Một trong những sự kiện quan trọng sẽ diễn ra trong năm 2016 tại Bảo tàng quốc gia Anh tại London là triển lãm “Hoa Hà Lan”, qua đó khách thưởng ngoạn có cơ hội khảo sát sự phát triển của một mảng hội họa chuyên về hoa ở xứ sở của hoa tulip (uất kim hương), bắt đầu từ đầu thế kỷ XVII đến thời kỳ phát triển rực rỡ nhất dòng tranh này vào cuối thế kỷ XVIII.
Triển lãm “Hoa Hà Lan” sẽ khai mạc vào mùa xuân, cùng lúc diễn ra các hội chợ hoa xuân tại khu Chelsea và vườn Hampton của London nên càng có ý nghĩa. Sau hơn hai thập niên, người London và du khách lại mới có dịp thưởng lãm một triển lãm tranh chuyên đề hoa.Ngoài các tác phẩm thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng quốc gia Anh, còn có nhiều tranh được mượn từ các bảo tàng nước ngoài và từ các bộ sưu tập tư nhân. Nổi bật trong số đó là bức Tĩnh vật hoa trong chiếc bình gốm hoa lam của họa sĩ Ambrosius Bosschaert mà Bảo tàng quốc gia Anh đã mua được vào năm 2010; nó sẽ thành cặp với một bức tranh khác của cùng tác giả, đã thuộc sở hữu của bảo tàng từ lâu là Hoa trong bình thủy tinh. Cả hai đều được vẽ bằng sơn dầu trên đồng với các chi tiết nhỏ nhất, phức tạp nhất, cho thấy công phu và tay nghề họa sĩ đã tới mức tuyệt luân.
“Đế chế” hội họa Bosschaert
Ambrosius Bosschaert (1573-1621) là một trong những bậc thầy Hà Lan vẽ tranh hoa đầu tiên và xuất sắc nhất. Ông chào đời và bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật tại Antwerp nhưng sống và sáng tác chủ yếu ở Middelburg, nơi ông đã chuyển đến cùng gia đình do lo ngại những sự khủng bố tôn giáo diễn ra thời đó. Chỉ vẽ hoa trái và tĩnh vật suốt cuộc đời, Ambrosius Bosschaert có ba con trai và đều nối nghiệp ông một cách xuất sắc: cả ba cũng là những họa sĩ chuyên vẽ hoa và tĩnh vật, một người có tên giống hệt ông nên được gọi là Ambrosius Bosschaert II (*). Em rể ông – Balthasar van der Ast (1593-1657) cũng là một họa sĩ tài năng chuyên vẽ hoa và tĩnh vật. Gia đình Bosschaert và các học trò của ông đã hình thành một “đế chế” hội họa và góp phần không nhỏ vào một giai đoạn phát triển rực rỡ của hội họa Hà Lan thế kỷ XVII-XVIII, được gọi là Thời đại Hoàng kim của hội họa Hà Lan.
Những bó hoa đầy sắc màu trong tranh Ambrosius Bosschaert được ông thể hiện với sự chính xác khoa học về mặt hình họa, tuân thủ phép đối xứng cổ điển và thường được vẽ trên những tấm đồng nhẵn. Tranh hoa của ông còn hàm chứa các ý nghĩa biểu tượng và tôn giáo. Trong tranh không chỉ có các loại hoa khác nhau mà còn có những vỏốc biển, bướm, ong, chuồn chuồn, sâu bọ… Những nghiên cứu về hội họa của Ambrosius Bosschaert cho thấy cội nguồn cảm hứng đến với ông từ các vườn thực vật, vườn hoa ở Middelburg vốn đã nổi tiếng khắp châu Âu lúc bấy giờ, bên cạnh đó là các món đồ gốm sứ đến từ phương Đông qua các con tàu viễn dương của Công ty East India khi mà Hà Lan là một trong những cường quốc hàng hải lớn nhất thế giới.
Trong lịch sử hội họa thế giới, Ambrosius Bosschaert là một trong những họa sĩ đầu tiên đã chuyên môn hóa vào lĩnh vực tranh tĩnh vật, là người khởi xướng truyền thống vẽ những bó hoa thật chi tiết, tỉ mỉ, đặc biệt là vẽ những hoa uất kim hương và hoa hồng. Nhờ sự nở rộ của thị trường tác phẩm hội họa ở Hà Lan vào thế kỷ XVII mà sự nghiệp vẽ tranh hoa của Ambrosius Bosschaert cũng nở rộ; ông trở thành một họa sĩ rất đắt khách. Ambrosius Bosschaert còn là một nhà buôn tranh nổi tiếng thuởấy, cũng chính vì thế mà ông không để lại cho đời nhiều tác phẩm: suốt đời mình ông chỉ vẽ khoảng 50 bức, ngày nay tất cả đều rất quý hiếm. Ông mất vào năm 1621 khi đến Hague để vẽ một bức tranh hoa cho một nhà quý tộc địa phương, tác phẩm này hiện được lưu giữ trong một bộ sưu tập ở Stockholm (Thụy Điển).
Hoa đời thực và hoa trong tranh
Trong cuốn sách tựa Tranh hoa Hà Lan (Dutch Flower Painting, 1600-1720) xuất bản năm 1995, tác giả Paul Taylor cho biết vào thập niên 1630 tại Hà Lan đã diễn ra một cơn mê cuồng uất kim hương (tulipomania), khi mà một bông hoa tulip có tên “Semper Augustus” với những sọc trắng đỏ có giá cao hơn một ngôi nhà đẹp! Đó cũng là lúc dòng tranh vẽ hoa ra đời ở Hà Lan. Khi viết về một giai đoạn đáng nhớ của lịch sử hội họa Hà Lan, cùng lúc Paul Taylor đã dõi theo lịch sử ngành thương mại hoa tulip và những tác động của nó đối với nền kinh tế Hà Lan thời bấy giờ. Trước khi thế kỷ XVII mở ra với nhân loại, hoa trong tranh các họa sĩ châu Âu chỉ đóng vai phụ, là biểu trưng của các vị thánh được vẽ, và tạo sắc màu cho tranh phong cảnh hay trong tranh mô tả các sự kiện trọng đại. Và rồi một cuộc cách mạng nhỏ đã xảy ra với hội họa châu Âu, đó là khi các họa sĩ Hà Lan bắt đầu vẽ hoa và chỉ vẽ hoa, coi hoa là chủ đề chính trong tranh. Chính Ambrosius Bosschaert là người khai phá chủ đề hoa với bức Hoa trong chiếc cốc vại vẽ năm 1614. Đối với các họa sĩ Hà Lan thế kỷ XVII-XVIII, vẽ hoa – như Paul Taylor khẳng định – còn là một cách để biểu tượng hóa sức mạnh và sự thịnh vượng của đế quốc Hà Lan với những con tàu buôn đi khắp các đại dương. Nên trong tranh hoa của Ambrosius Bosschaert và các họa sĩ cùng thời rồi thế hệ sau ông, ngoài uất kim hương và một số loài hoa bản địa, còn có thược dược đến từ Mexico, loa kèn đến từ xứ Ba Tư… và vỏốc đến từ nhiều vùng biển nhiệt đới, bình gốm sứ Trung Hoa… Trong sách, Paul Taylor đưa ra một con số thú vị: một bông tulip “Semper Augustus” từng được bán với giá 260.000 đồng stuiver (đơn vị tiền tệ Hà Lan) vào thập niên 1630, với số tiền lớn này lúc đó người ta có thể mua được 10 bức tranh vẽ hoa của Ambrosius Bosschaert!
Nếu như sự phồn thịnh của nghề trồng hoa và kinh doanh hoa, đặc biệt là với uất kim hương, tại Hà Lan là một nguyên nhân dẫn tới sự ra đời của tranh vẽ chủ đề hoa thì ngược lại đã có mối quan hệ giữa dòng tranh này đối với những mối quan tâm về thực vật học, về trồng hoa, về nông nghiệp ở đất nước này.
Truyền thống vẽ hoa của các họa sĩ Hà Lan bị gián đoạn trong những thế kỷ sau và đến cuối thế kỷ XIX mới được tiếp nối bởi một thiên tài: Vincent van Gogh, tác giả của những bức tranh vẽ hoa hướng dương và hoa diên vỹ đắt giá nhất mọi thời.
(*) Còn gọi là Ambrosius Bosschaert Già (The Elder) và Ambrosius Bosschaert Trẻ (The Younger)
Đông Hà (DNSGCT)