Muốn lớp núi xanh tụ lại như bức bình phong vẽ,
Bóng chiều nhạt dọi tới sáng nửa lòng khe.
Trong lối cỏ biếc, không người đến,
Thỉnh thoảng một tiếng chim thước kêu trong khói mờ.
Đến bài Xuân đán, Chu Văn An như cách biệt với cõi người cõi đời, nhập thần với cảnh nước mây và xác định tâm thế thanh thản, an nhiên, tự chủ, tự tại:
Trên non nhà vắng buổi thanh nhàn,
Chênh chếch phên tre rét nhẹ nhàng.
Biếc ngát trùm mây trời chếnh choáng,
Hồng dầm hoa lúc móc chưa tan.
Thân cùng mây chiếc khôn dời núi,
Lòng với hồ xưa chẳng gợn làn.
Hương bách tiêu tan trà hết khói,
Chim kêu bên suối mộng xuân tàn.
(Đào phương Bình dịch)
Cuộc đời Chu Văn An là tấm gương sáng về lòng ngay thẳng, cương trực. Ông còn là nhà sư phạm tài ba có ảnh hưởng sâu rộng trong đội ngũ trí thức nhà nho đương thời cũng như các đời sau. Với 12 bài thơ còn lại, Chu Văn An thể hiện niềm tâm sự trĩu nặng buồn thương trước thời cuộc và phản ánh đúng tâm trạng các nhà nho ưu thời mẫn thế cuối triều Trần.
Thơ ông bộc lộ sâu sắc tư tưởng, tình cảm nhà ẩn sĩ nặng lòng với cuộc đời mà tự biết mình không có cách nào cứu vãn nổi tình thế ngày càng bộc lộ rõ những mặt trái. Niềm tâm sự đầy tính bi kịch và những việc làm trong cuộc đời nhà trí thức, nhà giáo, nhà nghệ sĩ Chu Văn An mãi mãi vẫn là niềm trăn trở của bao thế hệ mong muốn hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.