Có những nhận định cho rằng tín dụng đang suy kiệt và nhiệm vụ thúc đẩy tín dụng tăng ở mức hợp lý sẽ là một vấn đề trong trung hạn. Bên cạnh đó, khu vực tài chính – ngân hàng vẫn là một mắt xích yếu của nền kinh tế. Nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng giảm sút: chỉ trong bốn tháng vừa qua, gần 182 triệu USD đã bị rút ra khỏi nước ta và con số này dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Điều này có thể lý giải do kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, lãi suất của thị trường thế giới tăng lên làm giảm chênh lệch với lãi suất tại Việt Nam, khiến sức hấp dẫn của thị trường nước ta giảm xuống.
Trong khi việc đẩy mạnh cho vay chưa làm được thì nguồn vốn huy động vẫn tăng trưởng đều, buộc các ngân hàng phải cắt giảm lãi suất huy động để tiết giảm chi phí. Không chỉ cắt giảm lãi suất kỳ hạn ngắn dưới sáu tháng xuống dưới mức trần quy định (7%/năm), các kỳ hạn huy động dài cũng không còn được ưu ái. Lãi suất huy động kỳ hạn trên một năm cũng chỉ còn 7,5 – 8,5%/năm. Ngân hàng khó đẩy mạnh cho vay vì nhu cầu vốn của doanh nghiệp không tăng, dù cho mùa kinh doanh cao điểm cuối năm đã tới. Hay nói đúng hơn, doanh nghiệp tốt theo khẩu vị của ngân hàng chưa có kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh để vay vốn, còn những doanh nghiệp muốn được vay thì các ngân hàng lại không mặn mà vì không đảm bảo được các tiêu chuẩn vay ngày càng khắt khe. Các ngân hàng đang phải cạnh tranh nhau để giành được khách hàng tốt về phía mình. Có ngân hàng phải hạ lãi suất cho vay đối với nhóm khách hàng này xuống còn 5 – 6%/năm, tức là thấp hơn cả trần lãi suất. Thế nên, giảm lãi suất huy động là cách hợp lý nhất trong lúc này để cắt giảm chi phí. Ngoài ra, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và các khoản đầu tư khác cũng không cao như trước. Quan trọng hơn cả, mức lãi suất huy động 7 – 8%/năm vẫn đủ hấp dẫn những người có tiền nhàn rỗi, khi mà các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán… chưa hồi phục.
Tuy nhiên, bức tranh tăng trưởng kinh tế – tăng trưởng tín dụng không chỉ có gam màu xám. Nếu như tăng trưởng GDP năm 2012 của cả nước là 5,03% (so với năm 2011) thì chỉ trong chín tháng đầu năm 2013 đã đạt mức 5,14% so với cùng kỳ năm 2012. Sự phục hồi kinh tế có dấu hiệu tích cực, khi tăng trưởng quý sau đã cao hơn quý trước. Sản lượng tăng trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng không tăng mạnh chứng tỏ một điều là nền kinh tế đang sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả hơn trước. Đã có một sự chuyển biến tích cực trong quá trình khai thác và sử dụng nguồn tín dụng. Dòng vốn đã tập trung vào lĩnh vực sản xuất – kinh doanh để tạo ra giá trị gia tăng thực cho xã hội. Những giá trị ảo được hình thành trên thị trường tài chính – tiền tệ hoặc đầu cơ địa ốc không còn chiếm tỷ lệ lớn như vài ba năm trước.
Đó là xét chung cả nền kinh tế. Còn với các doanh nghiệp, giai đoạn vừa qua cũng khiến các doanh nghiệp có một sự thay đổi rõ rệt trong quản trị và định hướng kinh doanh, đặc biệt là hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính so với thời kỳ tăng trưởng tín dụng nóng trước đây. Hiện tỷ lệ nợ trên vốn tại nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh, hướng đến sự an toàn. Từ đầu năm 2013 đến nay, nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng vào khu vực sản xuất và khối doanh nghiệp tư nhân cao hơn nhiều so với những năm trước. Hoạt động tín dụng đang đi vào chất lượng sử dụng đồng vốn và đó là điều đáng mừng.
Minh Hằng