Đa số các ngân hàng huy động vốn bằng tiền đồng kỳ hạn ngắn có mức lãi suất thấp hơn trần quy định từ 0,3 – 0,5%/năm. Tác động cộng hưởng giữa nguồn vốn đầu vào giá rẻ dồi dào vẫn đổ vào các ngân hàng thương mại với những dấu hiệu tích cực từ nền kinh tế đã giúp cho tốc độ tăng trưởng tín dụng thời gian qua khá tốt. Chẳng hạn, dư nợ tín dụng tính đến cuối tháng 4 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã tăng đến 1,47% so với đầu năm, một tín hiệu tích cực.
Việc mặt bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới sáu tháng chỉ còn khoảng 5,5 – 5,7%/năm đã giúp các ngân hàng giảm được đáng kể chi phí đầu vào. Không những thế, các tổ chức tín dụng thời gian qua rất tích cực trong việc giảm tối đa chi phí điều hành nên càng có điều kiện cần thiết để giảm lãi suất cho vay. Vậy nên, có thể nói lãi suất cho vay thời gian tới hoàn toàn có thể giảm thêm 1 – 2%/năm và việc giảm này không phụ thuộc nhiều vào khả năng của các ngân hàng mà chủ yếu phụ thuộc vào lĩnh vực kinh doanh và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Những lĩnh vực sản xuất kinh doanh ưu tiên thì đã được vay vốn ưu đãi có lãi suất 7 – 8%/năm. Nhiều ngân hàng còn có những gói cho vay ưu đãi đối với những đơn vị không thuộc năm nhóm lĩnh vực ưu tiên, chỉ cần doanh nghiệp có dự án tốt và tình hình tài chính lành mạnh.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước, thời gian tới các ngân hàng sẽ tập trung triển khai gói tín dụng 10 ngàn tỉ đồng trong lĩnh vực thủy sản, dành cho doanh nghiệp, ngư dân vay vốn phục vụ đóng mới tàu vỏ sắt, cải hoán nâng cấp tàu cũ để vươn khơi bám biển. Gói tín dụng này sẽ được áp mức lãi suất ưu đãi 5%/năm, thấp hơn mặt bằng chung của thị trường hiện nay, đặc biệt là thời hạn cho vay tối đa có thể lên tới 10 năm. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng xây dựng gói tín dụng 12 ngàn tỉ đồng phục vụ cho nhu cầu vay vốn tái canh cây cà phê tại Tây Nguyên…
Vẫn phải khẳng định rằng các ngân hàng không giảm lãi suất cho vay và đặc biệt là nới lỏng điều kiện cho vay với mọi đối tượng. Vừa cho vay phục vụ những chính sách của Nhà nước và đáp ứng nhu cầu giải ngân nguồn vốn, vừa phải phòng ngừa rủi ro, nên các ngân hàng đang rất cẩn trọng trong việc giải ngân. Các ngân hàng cho biết họ sẽ tập trung vào những lĩnh vực đầu tư mới, áp dụng công nghệ mới trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và công nghiệp phụ trợ, để phòng ngừa rủi ro nợ xấu – vẫn đang là nỗi lo của cả hệ thống. Hiện nợ xấu của hệ thống đang được xử lý thông qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), một giải pháp mang tính kéo dài thời gian để cho các ngân hàng “tiêu hóa” các khoản nợ xấu nhờ vào khoản trích lập dự phòng rủi ro. Dù vậy, cách làm này mất khá nhiều thời gian và khiến cho các tổ chức tín dụng không chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng tín dụng mà cả chất lượng của các khoản cho vay mới.
Bên cạnh những nỗ lực đáng ghi nhận của hệ thống ngân hàng thương mại trong việc đẩy mạnh nguồn vốn ra nền kinh tế, việc nâng cao khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp vẫn mang tính quyết định. Để làm được điều này, ngành ngân hàng phải cần đến sự tham gia của nhiều bộ, ngành và việc tăng đầu tư công, qua đó giúp tăng chi tiêu và nhu cầu sức mua của nền kinh tế, tạo ra vòng tuần hoàn tác động trở lại đến tăng trưởng tín dụng và cuối cùng là tăng trưởng kinh tế.
Minh Hằng