Kết thúc tháng Ba, cũng là kết thúc quý I-2018, thị trường chứng khoán nước ta đang đứng trước một ngả rẽ quan trọng. Nếu xét về điểm số, câu chuyện dường như chỉ toàn màu hồng khi VN-Index đã có tuần giao dịch tăng điểm thứ bảy liên tiếp, đồng thời ghi nhận mức đỉnh mới tại 1.187,42 điểm trong phiên 27-3.
Tính theo tháng, chỉ số đã có tháng tăng điểm thứ bảy liên tiếp, còn tính theo quý thì cũng là quý tăng thứ năm liên tiếp của VN-Index. Chỉ số này đã khép lại quý I với mức tăng lên tới 19,33% (bằng 40% mức tăng của cả năm 2017) và là một trong những thị trường có tăng trưởng quý I cao nhất thế giới. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tiếp nối đà tăng tích cực của quý IV-2017, tốc độ tăng trưởng GDP quý I-2018 của nước ta đạt 7,38% – cao nhất trong 10 năm trở lại đây, là thông tin hỗ trợ không thể tốt hơn cho thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, tháng Tư còn là mùa đại hội cổ đông và kết quả kinh doanh thành công trong quý I của các doanh nghiệp niêm yết sẽ giúp cho rất nhiều cổ phiếu bay cao.
Tuy nhiên, nếu xét về độ thanh khoản, thì tình hình không còn được lạc quan như vậy. Càng về cuối tháng Ba, dòng tiền càng có dấu hiệu suy yếu, thanh khoản mỗi phiên trên cả hai sàn chỉ còn hơn 7.000 tỉ đồng, không bằng riêng sàn HoSE hồi đầu năm. Ngoài ra, sự đồng thuận tăng giá của các cổ phiếu trong một nhóm ngành đã không còn, thay vào đó là sự phân hóa rõ rệt khiến cho độ rộng của thị trường ngay trong những phiên tăng điểm cũng không hề lớn.
Cũng không còn một nhóm ngành “làm mưa làm gió” như dòng cổ phiếu ngân hàng đã làm được trong suốt một thời gian trước đó… Chính do những điều kể trên, dù thị trường đang tăng điểm nhưng độ rung lắc là rất lớn và cơ hội tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn của nhà đầu tư ngày càng thu hẹp.
Có thể nói sự rung lắc của VN-Index một phần do thiếu vắng dòng tiền đến từ các nhà đầu tư tổ chức. Dòng tiền ngoại tỏ ra khá thận trọng thời gian qua (họ có tháng bán ròng đầu tiên trong năm) và chưa có dấu hiệu mua ròng mạnh mẽ như giai đoạn cuối năm ngoái để làm động lực cho sự tăng cao của chỉ số.
Ngoài ra, việc chưa xuất hiện nhóm/ngành nào thay thế dẫn dắt thị trường như dòng cổ phiếu ngân hàng trước đây cũng khiến cho việc đi lên của VN-Index trở nên khó khăn hơn. Việc thị trường chứng khoán thế giới suy giảm cũng là một rủi ro cần tính tới, khi giới đầu tư toàn cầu đang giảm mức nắm giữ cổ phiếu (đặc biệt là cổ phiếu các doanh nghiệp Mỹ) xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng qua. Chính vì những lý do trên, việc ưu tiên kiểm soát rủi ro và tuân thủ nguyên tắc đầu tư của mình là điều cần thiết, bởi thị trường hiện tại rất khó để tìm ra những cổ phiếu được đánh giá tốt và đang ở vùng giá hấp dẫn.
Những ngày đầu tháng Tư, VN-Index vẫn đang dao động trong vùng giá rất cao 1.200 điểm. Thận trọng và kiên nhẫn, vì vậy, có lẽ là điều mà nhà đầu tư cần có trong giai đoạn này, để sẵn sàng chờ đợi thị trường điều chỉnh và “xuống tiền” cho nhóm cổ phiếu mà mình muốn có trong danh mục. Trong quá trình chờ đợi ấy, nhà đầu tư ngắn hạn có lẽ cần duy trì tỷ lệ cổ phiếu và tiền mặt ở mức vừa phải và quan sát thị trường để có thể đưa ra những quyết định hợp lý.
Còn nhà đầu tư trung và dài hạn vốn luôn sẵn tiền trong tài khoản có thể tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt trong danh mục và tận dụng những phiên điều chỉnh nhằm tích lũy thêm một số cổ phiếu được dự báo có triển vọng tăng trưởng tích cực.