Năm nay, bên cạnh việc tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, theo các chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cần tập trung vào xử lý nợ xấu đồng thời với tăng cường giám sát rủi ro của hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, cơ quan này cũng cần nâng cao hơn nữa khả năng dự báo lạm phát và duy trì một chính sách nhất quán, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp về sự nhất quán này.
Một sự cảnh báo về lạm phát ngay từ đầu năm là không thừa. Khi mà tình hình kinh tế cũng như thu nhập của người dân chưa có dấu hiệu tăng thì giá cả đã rục rịch tăng ngay từ tháng 1, với mức tăng 1,25% so với tháng trước (tăng 7,07% so với cùng kỳ năm ngoái). Dù có những nhận định rằng đây là do nhu cầu tiêu thụ tăng lên trong dịp Tết Nguyên đán nên chỉ mang tính nhất thời, áp lực lạm phát sẽ giảm trong những tháng tới, nhưng không vì vậy mà chúng ta có thể chủ quan. Nhiều chuyên gia dự báo lạm phát trong năm 2013 có khả năng cao hơn năm 2012, vào khoảng 8 – 10%, tức là cao hơn so với mục tiêu Quốc hội đặt ra. Một sự cộng hưởng của việc tăng giá lương thực, thực phẩm trên phạm vi toàn cầu với sự tăng của tổng cầu trong nước và sự nới lỏng của chính sách tài khóa sẽ gây áp lực không nhỏ đối với lạm phát. Điểm tựa về một mức lạm phát thấp chủ yếu dựa vào niềm tin rằng các nhà điều hành đã có kinh nghiệm trong việc kiểm soát tình hình, bằng chứng là đã kiềm chế tốt đà tăng của lạm phát trong năm ngoái. Ngoài ra, mục tiêu tăng trưởng GDP nước ta trong năm nay được đánh giá là vừa phải, nên khả năng về một sự nới lỏng chính sách quá mức khó xảy ra.
Để đề phòng lạm phát cao quay trở lại, rất cần một sự kết hợp hợp lý giữa các chính sách tài khóa và tiền tệ.Bởi rõ ràng các chính sách tiền tệ không thể giải quyết được những bất ổn trong khu vực tài chính – ngân hàng – mối bận tâm của xã hội hiện nay. Ngoài ra, các chính sách tiền tệ mang tính hành chính thường gây ra những lệch lạc cho thị trường, dễ thấy nhất là hiện tượng thỏa thuận ngầm nhằm lách trần lãi suất huy động, nghĩa là đã làm giảm hiệu quả của chính sách. Thay cho các công cụ mang tính hành chính như vậy, các nhà điều hành hoàn toàn có thể dùng các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu hơn.
Bên cạnh việc đề phòng lạm phát cao, thì giải quyết nợ xấu (khoảng 8,6% theo công bố của Ngân hàng Nhà nước) là một trong những thách thức lớn nhất của ngành tài chính – ngân hàng trong năm nay. Giải quyết tình trạng này không đơn giản, bởi nợ xấu có dấu hiệu sẽ còn tăng và tình hình hoạt động của một số ngân hàng còn ẩn chứa nhiều rủi ro. Những dấu hỏi về vấn đề an toàn vốn, đặc biệt với các ngân hàng nhỏ, đang rất được dư luận quan tâm. Nhiều sai sót trong vấn đề quản lý rủi ro tại các ngân hàng đã được phanh phui, bên cạnh đó là những bất cập trong công tác kiểm tra và giám sát của Ngân hàng Nhà nước.Chẳng hạn, vấn đề sở hữu chéo từng được đề cập nhưng hiện vẫn chưa có một sự công khai nào về các tỷ lệ nắm giữ cổ phần từ phía các ngân hàng.
Cẩn thận vẫn hơn, việc sớm nhìn nhận ra vấn đề và hướng sự tập trung vào việc tái cơ cấu, đặc biệt là giải quyết nợ xấu của các ngân hàng và đẩy mạnh hoạt động quản lý rủi ro sẽ tạo điều kiện để hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh, giúp sức cho sự tăng trưởng kinh tế.
Minh Hằng