Phải sau gần mười năm, VN-Index mới quay lại mốc điểm 800 vào phiên cuối tuần qua (ngày 8-9), khi lần gần nhất chỉ số này ở trên vùng điểm 800 là ngày 15-2-2008 với 816 điểm. Điều đáng nói là chỉ số này “bứt tốc” tăng đến 40 điểm (hơn 5%) chỉ trong 12 phiên và chỉ nhờ một số cổ phiếu vốn hóa lớn có ảnh hưởng mạnh đến VN-Index. Điển hình có thể kể đến MSN (tăng hơn 30%), VIC (tăng hơn 15%), SAB (tăng hơn 12%), GAS (tăng hơn 10%)…, những cổ phiếu này tác động tới sự biến động của chỉ số với tỷ lệ tương ứng là 2,9%, 6,7%, 8,9% và 6,5%. Mỗi cổ phiếu tăng giá mạnh đều có câu chuyện riêng, với những thông tin hỗ trợ tích cực, dù có thể thấy là mức độ tăng giá dường như hơi quá. Nhưng phải vậy thì mới là thị trường chứng khoán, khi độ tăng hay giảm giá của một cổ phiếu nhiều khi không phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà còn phụ thuộc vào tâm lý của đám đông. Sau giai đoạn hưng phấn, rất có thể giá của chúng sẽ điều chỉnh cho phù hợp, tuy nhiên, thời điểm hiện tại, sự nổi lên mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu này đồng nghĩa với việc nếu không nắm giữ chúng, nhà đầu tư rất khó mỉm cười khi thấy VN-Index băng băng vượt đỉnh. Trên thực tế, đa số nhà đầu tư không có trong danh mục nhóm cổ phiếu “nóng” kể trên, vì thế, dù cũng nắm trong tay cổ phiếu từ giai đoạn chỉ số ở vùng 760 điểm, tài khoản của họ vẫn không lời, thậm chí còn lỗ.
Thực ra, trên thị trường chứng khoán, những phiên giao dịch “xanh vỏ đỏ lòng” (bề ngoài thì thị trường đi lên – xanh, nhưng thực chất đa số cổ phiếu giảm giá – đỏ) như vậy không hiếm, nhưng kéo dài nhiều phiên như hiện nay cũng là điều cần lưu tâm. Trong bối cảnh dòng tiền yếu (thanh khoản trên HSX chỉ hơn 3.000 tỉ đồng mỗi phiên) và lại tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn như vậy, những nhà đầu tư đang ở “ngoài cuộc” (tài khoản không có nhóm cổ phiếu tăng giá) sẽ không tránh khỏi lo lắng. Nhiều nhà đầu tư dù trong danh mục có những cổ phiếu giá trị nhưng đang lỗ hẳn sẽ phân vân không biết có nên bán lỗ để “theo” nhóm cổ phiếu “nóng” (với giá cao) hay bình tĩnh chờ đợi. Nếu “hòa nhịp cùng thị trường”, rất có thể họ sẽ phải “hớt ngọn” và tiếp tục nhận về khoản lỗ khi nhóm cổ phiếu này hạ nhiệt. Việc tiếp tục nắm giữ cổ phiếu đang tích lũy ở một khoảng giá nhất định và được định giá rẻ vẫn là điều nên làm, dù tài khoản có thể trong trạng thái lỗ tạm thời. Việc thấy thị trường tăng điểm nhanh mà tài khoản của mình không tăng, để rồi bán đi – mua vào bằng mọi giá, thường đưa nhà đầu tư đến với những quyết định sai lầm. Động thái giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cũng đáng để chúng ta tham khảo: trong tuần mà VN-Index phá mốc 800, khối ngoại bỗng xoay chiều bán ròng! Có thể đó chỉ là sự tình cờ, hoạt động đảo danh mục hay chốt lời tạm thời…, nhưng điều đó cũng chứng tỏ khối ngoại đã không bị cuốn vào cuộc đua về giá ở các cổ phiếu nóng.
Ngoài ra, nếu trước đây gặp tình huống này nhà đầu tư chỉ có cách “chờ thời”, thì nay sau khi thị trường phái sinh ra đời, nhà đầu tư hoàn toàn có thể giữ nguyên tài khoản ở thị trường cơ sở và tham gia thị trường phái sinh để cân bằng danh mục. Kiên nhẫn với cổ phiếu đã lựa chọn, nhà đầu tư hoàn toàn có thể tìm được lợi nhuận trong thời gian tới, khi các cổ phiếu nóng hạ nhiệt. Thậm chí, nhà đầu tư trung và dài hạn không chỉ tiếp tục nắm giữ cổ phiếu trong danh mục mà còn có thể tận dụng những phiên cổ phiếu “lựa chọn” giảm điểm để mua thêm. Tất nhiên, đó phải là cổ phiếu của các doanh nghiệp có nền tảng tốt và được dự báo tăng trưởng tích cực trong năm nay.
- Ngọc Khang