Với khá nhiều nhà đầu tư, việc chọn lựa cổ phiếu, công ty để đầu tư đơn thuần chỉ là vấn đề của những con số. Tuy nhiên, cũng có không ít nhà đầu tư hiện nay thành công với trường phái đầu tư thiên về con người, mà ở đó, việc đánh giá giám đốc điều hành (CEO) là bước đi tiên quyết cho mọi vấn đề.
Theo Paul Meeks, chuyên gia đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, cựu giám đốc đầu tư của Merrill Lynch từ năm 1998-2002, hiện là giám đốc đầu tư của Công ty Tài chính Sloy, Dahl & Holst, nhà bình luận tài chính trên kênh CNBC, website đầu tư GoBankingRates.com… thì yếu tố con người chính là thứ quan trọng nhất ông tìm kiếm ở mỗi công ty.
“Là nhà đầu tư, đặc biệt là trường phái đầu tư giá trị, bạn thường là người cuối cùng được nhận khoản tiền lợi tức, nhưng lại là người đầu tiên bị ảnh hưởng khi công ty thua lỗ. Bởi vậy, hiểu rõ ai đang làm việc cho bạn là điều mà các nhà đầu tư nên ưu tiên” – Paul Meeks nhìn nhận.
Quyết đoán, kiên định nhưng linh hoạt
“Quyết đoán và kiên định, đó là yêu cầu đầu tiên và quan trọng nhất với một người lãnh đạo, bởi nó không chỉ thể hiện sự tự tin, sự quyết tâm, mà còn là thứ giúp nhà điều hành có thể đưa công ty vượt qua mọi khó khăn để lên tới đỉnh vinh quang – Paul Meeks ghi nhận – “Tuy nhiên, một nhà lãnh đạo hiệu quả còn cần phải linh hoạt. Bởi thế giới kinh doanh luôn không ngừng thay đổi, vì thế nếu không linh hoạt, nhà quản trị sẽ rất khó để chống chọi với mọi việc”.
Warren Buffett, huyền thoại đầu tư và là Giám đốc điều hành Công ty Đầu tư Berkshire Hathaway, là một người kiên định trong nhiều năm với triết lý tránh xa những cổ phiếu công nghệ. Theo đó, Warren Buffett từ chối mọi cơ hội để đầu tư vào công nghệ trong những năm 1990, bởi ông cho nó quá mới và quá bấp bênh.
“Môi trường công nghệ là nơi mọi thứ thay đổi quá nhanh. Nó có thể mang tới những cơ hội lớn, nhưng cũng đi kèm với sự thiếu ổn định và chắc chắn” – Trích bức thư năm 1996 Warren Buffett gửi đến cổ đông – “Chúng ta hoan nghênh những tiến bộ vượt bậc của thế giới, nhưng chúng ta bỏ qua những thương vụ đầu tư như vậy”.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi tác động từ công nghệ đã thay đổi phần lớn nhu cầu và thói quen của thế giới, với những đế chế công nghệ trị giá hàng tỉ USD được tạo dựng, Warren Buffett đã linh hoạt thay đổi góc nhìn. Theo đó, Warren Buffett hiện sở hữu cổ phiếu của cả Apple lẫn IBM.
Có tầm nhìn chiến lược
Một nhà quản trị có tầm nhìn chiến lược là người có thể thấy được cơ hội ở những nơi không ngờ nhất. Và một người như vậy sẽ tạo ra nguồn động lực to lớn không chỉ cho nhân viên mà còn cho chính anh ta.
“Hãy nhìn Jeff Bezos, nhà sáng lập và là Giám đốc điều hành của Amazon. Với tầm nhìn của mình, Jeff Bezos đã thấy được tương lai của internet, để khai thác và tạo ra một đế chế thống trị. Nếu năm 1997, thời điểm Amazon bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, bạn bỏ ra 5.000 USD để mua thì nay bạn có trong tay hơn 2 triệu USD. Tất cả là nhờ vào tầm nhìn của Bezos” – Paul Meeks phân tích.
Tuy nhiên, Paul Meeks cũng lưu ý rằng một người lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược thôi chưa đủ, mà còn phải xem cách người đó thực hiện tầm nhìn của mình: “Mỗi ngày tôi xem xét hàng trăm cơ hội đầu tư khác nhau. Nhiều nhà quản lý trong số này đều có một tầm nhìn khá tốt, tuy nhiên họ lại thiếu sự thực tế, tức là không có được sự chi tiết cần thiết trong lộ trình. Hãy nhìn lại Jeff Bezos, nếu anh ta không bắt đầu hành trình của mình bằng việc bán sách, cân nhắc chọn mặt hàng phù hợp để phát triển từ đầu, tôi tin chắc chúng ta khó mà có Amazon như ngày nay”.
Có kỹ năng tạo dựng mạng lưới
Theo Paul Meeks, thời kỳ của một nhà quản trị thần thông quảng đại cùng một đội ngũ tạo ra chỉ để phục tùng anh ta đã qua khá lâu. Ngày nay, một nhà quản trị cần có đội ngũ cố vấn giỏi và mạng lưới những người hỗ trợ anh ta đắc lực. Bởi đó mới là thứ giúp nhà đầu tư tin tưởng sẽ không có chuyện gì xảy ra với đồng tiền của họ.
“Chúng ta đều biết Warren Buffett là một thiên tài. Nhưng chúng ta không biết mạng lưới xung quanh Buffett mạnh tới đâu. Có thể nhiều người lạ lẫm với cái tên Charlie Munger, nhưng ông là một trong nhiều cá nhân đứng trong mạng lưới hỗ trợ đắc lực nhất cho Buffett. Năm 1959, Charlie Munger cùng Warren Buffett xây dựng Berkshire Hathaway. Khi Buffett là giám đốc điều hành kiêm chủ tịch của công ty, thì Munger giữ vai trò phó chủ tịch và không có vấn đề nào mà hai người không bàn bạc với nhau” – Paul Meeks phân tích.
Warren Buffett từng thỏa thuận mua lại Công ty Năng lượng Energy Future Holdings với giá khoảng 2 tỉ USD mà không hề bàn bạc gì với Charlie Munger. Và công ty này sau đó đã khiến Warren Buffett nhận về khoản lỗ hơn 900 triệu USD. “Một khoản lỗ khổng lồ mà tôi đã mang về và đó là quyết định tôi thực hiện mà không có sự bàn bạc nào với Charlie. Đó là một trong những sai lầm lớn nhất của tôi” – Warren Buffett thừa nhận.
- Tuấn Thành