Cao Lan là một nhánh của dân tộc Sán Chay có nguồn gốc từ Quảng Đông (Trung Quốc), di cư sang Việt Nam từ đời nhà Minh. Người Cao Lan định cư ở một số tỉnh miền núi phía bắc như Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang…, thể hiện những nét văn hóa phong phú và khá đặc trưng.
Trồng và chế biến trà
Cũng như nhiều dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, cây trà có dấu ấn đậm nét trong đời sống của đồng bào Cao Lan. Người Cao Lan không tạo ra khu chuyên canh, mà chỉ trồng trà lác đác, xen kẽ trong rừng cọ nên năng suất không cao. Để có đủ trà uống, họ phải mua thêm trà mạn của người Mán vùng cao.
Trà thường được hái khoảng từ 8 đến 10 giờ sáng. Trà hái về được trải ra nong cho khỏi hấp hơi nước rồi sao trên chảo gang cho đến khi tái, sau đó vò nhàu rồi lại tiếp tục sao đến khô cánh trà. Muốn cánh trà lên mốc trắng đẹp, bà con cho trà khô vào chảo gang, tắt lửa để ít than nóng xoa đều trà liên tục.
Người Cao Lan có hai cách bảo quản trà được lâu mà không mất hương vị. Cách thứ nhất là cho trà vào ống tre khô, đậy kín bằng nút lá chuối rồi để lên gác bếp. Cách thứ hai là lấy lá cọ bánh tẻ phơi khô, xoáy thành hình nón, lót bằng lá cây cơ thoong tợc (còn gọi là lá ba soi) rồi cho trà vào, buộc kín, treo lên xà nhà. Lá ba soi khô dùng gói trà vừa giữ được mùi thơm tự nhiên của trà, vừa bổ sung mùi thơm của lá cây.
- Xem thêm: Hương vị tiêu xanh
Thưởng thức trà ngon
Trà thu mang vị đậm, còn trà xuân lại thơm. Người sành trà thường sao trà thu khô, bảo quản cẩn thận. Đến tháng Giêng, sau khi hái trà xuân, người Cao Lan trộn trà thu và trà xuân với nhau, đem xoa lại trên chảo nóng để có đủ vị đậm đà của vị trà thu và hương thơm của trà xuân. Tỷ lệ trộn thường là một phần trà xuân với hai phần trà thu. Trà thu trộn lẫn trà xuân để đánh thức hương trà, cũng là cách để trộn hai loại cho đều nhau. Trà còn được trộn với lá cây ba soi khô không chỉ để có thêm hương vị lạ, mà còn nhằm khai thác tác dụng chữa bệnh đại tràng của lá ba soi. Nước pha trà thường là nước suối trong đựng trong các bắng tre hay nước giếng mát. Trà được pha trong ấm da lươn cùng nước đun sôi.
Trà nối duyên người
Con cái đi xa về có món quà quý nhất biếu cha mẹ là trà. Ngày trước, trà được gói giấy đỏ tượng trưng cho may mắn, bên trong lót lá cây ba soi. Trong các lễ ăn hỏi, lễ cưới đều không thể thiếu lễ vật là trà.
Trong nhà người Cao Lan luôn có trà để đãi khách. Mời trà là biểu hiện sự thịnh tình, phép lịch sự của chủ nhà.
Hát sình ca giao duyên là nét đẹp trong văn hóa Cao Lan. Trà trong sình ca cũng nhiều hương vị và chứa đựng tình cảm thầm kín.Muốn mời chàng trai vào nhà để làm quen, cô gái hát bài Va mời sịch (Con chim họa mi nhỏ). Cô gái khiêm nhường xem nhà mình như tổ chim nhỏ, coi mình là con chim họa mi nhỏ bé hát mời chàng:
Phơi cụ nình mùn va mơi sịch
Phơi cụ nình mùn lộc lộc va
Làng lài lồ dân nhập nình ốc
Sập phan mù cháu nhắm chông sà
Dịch nghĩa là:
Đây cổng nhà em – họa mi nhỏ
Chàng đến đây rồi đẹp quá thay
Chàng đã đến sân vào nhà nhé
Vui lòng không rượu nhấm trà thôi
Khi vào nhà, chàng trai cũng đối chúc tụng để cảm tạ chủ nhà:
Phùng háy chứ nhằn háo líu skhăm
Kịn nhằn lài tạo skhệu phăn phăn
Lài tạo tềnh sìn phồng chịch tắng
Héc sà mơi líu cháu lài chăm
Dịch nghĩa là:
Kính chúc cho gia đình đẹp bụng
Thấy anh về cười vui lâng lâng
Trong nhà đã trải chiếu cho ngồi
Hết trà lại rót rượu ra mời
Sau khi chuyện trò, tâm sự, trước khi chào chủ nhà ra về, chàng trai và cô gái cùng uống một chén trà thể hiện đã có tình cảm với nhau.Trong đám cưới, trai gái cũng hát đố mời nhau uống trà để thử thách trí tuệ của nhau.
- Xem thêm: Ẩm thực phố phường Sài Gòn
Trà trong đời sống tâm linh
Từ quan niệm cúng Phật, thánh đều phải dâng trà, người Cao Lan coi trà là đồ cúng tế không thể thiếu trên bàn thờ.
Cách dùng trà và chọn nước pha trà cũng thể hiện đậm nét triết lý nhân sinh. Người Cao Lan cho rằng vạn vật đều có thần linh cai quản, vì thế giếng nước mát ngọt cũng có thần giếng. Mỗi làng Cao Lan cổ xưa chỉ có một giếng làng nước ngon nhất, mát nhất. Đêm 30 tết chuẩn bị sang canh, chủ nhà thắp đuốc mang hương, tiền vàng, tiền xu ra giếng đình thắp xin thần giếng. Sau khi thắp hương hóa tiền vàng hoặc ném đồng xu xuống giếng, chủ nhà xin thần giếng múc nước cho vào bắng tre mang về. Họ quan niệm, nước giếng đêm 30 tết là nước mới nên trong sạch nhất. Nước này được đun pha trà để cúng tổ tiên, cầu xin tổ tiên ban phúc, sang năm mới có nhiều may mắn. Sau này, mỗi gia đình khi có giếng riêng vẫn duy trì tục lệ xin thần giếng nước về pha trà cúng sang canh.
Trình tự dâng trà trong các nghi lễ cúng không giống nhau.Trà được dâng tổ tiên sau khi đã cúng cơm, hóa vàng mã. Theo quan niệm của người Kinh, hóa vàng mã xong là tiễn tổ tiên đi và kết thúc phần cúng. Người Cao Lan lại cho rằng mỗi người đã khuất đều có ba hồn bảy vía. Sau khi cúng xong, một hồn đi về Dương Châu (quê hương tổ tiên người Cao Lan ở Dương Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông), một hồn về đến mả tiền mả nội, một phần ở lại nhà lên lô nhang hằng ngày để trông con cháu. Con cháu cúng xong hóa vàng nhưng không tiễn hồn đi hết. Trà được dâng cúng sau khi hóa vàng mã xong là dành cho phần hồn ở nhà uống cùng con cháu.
Ngược lại với trình tự dâng trà cúng tổ tiên, khi cúng ma ham (ma hương hỏa, được coi linh thiêng nhất của người Cao Lan), trà được dâng đầu tiên cho Phật và thánh (cúng chay). Ngày hôm sau mới mổ gà cúng Ngọc Hoàng (cúng mặn). Các nghi lễ cúng cầu an cho làng, cầu yên cho gia đình, cầu mùa… cũng đều dâng trà cúng Phật trước.
- Xem thêm: Lên Mộc Châu ăn cá hồi tám món
Bình đẳng khi thưởng trà
Người Cao Lan rất bình đẳng trong thưởng trà.Dưới nếp nhà sàn truyền thống, trà quý được chia sẻ cho mọi người cùng thưởng thức. Phụ nữ, trẻ em đều được uống trà như nam giới, người già. Tuy vậy, để giữ tôn ti trật tự, người già ngồi trên sập, còn phụ nữ, thanh niên ngồi dưới sàn nhà theo nhóm.
Ngày xưa các ông chúa và những người giàu có trong cộng đồng người Cao Lan cũng nâng việc uống trà lên thành một thú chơi tao nhã, quý phái. Ngày nay, dù chưa thưởng thức trà và phát triển các giá trị văn hóa đến tầm trà đạo, nhưng người Cao Lan đã có truyền thống cúng trà, thưởng trà, xem trà như cầu nối tình cảm giữa người với người. Đó là một giá trị văn hóa đáng trân trọng.
– Ảnh Đỗ Quang Tuấn Hoàng