Tập đoàn sở hữu Michael Kors, Jimmy Choo và mới đây là Versace đang có tham vọng trở thành một LVMH của nước Mỹ và đã có những kế hoạch cụ thể đầy tham vọng.
Thời trang ngày nay có thể coi như “mặt trận” giữa các tập đoàn thời trang mà trong đó, hai cái tên LVMH và Kering đến từ Pháp là mạnh nhất. Tiếp theo có thể kể đến Puig, OTB, Richemont và mới nổi trong vài năm gần đây là Capri đến từ Mỹ.
Tham vọng được nhìn nhận như một tập đoàn thời trang mạnh nhất tại Mỹ là có thật, nhưng để đạt được điều này, Capri phải làm được hai việc.
Trước hết, Capri phải khôi phục lại hình ảnh và tăng doanh thu của Michael Kors. Kế tiếp là tăng gấp đôi doanh số của tân binh Versace.
Tuy nhiên, để đạt được hai điều đó, tập đoàn cần phải tăng tốc và có kế hoạch cụ thể hơn để thuyết phục các cổ đông, cũng như có thể đối phó với những đối thủ trong nước là Ralph Lauren và mới đây là PVH, cùng kế hoạch “giải cứu thị trường bán lẻ” của tân Chủ tịch Stefan Larsson.
Kế hoạch rõ ràng nhất mà Capri có cho tới thời điểm này là tập trung đầu tư vào tân binh Versace. Dễ hiểu nhất vì thương hiệu Ý này là thương hiệu cao cấp duy nhất của tập đoàn và có nhiều tiềm năng hơn thảy.
CEO của Versace, Jonathan Akeroyd có tham vọng tăng gấp đôi doanh thu và mục tiêu 2 tỉ USD/năm. Hiện tại, trên toàn cầu có 188 cửa hàng của Versace và mục tiêu của hãng đến năm 2022 là gần 300 cửa hàng.
Kế hoạch này mang tính bao quát hơn khi hãng mong muốn những cửa hàng được đặt ở nhiều vị trí địa lý khác hơn.
Ngoài ra, những cửa hàng đang tồn tại sẽ được thay đổi vị trí, nâng cấp để có thể thu hút khách hàng. Đồng thời, chi phí cho marketing sẽ hào phóng hơn, nhất là đối với dòng phụ kiện và túi xách.
- Xem thêm: Không phải Gucci, Balenciaga mới là cái tên khiến các thương hiệu thời trang phát thèm về doanh thu
Về chiến lược sản phẩm, nếu như trước đây Versace tập trung vào quần áo thì trong thời gian sắp tới, hãng sẽ đầu tư hơn vào dòng phụ kiện, túi xách, giày dép và đồ da nhỏ. Ngoài ra, kế hoạch thay đổi nhận diện thương hiệu cũng đã được đề ra nhằm làm mới thương hiệu.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, Versace cần tập trung tài chính và nhân lực vào hai dòng chính là Versace và Versace Atelier, đồng nghĩa hai dòng thời trang khác là Versus và Versace Jeans phải ngưng hoạt động kể từ khi Capri mua lại Versace.
Mùa thu này, bộ sưu tập của Versace sẽ được trình làng với vai trò là một phần của Capri. Sự xuất hiện lại lần này gây hiếu kỳ cho giới thời trang, cũng là kỳ vọng của Capri và nếu tập đoàn đạt được những kế hoạch đề ra thì tham vọng trở thành LVMH của nước Mỹ hoàn toàn khả thi.