Jacques Fournier, giám đốc Sở chiếu sáng của thành phố Lyon (Pháp) đã đến Việt Nam ký kết khoản tài trợ không hoàn lại dành cho Hà Nội để thiết kế, thực hiện kịch bản ánh sáng đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội với kinh phí 360.000 euro.
Các công trình được Pháp ưu tiên thiết kế ánh sáng nghệ thuật trong đại lễ 1.000 năm Thăng Long là Nhà khách chính phủ, công trình tượng đài vua Lý Thái Tổ, toà nhà bát giác thuộc vườn hoa Lý Thái Tổ, đài phun nước vườn hoa Diên Hồng…
Một bản ký kết tài trợ có thể nói là bình thường, chẳng có gì đáng gây ồn ào so với những dự án tiền triệu, tiền tỉ khác, nhưng với những người yêu thích bộ môn trình diễn ánh sáng nghệ thuật, bản ký kết tài trợ của sở Chiếu sáng thành phố Lyon thực sự là một cơ hội quý giá để chiêm ngưỡng sự phối hợp tuyệt vời giữa ánh sáng và kiến trúc.
Bởi Lyon nổi danh toàn thế giới với lễ hội ánh sáng – ra đời từ 158 năm nay – mỗi năm thu hút hàng triệu du khách đến chiêm ngưỡng. Từ lễ hội ánh sáng độc đáo này đã khai sinh ra một loại hình nghệ thuật mới, đó là việc trình diễn ánh sáng trên nền những toà kiến trúc cổ, những công trình công cộng của thành phố, ban đầu là Lyon, nay đã lan rộng khắp nơi trên thế giới.
Từ một biến cố
Việc khai sinh ra lễ hội ánh sáng hoành tráng của Lyon như ngày nay lại bắt đầu từ một biến cố tôn giáo xảy ra vào 1850. Khi ấy, giới chức công giáo ở Lyon phát động cuộc thi tạc tượng Đức Mẹ Maria làm biểu tượng tôn giáo đặt trên đỉnh đồi Fourvière, người được chọn thực hiện công trình này là nhà điêu khắc Fabisch, người Lyon.
Đến ngày 8.9.1852 là ngày được chọn để khánh thành công trình trọng đại của thành phố. Nhưng những trận lụt của dòng sông Saône kéo dài từ tháng 8 đã làm ngập khu vực tạc tượng gần bờ sông, khiến cho việc khánh thành bị đình trệ và phải dời đến ngày 8.12.1852.
Cư dân Lyon rất náo nức với sự kiện này nên đã thắp nến đặt trước các ô cửa sổ ở phần mặt tiền mỗi nhà.
Từ 6 giờ chiều, những ngọn nến đầu tiên đã được thắp lên trên các ô cửa sổ nhiều ngôi nhà rải rác khắp thành phố, đến 8 giờ tối, cả Lyon tràn ngập trong ánh nến lung linh. Người dân nô nức xuống đường, tản bộ khắp các ngả đường đón chào ngày trọng đại này với tâm trạng hân hoan.
Một sự hưởng ứng ngẫu nhiên của cư dân Lyon trong ngày khánh thành bức tượng Đức mẹ Maria năm ấy đã vô tình trở thành một biến cố lớn, một kỷ niệm đẹp trong cộng đồng cư dân Lyon. Và kể từ đó, hàng năm, cứ đến đúng ngày 8.12, người dân Lyon lại thắp nến đặt trên các ô cửa sổ nhà mình. Vẻ đẹp của hàng triệu ngọn nến lung linh trên khung cửa sổ các toà kiến trúc cổ đã được ca ngợi bằng những mỹ từ, người ta ví von đó như một “chuyện tình” đầy lãng mạn giữa ánh sáng và kiến trúc cổ của thành phố Lyon.
Và lễ hội ánh sáng Lyon ra đời từ đó.
Lễ hội ánh sáng
Không thể phủ nhận ánh sáng là một khía cạnh thiết yếu của đô thị, khi mà mọi người đến Lyon những ngày lễ hội ánh sáng đều thoả lòng với những cuộc trình diễn hoành tráng bằng ánh sáng hiện đại trên nền kiến trúc cổ.
Nhưng kể từ khi lễ hội ánh sáng ở Lyon được ra đời, cư dân Lyon vẫn trung thành với lối trang trí từ xa xưa cho lễ hội bằng những ánh đèn nến. Phải đến 1989 tức 137 năm sau, Lyon mới thực hiện một dự án về ánh sáng quy mô nhất cho lễ hội, bằng việc trình diễn chiếu sáng bằng các thiết bị hiện đại trên nền của 250 toà kiến trúc khắp thành phố.
Lễ hội ánh sáng chuyển hướng và nâng tầm lên thành một bộ môn nghệ thuật độc đáo, biến Lyon trở thành trung tâm thiết kế ánh sáng, chiếu sáng công cộng, chính từ lễ hội này đã sản sinh ra những nghệ sĩ ánh sáng cho Lyon và thực hiện cả những công trình kiến trúc khác trên thế giới như Castillo del Morro ở Havana, bảo tàng Hermitage ở Saint Petersburg, bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh, tượng đài Riadh El-Feth ở Algiers, tháp truyền hình Petronas ở Kuala Lumpur…
Đến 2004, dự án chiếu sáng công cộng được mở rộng thêm, việc trình diễn ánh sáng tập trung thêm vào các đền đài, biểu tượng, những dòng sông, ngọn đồi, và cả những con đường chính trong thành phố.
Niềm tự hào
Với người dân Lyon nói riêng, lễ hội ánh sáng là một niềm tự hào, người ta đã thống kê những con số của lễ hội ánh sáng Lyon với 4.000.000 du khách đến tham quan hàng năm, 80 dự án chiếu sáng khắp thành phố, 8.000.000 ngọn nến được thắp trong lễ hội, 3.500.000 người sử dụng giao thông công cộng, 400.000 chương trình phát sóng trên 14 kênh truyền hình, 11 đài phát thanh cùng hơn 250 tờ báo viết bài, đưa tin về lễ hội.
Camille Guilaud, cư dân Lyon kể lại những cảm xúc mùa lễ hội ánh sáng: “Hàng năm có rất nhiều điểm trình diễn ánh sáng ở khắp thành phố, trước đây lễ hội chỉ diễn ra một ngày, nhưng những năm gần đây kéo dài đến bốn ngày, từ ngày 5 đến hết ngày 8.12.
Trước lễ hội, sẽ có những tờ rơi giúp mọi người biết các điểm trình diễn ánh sáng ở những khu vực nào để đến tham quan, nhưng thực sự rất khó để có thể xem hết toàn bộ vì có quá nhiều. Hơn nữa việc di chuyển trong những ngày này tương đối khó khăn vì số lượng người đi xem lễ hội rất đông, bạn phải len lỏi đi giữa dòng người giống như con cá bị nhốt trong cái hộp vậy.
Trước khi đêm xuống, mọi người sẽ tự tìm đến những toà kiến trúc cổ, những điểm trình diễn ánh sáng để chờ đợi trong ồn ào, chật chội, với đủ âm thanh hỗn độn. Nhưng khi ánh đèn bật lên thì ngay lập tức tất cả mọi người đều im lặng. Lúc ấy bạn có cảm giác giống như đang lạc vào một thế giới kỳ ảo nào đó chứ không phải trên trái đất nữa”.
Mỗi năm, các nghệ sĩ ánh sáng lại đem đến cho lễ hội những cuộc trình diễn khác nhau, nhưng gần như ở bất kỳ cuộc trình diễn nào trong lễ hội ánh sáng người xem luôn có cảm giác bất ngờ, choáng ngợp trước vẻ đẹp muôn hình vạn trạng mà ánh sáng thể hiện.
Có năm dòng sông Rhone được phủ bởi những ánh sáng mang hình khối thay đổi màu liên tục, dòng sông tràn ngập ánh sáng như một cơn sóng màu dập dềnh và người xem đứng từ rất xa cũng quan sát được. Nhiều nghệ sĩ ánh sáng còn trình diễn cả những chủ đề như Alice ở xứ thần tiên, hay tạo thêm hiệu ứng với ánh sáng bằng âm nhạc, mùi hương các loại hoa, để tăng thêm các cung bậc cảm xúc cho người xem.
Cho dù mỗi năm các nghệ sĩ ánh sáng thể hiện những tác phẩm chiếu sáng của mình theo nhiều cách khác nhau, nhưng bao giờ người ta cũng thấy ở đó một nét đẹp hoàn hảo, là sự hoà quyện tuyệt vời của ánh sáng với kiến trúc. Camille thêm vào: “Những nghệ sĩ ánh sáng đã biến ảo thế giới thực tại – những gì mà chúng tôi thấy thường ngày ở các toà kiến trúc, con đường, dòng sông, đem lại cho thành phố một nét đẹp độc đáo chỉ bằng ánh sáng.
Lễ hội cũng là nơi hội tụ rất nhiều những nghệ sĩ ánh sáng đến từ khắp nơi trên thế giới, và tôi tin rằng, thành phố của tôi luôn chọn ra những nghệ sĩ tốt nhất để họ thể hiện tài nghệ trên những công trình cho mọi người chiêm ngưỡng”.