Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về thành phố Chennai là các loại mùi hương ngào ngạt cũng như các loại âm thanh luôn ra sức tranh nhau vị trí chủ đạo. Dường như sức sống Ấn Độ đang cố gắng phơi bày hết mức ở thành phố nằm bên vịnh Bengan này.
Trong sự đông đúc và đầy màu sắc tại khu phố cổ Mylapore – thành trì của người Bồ Đào Nha trước đây, du khách sau khi quen với mùi hương hoa nhài ngọt ngào được bán khắp nơi sẽ bắt đầu cảm nhận được mùi thì là, mùi đinh hương, bạch đậu khấu và quế trộn lẫn trong món thịt biryani được nấu ở ngoài trời với những làn khói làm mờ mịt cả góc phố. Rồi từ từ, dãy cửa hàng thức ăn chay cho tới các xe bán bánh masala dhosas chiên cũng ra sức tỏa mùi vị hấp dẫn. Dù đã có một bữa sáng muộn với những đặc sản của vùng này như bánh hấp idli, bánh gạo dừa, bánh rán đậu lăng và cà phê sữa vùng Nam Ấn, chúng tôi vẫn ước sao có thể nếm hết các món đặc sản trên vỉa hè trong một buổi trưa ngắn ngủi.
Chuyện chỉ có trên đường phố Ấn Độ
Đó là về mùi hương, còn âm thanh của Chennai cũng đa dạng chẳng kém. Trên những con phố hẹp, nhiều du khách phát ngộp với sự chen chúc và ầm ĩ từ rất nhiều loại phương tiện di chuyển. Người đi bộ cũng tràn xuống lòng đường chung với xe máy, bò, xe tải, xe hơi, xe ba bánh… Hầu hết xe hơi đều không có kính chiếu hậu hoặc nếu có thì cũng gập lại bởi đường quá chật. Những ai thích tìm hiểu đời sống Ấn Độ thì có thể tìm được mấy điểm đặc biệt trong giao thông ở đây. Chẳng hạn về chiếc còi xe: Ở nhiều nước, sử dụng còi bị coi là bất lịch sự, còn ở Chennai, việc bấm còi được khuyến khích, thậm chí người ta còn sơn khẩu hiệu lên xe để nhắc nhở các bác tài đừng quên liên tục bấm còi. Nói về đèn xi nhan thì còn nhiều chuyện vui hơn. Theo lời giải thích của bác tài bản xứ, luật giao thông Ấn Độ yêu cầu phải dùng tay để xi nhan, dùng tay để ra hiệu đi thẳng, quẹo trái, quẹo phải, quay đầu, dừng xe… Vì luật không yêu cầu đèn xi nhan nên một số người giàu đi xe máy lạnh, sợ hạ kiếng xuống thò tay ra xi nhan thì mất hết hơi lạnh nên phải sơn chữ đỏ sau xe với nội dung: “Xe máy lạnh, không xi nhan bằng tay, chỉ xi nhan bằng đèn”. Nhiều người đi xe không máy lạnh nhưng muốn tỏ ra mình giàu có thì cũng kéo kính lên và ghi “Không xin nhan bằng tay”, rồi cắn răng chịu đựng cái nóng 40 độ C…
Đền Shore, kiến trúc có từ những năm 700-728 trước Công nguyên
Những bức tượng sống động trang trí cho mái đền Kapaleeswarar
Những khoảng lặng giữa phố đông
Trái ngược với sựầm ĩ trên đường phố, vẻ mặt của hầu hết những phụ nữ Chennai mà chúng tôi nhìn thấy trên đường đều lặng lẽ đến lạ. Hầu như góc đường nào cũng có một cụ bà hay một thiếu phụ trẻ ngồi bán hoa nhài. Hoa nhài được tết thành chuỗi là vật trang sức phổ biến nhất ở thành phố này. Màu hoa trắng muốt làm nổi bật mái tóc đen nhánh của các cô gái, làm tôn thêm vẻ rực rỡ mà huyền bí của các tượng thần. Ban ngày tại các khu dân cư, lúc nào cũng có nhiều phụ nữở đủ độ tuổi ngồi cặm cụi vẽ kolam trên mặt đường trước nhà. Kolam là cách vẽ các họa tiết phức tạp được nghi thức hóa trên sân nhà hay xung quanh các vị thần trong các lễ hội tôn giáo. Kolam chủ yếu được vẽ bằng ngón tay, điều đó luôn làm cho họa tiết hoa có nét độc đáo khác biệt. Môn nghệ thuật truyền thống này được đa số các bà nội trợ theo đạo Hindu yêu thích và thực hiện mỗi ngày vào lúc rảnh rỗi. Đầu tiên, họ dùng bột gạo trắng tạo ra phần khung rồi dùng bột màu rắc lên để tạo nên một bức vẽ có màu sắc thật ấn tượng. Những hình vẽ kolam trên đường chỉ tồn tại trong vòng một ngày rồi hôm sau sẽ có các tác phẩm mới thay thế. Trong các dịp đặc biệt như đám cưới, lễ hội, kolam xuất hiện dày đặc trên cả những con đường lớn.
Những hình vẽ kolam trên đường phố trong một ngày hội
Sau hơn nửa tiếng đi xe cho quãng đường gần ba cây số, chúng tôi đến được ngôi đền Kapaleeswarar tuyệt đẹp được xây dựng vào thế kỷ XVI. Đền nổi tiếng với phần mái được trang trí bằng hàng ngàn bức tượng người, tượng thú màu sắc sặc sỡ và đường nét rất tinh xảo. Công trình thờ thần Shiva này được bao quanh bởi những dãy cửa hàng tràn ngập đồ trang sức như vòng đeo tay, đồ trang sức bằng đá quý tinh tế, hoa tai thạch anh tím. Đến vào lúc đền diễn ra lễ hội, chúng tôi được xem bức tượng thần đặt trên chiếc bè đang được kéo quanh hồ nước để ban phước lành cho người dân trong khung cảnh đọc kinh và khói hương trầm nghi ngút. Kapaleeswarar chỉ là một trong rất nhiều kiến trúc cổ của Chennai. Thành phố được coi là trung tâm sản xuất xe hơi của toàn Ấn Độ này gồm nhiều mảng xây dựng hiện đại và cổ xưa chen chúc nhau bên dòng sông Palar.
Trẻ em Chennai bên sông Palar
Trung tâm lịch sử của Chennai là George Town, nơi những đường phố chật hẹp bao quanh các chợ cùng những dãy cửa hàng tơ lụa và gia vị truyền thống. Tại đây có tòa án tối cao được xây dựng bằng sa thạch đỏ. Tại Fort St. George, pháo đài do người Anh xây dựng đầu tiên tại Ấn Độ nay trở thành bảo tàng, chúng tôi như đang ngược dòng lịch sử để chứng kiến sự huy hoàng của nhiều triều đại đã đi qua thành phố.
Những kiệt tác trên đá
Từ lâu, thành Madras, tên cũ của Chennai đã nổi tiếng với nhiều công trình kiến trúc cổ bằng đá được xem là kỳ quan của óc sáng tạo con người. Trong đó có quần thể Shore Temple – ngôi đền được đục đẽo toàn từ đá nguyên khối từ những năm 700-728 trước Công nguyên. Ngôi đền bất chấp sự tàn phá của thời gian và thiên nhiên. Gần đây nhất, những con sóng cao tới 30 mét của thảm họa sóng thần ngày 26-12-2004 cũng bị khuất phục trước sự vững chãi của đền Shore. Dù bề thế là vậy, đền Shore mới chỉ là một phần của quần thể Mahabalipuram, một di tích được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Đa số các ngôi đền Mahabalipuram được tạo nên trong khoảng giữa những năm 630 cho đến 715 và có hình dáng kích thước rất khác nhau. Khu đền Shiva do cao nhất, lớn nhất nên nhìn từ xa đã thấy đền sừng sững bên bờ biển như một ngọn hải đăng khổng lồ. Đền Draupadi Ratha nhỏ nhất, có hình dáng y như mái nhà gỗ đơn sơ với các mái tranh trùm lên bốn bức tường nhà. Song ở đây, tất cả đều được khắc vào đá, vì thế mà Draupadi Ratha có vẻ dung dị và trang nhã. Bên cạnh đền Đharmaradja Ratha hình vuông là đền Bhimaratha mang kiến trúc hình chữ nhật có bộ mái dài, hai mái cong như lưng voi.
Một ngôi đền cổ trong thành phố
Làm nên giá trị cho các ngôi đền Mahabalipuram còn phải kể đến nghệ thuật điêu khắc đạt đến mức thượng thừa. Bên cạnh các ngôi đền đều có những tượng voi, sư tử, bò khá lớn với dáng vẻ rất sống động. Ngoài ra còn có những bức phù điêu đá khổng lồ mô tả các câu chuyện bay bổng về huyền thoại sông Hằng. Truyền thuyết trong sử thi Mahabharata cũng được thể hiện thành cả một dãy phù điêu hoành tráng tác động mạnh đến trí tưởng tượng người xem. Không chỉ có thế, mặt đá còn lại của các ngôi đền ở Mahabalipuram còn được phủ kín bằng những hình tạc đủ loại người, thần linh, súc vật và các tình tiết lấy từ nhiều truyền thuyết khác nhau của Ấn Độ giáo.
Một công trình bằng đá trong quần thể Mahabalipuram
Từ những bức tranh kolam chỉ tồn tại trong một ngày cho đến quần thể Mahabalipuram sừng sững với thời gian và sóng thần, tất cả đều làm cho du khách đến Chennai phải thán phục khả năng sáng tạo và niềm tin tôn giáo mãnh liệt của người dân nơi đây.
Khánh Ngọc – Cẩm Tú