Với hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn lớn và mạnh về công nghệ, CEO Be Group Trần Thanh Hải đã đúc kết cho bản thân nhiều kinh nghiệm để thành lập công ty vận tải áp dụng nền tảng công nghệ đầu tiên của Việt Nam. Tự nhận bản thân đã “già” mới startup nhưng chính nhờ vậy, Be Group có được những bước tiến vượt bậc dù sinh sau đẻ muộn so với các đối thủ cùng thời.
Tham gia vào thị trường gọi xe khi đã có nhiều đối thủ có sẵn lượng khách hàng trung thành, đối với ông đó có phải là sự mạo hiểm lớn?
Khó hay dễ là do mình định lượng, tôi thấy lĩnh vực nào cũng khó và tất nhiên luôn có sự mạo hiểm, kinh doanh lĩnh vực nào cũng vậy. Chính các công ty nước ngoài chỉ cho ta bài học khi họ từng thắng các ông lớn gọi xe của Mỹ, châu Âu. Ví như Uber vào Nga bị một hãng nội địa đánh bại. Hay Uber vào Trung Quốc cũng bị một hãng của nước này đánh bại. Uber vào Đông Nam Á cũng bị một hãng của khu vực đánh bại. Vậy tại sao chúng ta không thể làm chủ trên chính sân nhà của mình.
Có một ngạn ngữ là “local champion”, nghĩa là những người địa phương luôn thắng, vì có sự am hiểu “sân nhà” và có sự ủng hộ của cộng đồng. Riêng ngành này tôi thấy không quá khó thắng, bởi tài xế là của ta, tài sản đang lưu hành cũng là của ta, khách hàng lại là người Việt ta. Doanh nghiệp nước ngoài không có tài sản ở Việt Nam, không đầu tư nhiều chất xám, chỉ bỏ tiền ra khuyến mại… đó là lý do mà chúng tôi tự tin không coi là khó.
Khẳng định Be Group là công ty vận tải chứ không phải công ty công nghệ đem lại cho ông những khó khăn gì?
Trước hết cần phải xác định đúng bản chất ngành nghề của mô hình hoạt động này, chúng tôi chứng minh “be” không phải là công ty công nghệ đơn thuần, mà là công ty vận tải có thể áp dụng được tất cả nền tảng tiên tiến nhất để tối ưu hóa dịch vụ. Bởi vì nếu chỉ là công ty công nghệ thì sẽ chuyên làm phần mềm kết nối và không được phép định giá, chế tài người tham gia.
Trước khi “Be” ra đời, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam và kinh doanh thành công trong lĩnh vực này nhưng tự nhận mình là mô hình công nghệ chứ không phải vận tải và hiện tại luật của chúng ta chưa bắt kịp xu thế công nghệ nên tạo ra một số điểm chưa thực sự phù hợp. Quả thật, gọi mình là doanh nghiệp vận tải áp dụng công nghệ, “Be” sẽ phải đóng thuế nhiều hơn, có nghĩa vụ với tài xế và khách hàng nhiều hơn so với các doanh nghiệp công nghệ khác. Kể cả việc xin giấy phép. Nếu muốn mở dịch vụ ở các tỉnh thành, chúng tôi đều phải xuống tận nơi xin giấy phép.
- Xem thêm: CEO của EcoTruck – ứng dụng công nghệ vận tải đang sẵn sàng chuyển đổi ngành Logistics Việt Nam
Ngoài ra, giá của “Be” còn có 10% VAT. Ban đầu, tài xế cũng phản ứng vì chưa hiểu bản chất thật sự, họ quen với cách làm chưa đúng lâu nay và nghĩ rằng chúng tôi thu chiết khấu 35%, nhưng thực tế chỉ là 26,125%. Tuy nhiên, hãy nhìn vào ngành chuyên chở khách bằng xe dưới chín chỗ trở xuống đang phát triển 30 – 40%/năm, trong khi thuế liên quan đến ngành không hề tăng trưởng 30 – 40%/năm. Nghĩa là Nhà nước đang thất thu thuế từ các đối thủ của taxi, tức các anh mượn danh công nghệ. Chính vì thế, nếu bản thân mình làm việc đúng pháp luật, vì lợi ích nước nhà, chắc chắn mình sẽ phát triển bền vững hơn.
Bằng việc kinh doanh minh bạch, tuân thủ pháp luật giúp cơ quan chức năng dễ dàng quản lý, nhưng vẫn đảm bảo việc vận hành được tối ưu hóa nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến, chúng tôi hy vọng cơ quan quản lý, những nhà làm luật tham khảo mô hình của “Be” để có những điều chỉnh thích đáng nhằm tạo nên sự công bằng với tất cả doanh nghiệp khác bao gồm cả taxi truyền thống trên thị trường này.
Việc các đối thủ liên tục nhận được các gói đầu tư lớn có khiến ông lo lắng?
Tôi không quá lo vì Be Group chỉ có thị trường Việt Nam còn đối thủ có rất nhiều thị trường. Quan trọng là họ bỏ bao nhiêu tiền vào thị trường này. Nếu anh mang vào đây một vài tỉ USD cạnh tranh ngay lúc này thì chúng tôi có thể ngại. Nhưng anh dành cho mặt trận này vài trăm triệu USD thì chúng tôi luôn sẵn sàng.
Cách làm việc của tôi vốn không lo ngó hàng xóm mà có niềm tin vào việc của mình. Khi lập kế hoạch thì nó phải đúng đắn, tùy biến và chi phí khôn ngoan. Ngoài ra, công ty còn có những lợi thế khác để không ngại chuyện tài chính khi hoạt động ở Việt Nam. Thị trường này 100 triệu dân và đủ lớn để tập trung mà chưa cần vội mở rộng ra nước ngoài trong 3-4 năm tới.
Thị trường đang tăng trưởng rất nhanh. Quan điểm của chúng tôi là không thay thế ai mà nghĩ rằng sẽ có một tệp khách hàng dành cho “Be”, tập trung vào phục vụ các khách hàng đó tốt nhất có thể. Dĩ nhiên, ai cũng muốn thị phần của mình càng lớn càng tốt. Nhưng tôi nghĩ, thị trường này đủ lớn để 2-3 đơn vị cùng cạnh tranh. Tôi kỳ vọng thị trường sẽ cạnh tranh lành mạnh hơn, lớn hơn để ai cũng có một chỗ đứng. Cuối cùng, khung pháp lý sẽ hoàn thiện tốt hơn để bảo đảm quyền lợi và công bằng của tất cả các bên tham gia.
Chiến lược kinh doanh trong thời gian tới của Be Group là gì?
Be Group là đơn vị đầu tiên mở cửa hai thị trường cùng lúc là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với hai dịch vụ, BeBike gọi xe hai bánh và BeCar gọi xe bốn bánh. Mình đi sau thì mình phải đi nhanh hơn. Chúng tôi đã xin giấy phép rất nhiều tỉnh thành. Về những dịch vụ khác, trong xu hướng kinh doanh Online to Offline (trực tuyến kết hợp ngoại tuyến) và On Demand Service (dịch vụ theo yêu cầu) phát triển, khi có hàng chục nghìn tài xế mà không tận dụng để triển khai các dịch vụ khác như giao hàng, giao thức ăn, đi chợ… thì rất phí. Tài xế có thể có thêm thu nhập và khách hàng có nhiều sự tiện lợi hơn. Vấn đề chỉ là thời gian.
Chúng tôi sẽ tham gia các dịch vụ khác chậm nhưng chắc. Thậm chí, tương lai có thể nghĩ đến dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, tập trung trước mắt vẫn là dịch vụ vận tải. “Be” là một nền tảng hơn là một ứng dụng. Chúng tôi cho phép rất nhiều đơn vị phù hợp cùng khai thác chứ không phải làm tất, ăn cả. Bất kể startup Việt nào có cùng chí hướng thì công ty luôn chào đón để cùng nhau phát triển và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt.
Cảm ơn ông!