Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) ở Washington D.C., ô nhiễm không khí trong nhà thường lớn hơn ngoài trời từ 2 đến 5 lần – và ở mức cực đoan có thể hơn 100 lần – so với không khí ngoài trời.
Matthew S. Johnson, Giám đốc khoa học của Công ty Airlabs, giải thích: “Không khí trong nhà chứa mọi thứ ô nhiễm có ở bên ngoài, cộng với mọi thứ khác nữa góp phần làm tình trạng tệ hại hơn như nấu ăn, khí độc từ các sản phẩm tẩy rửa và vật liệu xây dựng”.
Airlabs là công ty cung cấp cho thị trường các sản phẩm công nghệ lọc giúp giảm 95% không khí ô nhiễm và khí độc hại.
Tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà không được quan tâm đúng mức
Theo tạp chí y khoa The Lancet, mỗi năm ước khoảng 800.000 người tử vong do chất lượng không khí kém trong môi trường làm việc như văn phòng kín.
Matthew S. Johnson cho rằng “hội chứng đau ốm do môi trường kín trong nhà” có thể gây đau đầu dẫn đến giảm năng suất.
Trong thời gian qua, hầu hết sự phát triển kỹ thuật làm sạch không khí trong nhà thuộc về nỗ lực của các kỹ sư ở châu Á – khu vực hãy còn phụ thuộc khá nhiều vào nhiên liệu hóa thạch trong khi quy định luật pháp còn yếu kém nên từ đó dẫn đến sự hình thành một số thành phố được đánh giá là ô nhiễm nhất hành tinh.
Theo số liệu điều tra từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố đầu năm 2018, Ấn Độ có 14 trong số 20 thành phố bị ô nhiễm nặng nhất và nhiều thành phố của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Matthew Clifford, Giám đốc phụ trách các dịch vụ về năng lượng và phát triển bền vững tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương của JLL (Jones Lang LaSalle Incorporated – công ty quản lý đầu tư và dịch vụ chuyên nghiệp của Mỹ chuyên về bất động sản), bình luận: “Hiện nay, Trung Quốc đi đầu trong nỗ lực giám sát chất lượng không khí môi trường trong nhà, một phần là do ô nhiễm không khí ngoài trời lan tràn trên khắp các khu vực quan trọng của đất nước này.
Ngoài việc tránh các tác động xấu của không khí kém chất lượng, những biện pháp cải thiện không khí trong nhà mang lại nhiều lợi ích – như giúp tăng năng suất lao động do ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh”.
Vấn đề là thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc nổi tiếng về vấn đề sương khói nghiêm trọng.
Theo báo cáo năm 2015 của JLL và Công ty tư vấn môi trường Pure Living, 90% các tòa nhà văn phòng ở Bắc Kinh không giảm được tình trạng ô nhiễm vào những ngày không khí xấu. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh đang triển khai nhiều hoạt động khắc phục vấn đề.
Theo số liệu nghiên cứu từ Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International đặt trụ sở chính tại London (Anh), số lượng thiết bị lọc không khí tại Trung Quốc đang tăng đáng kể, gần gấp đôi trong giai đoạn 2012-2013 – thời điểm sương khói đặc biệt xấu – sau đó tăng từ 3,1 triệu năm 2013 và lên 7,5 triệu vào cuối năm 2018.
Một báo cáo năm 2017 cho biết các nhà sản xuất Trung Quốc có nhiều cố gắng đổi mới để đáp ứng nhu cầu như là “sử dụng công nghệ nano để tăng hiệu quả năng lượng và giảm mức độ ồn”. Các công ty và doanh nghiệp Trung Quốc cũng nhìn thấy được lợi ích của việc đầu tư.
Ví dụ, tại các văn phòng ở Bắc Kinh và Thượng Hải, các công ty bề thế như WPP (công ty quảng cáo và quan hệ công chúng đa quốc gia với trụ sở chính tại London, Anh) và PriceWaterhouse Coopers (PwC, một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay cùng với Deloitte, Ernst & Young và KPMG) đã lắp đặt hệ thống lọc không khí để cố giữ các nhân viên giỏi chấp nhận tiếp tục ở lại làm việc.
Khách sạn Cordis ở Thượng Hải (khai trương năm 2017) nằm trong số các doanh nghiệp quảng cáo sở hữu “công nghệ hệ thống lọc không khí hiện đại nhất” và duy trì được chất lượng không khí trong nhà theo tiêu chuẩn của EPA.
Sự đổi mới và nhận thức cũng đang lan ra ngoài khu vực châu Á. Công ty Airlabs bắt đầu lắp đặt hệ thống lọc không khí tại các cửa hàng ở London sau khi các doanh nghiệp nhận ra rằng mức độ NO2 bên trong các cửa hàng khu phố Oxford và Bond tương đương với mức độ ngoài đường phố.
Cửa hàng đầu tiên lắp đặt công nghệ Airlabs – được công bố là lọc 1.800m3 không khí mỗi giờ – là cửa hàng chính của Stella McCartney trên khu phố Old Bond.
Chris Birch từng rất sợ họp muộn về chiều ở văn phòng của Hilson Moran (HM) – công ty tư vấn kỹ thuật ở Manchester (Anh).
Chris Birch, Trưởng phòng Phát triển bền Vững của công ty, cho biết: “Bạn sẽ phải ngồi họp 3 giờ, luôn thấy đau đầu, mệt mỏi và ngột ngạt”.
Cửa sổ trong các phòng hội nghị cũng như các phòng khác của văn phòng bị khép kín quanh năm; vào mùa đông là để ngăn chặn khí lạnh và vào mùa hè để ngăn chặn các hạt bụi, CO2 và NO2 từ khói xe ôtô của phương tiện giao thông đông đúc gần đó bay vào.
Nhưng đóng kín tòa nhà có nghĩa là mỗi lần thở của một người khi họp lâu sẽ làm tăng mức CO2 trong phòng, gây chóng mặt và đau đầu.
Birch nói: “Vấn đề mà chúng tôi gặp phải trong 20 năm là khi thấy trong văn phòng ngột ngạt hoặc nóng, thì người ta mở một cửa sổ để thông gió và bị ngay tiếng ồn và không khí ô nhiễm ập vào”.
Rõ ràng nơi làm việc này không phải là duy nhất, và những trải nghiệm mạch thái dương đập mạnh và thậm chí khó thở khi làm việc hằng ngày ở văn phòng cũng không phải là duy nhất.
Ngay đến máy lạnh cũng không có tác dụng trừ khi hệ thống này có các bộ lọc thích hợp, vì không khí ngoài trời – có khả năng chứa đầy các chất gây ô nhiễm – bị hút vào trong nhà và lưu thông khắp văn phòng.
Tuy nhiên, người ta không nhận thức rõ về vấn đề này. Chúng ta đều rõ chất lượng không khí môi trường ngoài trời nhưng ít biết về nó hơn ở bên trong nhà.
Catherine Noakes, nữ giáo sư khoa Kỹ thuật xây dựng Đại học Leeds (Anh) và nghiên cứu về chất lượng không khí trong nhà, cho rằng vấn đề này đã bị bỏ qua từ lâu bởi vì “nó không mấy rõ ràng lắm”.
Nữ giáo sư lập luận: “Ở ngoài trời, nếu bị ô nhiễm nhiều thì ta nhìn thấy, nếm được và ngửi thấy nó. Nhưng ở trong nhà, ta thường không thể phát hiện được. Mà khi đã không thấy nó, ta thường bỏ qua”.
Tác động đến sức khỏe của chất lượng không khí ngoài trời kém là rõ ràng – không khí ô nhiễm có liên quan đến nhiễm trùng đường hô hấp, ung thư phổi và bệnh tắc nghẽn hô hấp mãn tính (COPD).
Một nghiên cứu kéo dài hai năm của tạp chí y khoa The Lancet cho thấy khoảng 6,5 triệu người chết sớm mỗi năm do chất lượng không khí kém.
Cơ hội tăng trưởng và tiêu chuẩn quốc tế
Hiện tại, không có quy định nghiêm ngặt nào về tiêu chuẩn không khí mà ta hít thở ở nơi làm việc trên khắp thế giới, mặc dù WHO đã xây dựng bộ hướng dẫn trong năm 2009 về chất lượng không khí trong nhà.
Trong khi đó, EPA cung cấp bộ hướng dẫn “chưa thành luật” còn Viện Y tế và Sức khỏe Quốc gia Anh (NICE) đang trong tiến trình xây dựng các hướng dẫn (cũng chưa thành luật) về chất lượng không khí trong nhà cho nhà ở Anh.
Các bộ hướng dẫn dự kiến sẽ được công bố vào năm 2019, và quy mô điều tra cho thấy sẽ bao gồm các biện pháp có thể can thiệp để loại bỏ các nguồn phát ô nhiễm và giới thiệu công nghệ lọc không khí theo tiêu chuẩn.
Về phần mình, các chuyên gia nhận định không chắc chắn những quy định cứng nhắc sẽ mang về lợi ích. Nếu đơn giản chỉ định giới hạn về số phần triệu cho phép của các chất ô nhiễm trong nhà thì điều đó sẽ có thể bị coi là độc đoán.
Mỗi tòa nhà đều khác nhau, và những con số cứng nhắc không tính đến số lượng khách lui tới văn phòng và từ đó hơi thở mọi người có thể vượt lên quá mức an toàn.
Nữ giáo sư Catherine Noakes nhận định: “Đó là điều mà các tổ chức lớn quản lý tòa nhà cần được biết đến. Nhưng, liệu người ta có kiểm soát được nó không? Đó là một câu hỏi khó”.
Philip Whitaker, Giám đốc điều hành nhà sản xuất máy lọc không khí lớn nhất thế giới – AAF Flanders, cho biết công ty “nhìn thấy các cơ hội tăng trưởng lớn lao ở châu Á và châu Âu do nhu cầu lọc không khí ngày càng tăng”.
Cách đây vài năm, Chris Birch – cùng với đội ngũ nhân viên Công ty Hilson Moran – đã chuyển đến một tòa nhà văn phòng mới ở trung tâm thành phố ở Manchester.
Quyết định đó cho phép họ thiết kế nơi làm việc của mình ngay từ đầu và giải quyết vấn đề từ gốc.
Một số hành động rất đáng hoan nghênh khác như là lắp đặt các thiết bị lọc không khí để loại bỏ một số chất gây ô nhiễm có hại nhất. Họ cũng cài đặt một số thiết bị theo dõi để liên tục kiểm tra mức độ CO2, NO2 cùng với các hạt trong không khí để từ đó có thể phát đi cảnh báo sớm nếu chúng chạm đến ngưỡng không thể chấp nhận được. Vật chất dạng hạt (PM) – tức là những mảnh nhỏ xíu trong khói xả của xe hơi – chính là sát thủ hiện diện trong không khí.
Một trong các mảnh nhỏ nhất gọi là PM2.5 (do chỉ có đường kính 2,5 micro mét) có thể xâm nhập mô phổi rồi đi vào dòng máu để từ đó làm hỏng động mạch và gây bệnh tim mạch.
Nitrogen dioxide (NO2) là thành phần gây chết người tiếp theo – gây viêm phổi dẫn tới nhiễm trùng. Chỉ riêng ở Anh, NO2 giết chết 23.500 người mỗi năm.
Theo tiêu chuẩn của WHO, vật chất dạng hạt PM2.5 không được vượt quá 25 microgam trong một mét khối (m3) không khí, nhưng màn sương khói ở Bắc Kinh (được mô tả là “không khí tận thế”) thường xuyên gấp 10 lần mức này – trong đó, thành phố ô nhiễm nhất Trung Quốc là Shijiazhuang (Thạch Gia Trang), với PM2.5 trung bình năm là 305 microgam/m3.
Hiện nay, văn phòng cũng “xanh” hơn rất nhiều. Birch nói: “Chúng tôi đã xem xét một nghiên cứu của NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) về các cây nhỏ làm sạch không khí”.
Công ty chọn một vài loài cây từ danh sách “Top 10” hiệu quả nhất và đặt chúng trong văn phòng mới. Và, Birch mô tả có cái “mùi giống mùi trong ôtô mới”.
“Mùi” sinh ra do các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi – như sơn, chất kết dính, đồ nội thất và thảm được sử dụng trong tòa nhà – phả vào không khí suốt nhiều năm trong quá trình được gọi là “nhả mùi”, như Noakes giải thích.
Để tránh điều này, Hilson Moran chủ động tìm đến các vật liệu ô nhiễm thấp cho đồ nội thất và phụ kiện được chứng nhận bởi Viện Tòa nhà vì Sức khỏe Quốc tế (International WELL Building – IWBI).
Một số phụ kiện thậm chí còn được làm từ vỏ khoai tây được dính kết bằng bột khoai tây. Dù sao, đó cũng là nhiệm vụ khó khăn.
Birch giải thích: “Rất nhiều nhà sản xuất đồ nội thất và thảm ở giai đoạn đó chưa nghĩ đến việc này”.
Công ty chỉ có một vài nhà sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn gọi là “WELL Building Standard” để lựa chọn. Nhưng sau hai năm, số lượng nhà sản xuất và loại mặt hàng mà họ cung cấp đã tăng lên.
Công ty Hilson Moran rất tự hào về văn phòng mới của mình và đề nghị IWBI cấp giấy chứng nhận. Công ty đã qua được vòng kiểm tra, trở thành văn phòng thứ 3 ở Anh – và thứ 1 ở ngoài London vào thời điểm đó – có đề nghị như thế.
Đồng thời, Hilson Moran cũng yêu cầu nhân viên hoàn tất cuộc khảo sát tiêu chuẩn về mức độ hài lòng thông qua việc sử dụng một phương pháp luận chung gọi là BUS – “các nghiên cứu về sử dụng tòa nhà”.
Họ cũng đã thực hiện cuộc khảo sát này khi ở văn phòng cũ, và xếp hạng trong số 10% thấp nhất của khoảng 650 tòa nhà văn phòng khác.
Birch thừa nhận: “Chúng tôi đã thực hiện khảo sát lại tại văn phòng này và nằm trong top 2%. Tôi không cảm thấy một sự khác biệt rõ rệt về chất lượng không khí”. Tuy nhiên, Birch cảm thấy tỉnh táo qua những cuộc họp lâu, muộn về chiều và nhất là không còn thấy đau đầu nữa.