Suốt thời gian vừa qua, các ngân hàng thương mại được cho là thừa thanh khoản. Tiền đồng dồi dào khiến cho các tổ chức tín dụng một mặt hạ lãi suất huy động xuống dưới xa mức trần (5,5%/năm), mặt khác đẩy mạnh việc cho vay. Không những thế, nhờ lãi suất huy động giảm, lãi suất cho vay của các ngân hàng cũng giảm theo, doanh nghiệp vay vốn hưởng lợi. Lần đầu tiên sau nhiều năm, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng tăng mạnh ngay trong quý I – quý có kỳ nghỉ tết kéo dài. Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng trên địa bàn đến hết quý I-2015 đã tăng 3,1% so với cuối năm 2014, là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong năm năm qua. Điều này cho thấy đã có sự phục hồi về kinh tế, các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất kinh doanh khiến cho nhu cầu vốn trên thị trường tăng lên. Cho vay vượt mức nên mới hết quý I, có ngân hàng đã xài gần hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm. Khá nhiều ngân hàng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước xin được nâng hạn mức tín dụng năm nay.
Tuy nhiên, một vài biểu hiện đáng lo ngại đã xuất hiện. Cụ thể, việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong khi huy động vốn không tăng tương ứng khiến cho một số ngân hàng bắt đầu thiếu hụt tiền đồng. Tình trạng căng thẳng về thanh khoản xuất hiện, số ngân hàng có nhu cầu vay tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng tăng lên, lãi suất cho vay cũng tăng, hiện đã ở mức 5,3 – 5,6%/năm đối với hầu hết các kỳ hạn. Đặc biệt, nhu cầu vay qua đêm (nhằm đưa tỷ lệ dự trữ bắt buộc về mức cho phép) tăng mạnh, khiến lãi suất cho vay cũng cao tương ứng. Có những thời điểm, lãi suất kỳ hạn từ cho vay qua đêm đến một tuần trên thị trường liên ngân hàng lên đến 5,7%/năm – mức cao nhất kể từ giữa năm 2013. Bên cạnh việc vay vốn trên thị trường liên ngân hàng, có ngân hàng đã phải đề nghị Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) tái cấp vốn từ trái phiếu đặc biệt để lấy tiền đồng.
Thanh khoản của một số ngân hàng có phần căng thẳng những ngày vừa qua còn có nguyên do từ sự quản lý chặt việc cung tiền đồng của Ngân hàng Nhà nước. Nhiều ngân hàng đang nắm trong tay lượng trái phiếu chính phủ lớn, nhưng gặp khó khăn khi chiết khấu tại Ngân hàng Nhà nước. Điều này ngay lập tức ảnh hưởng đến khả năng phát hành của trái phiếu chính phủ, bởi đối tượng tiêu thụ chính của mặt hàng này là các ngân hàng lớn. Các phiên đấu thầu trái phiếu gần đây thường bị ế là vì vậy.
Những ngày vừa qua, nhà điều hành vừa phải nâng giá trị tiền đồng nhằm kìm giữ tỷ giá – vốn cũng khá căng thẳng suốt thời gian qua, vừa đề phòng chi phí vốn đầu vào tăng nhanh sau việc tăng giá điện, nhiên liệu và các yếu tố chi phí đẩy có thể khiến lạm phát tăng nên đã siết cung tiền đồng để kiềm chế lạm phát. Một phần nhờ chính sách này, phần khác do tổng cầu và năng lực cạnh tranh trong nước chưa cao, nên chỉ số CPI tháng 4-2015 dù có tăng nhưng tốc độ tăng không lớn, chỉ tăng 0,14% so với tháng trước và tăng 0,99% so với cùng kỳ năm 2014. Để giảm áp lực cho tiền đồng, hạ tuần tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước có ngày phải bơm ròng qua kênh thị trường mở 17.000 tỉ đồng, gần gấp sáu lần mức trung bình khoảng 3.000 tỉ đồng/ngày trong suốt năm vừa qua.
Việc tăng thanh khoản cho các ngân hàng thương mại là kịp lúc, vì đã có ngân hàng lẳng lặng tăng lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn ngắn (dù vẫn còn dưới mức trần lãi suất) trong những ngày qua. Nếu sự căng thẳng này không sớm hạ nhiệt, lãi suất huy động và cho vay sẽ tăng trở lại, không có lợi cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Minh Hằng (DNSGCT)