“Tôi mang giày vào, chọn một cung đường lạ và chạy”. Đó là giải pháp mà chị Nguyễn Linh Chi, Giám đốc bộ phận Kỹ thuật số và Di động Công ty TNHH Havas Media Việt Nam, lựa chọn khi đứng trước những khó khăn trong cuộc sống hay khi phải đưa ra các quyết định quan trọng trong công việc. “Với tôi, chạy bộ giống như thiền động. Khi chạy, đầu óc tôi sẽ tỉnh táo để có thể đưa ra nhiều quyết định lớn”, chị Linh Chi cho biết. Cách đây ba năm, chị đã quyết định chinh phục cung đường Sài Gòn – Đà Lạt dài hơn 300km trong bảy ngày để tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Có nên nghỉ việc ở một tập đoàn lớn để bắt đầu công việc mới ở một công ty nhỏ ít tiếng tăm?”.
Chạy bộ – hành trình rèn luyện ý chí
Chị Nguyễn Linh Chi đã có tám năm gắn bó với Tập đoàn Unilever, từ những ngày mới tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương TP. Hồ Chí Minh. Vì vậy, khi được đề nghị về làm việc cho Havas Media, một công ty còn non trẻ trong lĩnh vực truyền thông số, chị đã đắn đo rất nhiều. Sau hành trình chạy bộ hơn 300km từ Sài Gòn – Đà Lạt, chị mới có thể đưa ra một quyết định dứt khoát.
Nguyễn Linh Chi bắt đầu hành trình của mình cùng một người bạn chạy bộ và hai người đạp xe. Trước đó, chị mới chỉ làm quen với những cung đường 21km trong một cuộc đua ở Siem Reap năm 2012. Quãng đường 100km trong hai ngày chạy đầu tiên trên chặng Sài Gòn – Đà Lạt, chị vượt qua tương đối dễ dàng. Nhưng đến ngày thứ ba, đôi chân Linh Chi trở nên đau đớn dữ dội, tưởng chừng như không thể nhấc lên nổi. Chị nhớ lại: “Tôi gần như đi bộ một mình suốt quãng đường 50km hôm đó vì những đồng đội khác đã chạy trước rất xa. Họ đến trạm dừng chân lúc 3 giờ chiều còn tôi thì mãi đến 9 giờ tối mới đến nơi”. Chị uống thuốc giảm đau để hỗ trợ cho đôi chân đau rã rời. Một cậu học sinh thấy chị đi tập tễnh trên đường tò mò hỏi: “Chị có muốn em chở đi không hay chị bắt xe bus đi một đoạn cho đỡ đau chân?”. Cậu bé không biết rằng với dân chạy bộ, ai cũng phải hoàn thành chặng đường đã đề ra, việc sử dụng “viện trợ” có thể xem như là gian lận trong thể thao.
Những ngày sau đó thì đôi chân chị càng “phản đối” quyết liệt hơn. Thậm chí chị mất đến 10 phút để bước xuống những bậc thang ngắn. Bước chân chị gần như kiệt sức dưới trời nắng như đổ lửa và cơ thể hầu như tiến lên phía trước bằng ý chí chứ không còn chút sức lực nào. “Mục đích của chuyến đi là để xem giới hạn chịu đựng của bản thân nên còn bước đi được thì tôi không bao giờ bỏ cuộc”, Linh Chi nói. Cuối cùng, chị cũng chinh phục thành công hành trình 300km, đạt được một giải thưởng lớn là được gặp và trò chuyện với nhiều người dân địa phương. Những câu chuyện không đầu, không cuối ấy đã cho chị một cái nhìn mới mẻ về cuộc sống. Chị quyết định thử sức với công việc mới và cảm thấy hài lòng với quyết định đó.
Thử thách gần đây mà Nguyễn Linh Chi tham gia là cuộc đua Angkor’s Ultra-Trail dài 128km trong 24 giờ. Chị sẽ không quên cung đường chạy qua các đền cổ vắng người hay những đồng không mông quạnh khi trời chưa kịp sáng. Chị cho biết: “Tôi đã từng tham gia nhiều đường chạy ngắn nhưng tôi thích chạy những đường địa hình như Angkor Wat Half Marathon, Sapa Mountain Marathon, Vietnam Victory Challenge (Đà Lạt)… hơn vì được thử nghiệm những cung đường lạ, cảnh vật mới mẻ và gặp gỡ nhiều người bạn mới”. Trong hành trình Sapa Mountain Marathon, chị cũng đã chinh phục 70km đường đồi núi trong 12 giờ, nhưng điều đó là xứng đáng để có thể ngắm nhìn toàn bộ khung cảnh tuyệt đẹp của núi rừng Sa Pa. Đây là hành trình tìm lại cảm giác, tìm sự trải nghiệm chứ không phải để tìm thành tích vì với người chạy bộ, hành trình quan trọng hơn đích đến (“the journey is more important than the destination”).
Thể thao không phải để biểu diễn
“Thể thao là phong cách sống, không phải để biểu diễn”, đó là câu nói mà chị Nguyễn Linh Chi rất tâm đắc. Câu nói này của Giáo sư Dương Nguyên Vũ, Giám đốc Viện John von Neumann, thành viên trong nhóm chạy bộ lâu năm tại TP. Hồ Chí Minh cũng đúng với điều mà tác giả Haruki Murakami viết trong cuốn sách Tôi nói gì khi nói về chạy bộ. “Người chạy không thực sự quan tâm chúng tôi có đánh bại một người chạy đua cụ thể nào không. Những người chạy đua đẳng cấp quốc tế, dĩ nhiên, muốn vượt hơn hẳn đối thủ ngang sức nhất với mình, nhưng có đối với người chạy đua trung bình, tầm thường chúng tôi, ganh đua cá nhân không phải là cái chính. Hầu hết người chạy bình thường được kích bẩy bởi một mục tiêu cá nhân hơn bất cứ gì khác: ấy là một mức thời gian mà y muốn vượt qua. Chỉ cần có thể chinh phục được mức thời gian ấy là y sẽ cảm thấy mình hoàn thành được cái y đã bắt tay làm, còn nếu không làm được, lúc ấy y sẽ cảm thấy mình chưa hoàn thành. Dù y không phá được kỷ lục thời gian mình mong muốn, song miễn sao y có được cái cảm giác mãn nguyện là đã làm hết sức mình – và có lẽ, đã có một khám phá có ý nghĩa nào đó về bản thân trong quá trình ấy – thì tự điều ấy đã là một sự hoàn thành, một cảm xúc tích cực y có thể mang theo qua cuộc đua kế tiếp” (Tôi nói gì khi nói về chạy bộ).
Hơn nữa, khi tập một cách nghiêm túc môn chạy bộ cũng như những môn thể thao khác, người chơi tự giác hình thành các thói quen tốt, tránh lặp lại các thói quen xấu. “Để có thể luyện tập sau giờ làm việc, tôi không còn thói quen đi chơi khuya với bạn bè. Để sáng hôm sau có thể dậy sớm chạy bộ, tôi cũng không còn thức khuya hoặc uống nhiều rượu bia vào đêm hôm trước. Việc dậy sớm còn giúp có thêm thời gian để làm những việc mình yêu thích một cách sảng khoái”, chị Linh Chi chia sẻ. Nhiều người bạn chơi thể thao của chị còn cho biết, khi đạt được một vóc dáng săn chắc sau một thời gian liên tục luyện tập đều đặn, người chơi sẽ tránh tối đa các loại thức ăn nhanh, thức ăn nhiều dầu mỡ, uống rượu bia để không bị “phá dáng”.
Theo Linh Chi, việc tham gia các nhóm chạy bộ là cơ hội để chị siêng năng tập luyện và thường xuyên tham gia các công tác xã hội hơn. Hiện nay, chị là thành viên tích cực của Quỹ học bổng BFF (Big Friend Foundation) cùng nhiều hoạt động thiện nguyện trên cả nước… Người mới chơi thể thao thì càng nên tập cùng những người bạn có kinh nghiệm. Thỉnh thoảng bạn cảm thấy nản chí thì tinh thần tích cực từ người tập cùng sẽ giúp chúng ta hoàn thành bài tập của mình.
Luyện tập chạy bộ nói riêng và thể thao nói chung cũng là dịp để lan truyền cách sống lành mạnh cho những người xung quanh. Chị Linh Chi đã vận động thành công nhân viên trong công ty của mình ra sân vận động một buổi mỗi tuần. Mùa Ironman 70.3 tổ chức ở Đà Nẵng vào tháng 5 sắp tới, chị cũng đã khuyến khích hai người bạn cùng tham gia. “Tôi cảm thấy rất vui khi có thể “dụ” thêm một người nào đó cùng chơi thể thao cũng như xây dựng một lối sống lành mạnh vì thể thao không đơn thuần là giảm cân, giữ dáng mà còn là cách rèn luyện ý chí và thái độ nghiêm túc một cách hiệu quả”. Trên đường chạy hẳn là có những lúc vận động viên muốn bỏ cuộc vì kiệt sức, nhưng với quyết tâm đủ mạnh mẽ thì hầu hết chúng ta đều có thể đến đích thành công. Rèn luyện ý chí cũng là cách để chúng ta vượt qua những khó khăn, thất bại trong cuộc sống.
- Thanh Nhã