Bạn không muốn tập trung vào một thứ duy nhất mà bỏ rơi tất cả đam mê, sở thích và dự án khác của mình. Nhưng làm thế nào để một người vừa có thể làm nhiều việc, vừa tạo ra tiền bạc mà vẫn tìm được lý tưởng sống đời mình? Cuốn sách “Đa năng trong thế giới phẳng” (tác giả Emilie Wapnick) sẽ cho bạn câu trả lời thỏa đáng.
Cuốn sách “Đa năng trong thế giới phẳng” là câu chuyện đầy cảm hứng của Emilie Wapnick – một người đa năng lực (multipotentialite) theo đuổi công việc với nhiều vai trò khác nhau. Không chỉ dừng chân ở một sự nghiệp cố định, Emilie Wapnick còn là một nhà sản xuất âm nhạc, nghệ thuật, luật sư, đồng thời là tác giả sách… Emilie Wapnick cũng từng xuất hiện trong chương trình TED talk với bài diễn thuyết đạt hơn 5 triệu lượt xem và được chuyển ngữ sang 36 thứ tiếng. Hơn thế, quyển sách “Đa năng trong thế giới phẳng” lại chứa đựng điều đặc biệt. Nó đủ sức thu hút bất cứ ai có nhiều hơn một đam mê dám thử nghiệm dự án mới. Hay ai đó có ý định khiến cuộc sống trở nên thú vị, làm bất cứ điều gì mà bạn mong muốn với vai trò “một người, nhiều việc”.
Khi trưởng thành, mỗi chúng ta loay hoay với câu hỏi: “Bạn muốn trở thành người thế nào?”, chật vật tìm đi lời giải cho một đam mê duy nhất, một chuyên ngành để theo đuổi. Đó có thể bạn trở thành một bác sĩ, kiến trúc sư, nhà hoạt động xã hội, họa sĩ… Tuy nhiên, một số người trong chúng ta lại tò mò thích làm nhiều điều với cuộc sống của mình. Và việc bạn có nhiều đam mê và mục tiêu mang tính sáng tạo là nền tảng của một người đa năng lực (multipotentialite), được Emilie Wapnick đề cập trong quyển sách “Đa năng trong thế giới phẳng”.
Trong quyển sách này, tác giả không chỉ dừng lại ở việc đưa ra định nghĩa hoàn toàn lý thuyết suông về người đa năng lực, mà còn đưa ra ra 3 tiêu chuẩn để những người thuộc nhóm đa năng lực có thể sử dụng làm thước đo để thiết kế cuộc đời đáng sống. 3 tiêu chuẩn đó là: Tiền bạc, Lý tưởng hóa và Sự đa dạng. Từ những tiêu chuẩn này, tác giả gợi ý 4 phương pháp hình mẫu công việc của người đa năng lượng: Phương pháp ôm theo nhóm, dấu xuyệt, phương pháp Einstein và phượng hoàng.
Vì sao người đa năng lực vận dụng những phương pháp này? Theo tác giả, số lượng đam mê của mỗi người rất đa dạng, việc gợi ý những phương pháp này sẽ giúp người đa năng lực giảm bớt khó khăn để theo đuổi đam mê và chọn ra công việc để thực hiện hàng ngày. Đồng thời, các phương pháp này hỗ trợ bạn sẽ biết cách bắt đầu từ đâu để vạch rõ kế hoạch thực hiện công việc, đảm bảo đủ tạo ra giá trị tiền bạc và cảm thấy đời mình ý nghĩa. Mỗi phương pháp cung cấp hàng loạt các bài tập thực hành rất thú vị. Bạn có thể sử dụng nguyên bản hoặc linh hoạt thay đổi để bắt đầu lên kế hoạch thực hiện nhiều công việc, đam mê cùng lúc mà vẫn cảm thấy thú vị, không hề cảm thấy áp lực hay quá tải.
Lần giở những trang sách, độc giả sẽ góp nhặt nhiều câu chuyện thực tế được kể trong “Đa năng trong thế giới phẳng”. Đó là câu chuyện rất đời thường về cô nàng Sara – một giáo viên ở trường tiểu học Waldorf. Ở trường, Sara đảm nhận vai trò giảng dạy các học sinh rất nhiều môn học khác nhau trong khoảng thời gian kéo dài tám năm. Với khối lượng công việc có tính chất đa dạng dàn trải ở nhiều bậc học, Sara đã tư duy sáng tạo chuyển đổi từ cách dạy này sang cách dạy khác để công việc thay đổi liên tục, thêm mới mẻ và hấp dẫn.
Hay những câu chuyện về người đa năng lực tạo dựng thành công, truyền cảm hứng, như tỷ phú Steve Jobs, từ một nhà doanh nhân khởi nghiệp đến nhà phát minh, nhà thiết kế công nghiệp, sự nghiệp nổi tiếng nhất là đồng sáng lập Apple. Steve Jobs đã tham gia cách mạng hóa nhiều lĩnh vực: máy tính cá nhân, âm nhạc và phim hoạt hình… Hoặc độc giả sẽ tìm thấy câu chuyện về nhạc sĩ Patti Smith cũng là hình mẫu tiêu biểu về một người đa năng đảm nhận nhiều vai trò khác nhau. Patti Smith còn là nhà thơ, cây viết hồi ký và nghệ sĩ thị giác. Bà là nhận vật rất có ảnh hưởng trong làng nhạc “punk rock” ở thành phố New York vào thập niên 1970. Đặc biệt, Patti Smith làm việc với nhiều chất liệu nghệ thuật, bà được mệnh danh là “thi sĩ hoàng gia của nhạc punk” vì sự kết hợp tài tình giữa nhạc rock và thơ ca…
Theo Emilie Wapnick, việc một người đa năng lực làm quá nhiều việc không hẳn đồng nghĩa là tầm thường trong mọi việc. “Nếu một cá nhân A bỏ ra 10.000 giờ để học duy nhất một nghề nào đó, trong lúc, cá nhân B học bốn nghề khác nhau với 2.500 giờ mỗi nghề. Thế thì chắc hẳn cá nhân B sẽ ít thành thạo nghề hơn đúng không? Lập luận này chỉ dựa trên ý tưởng rằng kỹ năng chỉ liên quan đến đến lượng. Theo tôi, việc tập trung vào một kỹ năng chuyên môn là điều quan trọng, nhưng nó không phải là yếu tố duy nhất để đánh giá sự thành công, hạnh phúc trong nghề nghiệp hoặc những đóng góp xã hội của mỗi chúng ta. Bạn hãy nghĩ xem, phải chăng người học nhạc hàng chục năm nhất định sẽ viết được những ca khúc hay hơn so với một nhạc sĩ mới chơi nhạc vài năm? Phải chăng một giáo viên có thâm niên dạy ở trường trung học sẽ có những bài giảng chất lượng hơn giáo viên mới vào nghề vài năm? Câu trả lời cho cả hai trường hợp này là không phải. Theo tôi, ngoài yếu tố chuyên môn, tính sáng tạo, sự khéo léo và đam mê cũng quan trọng không kém…”, Emilie Wapnick giải thích.
Dưới góc nhìn của một người trải nghiệm đa dạng ngành nghề, Emilie Wapnick đã làm nổi bật 5 phẩm chất của một người đa năng lực (multipotentialite), bao gồm: Đồng bộ hóa ý tưởng và tham gia giải quyết nhiều vấn đề “hội tụ”, Nhạy bén học hỏi nhanh, Khả năng thích ứng, Dự đoán trước xu hướng, Khả năng kết nối tốt. Thông qua những câu chuyện ví dụ và bài học được đúc kết, độc giả sẽ hiểu được cách những người đa năng lực tư duy, từ đó, biết cách lắng nghe, hợp tác, khai thác tiềm năng của họ một cách phù hợp và đạt hiệu quả cao.
Trong số những phẩm chất đó, khả năng thích nghi là yếu tố quan trọng của người đa năng lực trong thế giới phẳng. Thiết nghĩ, ta có thể nhìn thấy thực tế, trong tình hình đại dịch, khả năng thích nghi khiến chúng ta trở nên linh hoạt hơn trong một nền kinh tế không ổn định. Việc có nhiều nguồn thu nhập từ nhiều công việc tự do khác nhau giúp chúng ta ổn định cuộc sống. Đại dịch giúp chúng ta hiểu câu nói “không nên bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ” thực sự rất đúng đắn. Trong giai đoạn này, khó khăn nhiều nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội để khai phá bản thân ở những khía cạnh mới, mở một lối đi riêng cho mình. Chẳng hạn, nếu mất việc hướng dẫn viên du lịch, chúng ta có thể tìm công việc liên quan đến dạy tiếng Anh tại trung tâm. Nếu mất việc ở vị trí nhân viên ở công ty tư vấn bán hàng, bạn có thể học hỏi thêm nghề “makeup artist”. Nếu đang là nhân viên marketing cho công ty đa quốc gia, bạn yêu thích về thiền thì có thể chuyển sang làm HLV yoga trị liệu sức khỏe tinh thần…
Theo Emilie Wapnick, sự thử nghiệm là chìa khóa để người đa năng lực bình tĩnh tìm hiểu các lĩnh vực mới và biết rõ tiềm năng, mặt hạn chế của bản thân. Từ đó, bạn có thể tự do lựa chọn và đi đúng hướng với những đam mê đời mình. Bởi vì, cuộc đời của mỗi người sống một lần duy nhất, sao bạn cứ phải lựa chọn một thứ khi chúng ta còn chưa biết hết khả năng của mình. Lời khuyên dành cho những người đa năng khi mong muốn dịch chuyển từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác, Emilie Wapnick chia sẻ rằng: “Khi bạn rời bỏ công việc hiện tại để theo đuổi một cuộc phiêu lưu mới, chắc chắn sẽ có người bị ảnh hưởng bởi sự ra đi của bạn. Hãy cố gắng tôn trọng những cảm kết mà bạn đã đưa ra và làm những gì mình có thể, để khiến sự thay đổi diễn ra càng êm xuôi càng tốt đối với những người trông cậy bạn, bao gồm người tuyển dụng, đồng nghiệp và khách hàng của bạn. Điều đó có thể đồng nghĩa với việc thong báo trước cho sếp của bạn một cách tinh tế, lưu lại thêm vài tuần để hoàn thành nốt một dự án mà bạn đang làm dang sở hoặc giúp đào tạo người thay thế bạn, nếu việc đó phù hợp…”.
Với nhiều kiến thức diễn giải chi tiết và sinh động, cuốn sách “Đa năng trong thế giới phẳng” đuợc bố cục theo từng chủ đề, với các chủ đề là các ví dụ bằng biểu đồ, tips thực hành ngắn để độc giả cầm bút lên và ghi chú vào giấy… Các phần nội dung như: Cách chọn ra dự án ưu tiên thực hiện trong hàng loạt đam mê bằng mô hình lưu đồ (flowchart), cách sắp xếp thời gian phân bổ hợp lý giữa nhiều công việc cùng lúc bằn kỹ thuật quả cà chua, các ví dụ về lĩnh vực liên ngành để người đa năng lực thử nghiệm khi chóng chán công việc hiện tại… được tác giả liệt kê và phân tích ở phần sau quyển sách. Bạn đọc có thể đọc từ đầu đến cuối để có cái nhìn rõ ràng hơn về thế mạnh của người đa năng lực (multipotentialite); hoặc có thể chọn đọc theo ưu tiên vấn đề mình đang cần tìm hiểu.
“Đa năng trong thế giới phẳng” – Quyển sách thực sự mang đến góc nhìn mới mẻ, truyền cảm hứng để bạn tự cho phép bản thân trở thành bất cứ điều gì bạn muốn. Dù một bất kỳ một sở thích nào bạn có trong đời, hãy làm nó thật chân thành, nghiêm túc và cố gắng bằng hết trái tim và nỗ lực trau dồi kiến thức. Và quan trọng hơn cả, một cuộc đời thành công là cuộc sống có ý thức và theo đuổi con đường của chính mình chứ không phải chạy theo những giấc mơ hay hoàn thành những kỳ vọng của người khác. Vì vậy, hãy luôn nắm bắt những cơ hội mới, để tinh thần thoải mái trải nghiệm và thích nghi với mọi sự thay đổi trong thế giới phẳng đầy năng động này.
Emilie Wapnick cũng từng xuất hiện trong chương trình TED Talk với bài diễn thuyết đạt hơn 5 triệu lượt xem và được chuyển ngữ sang 36 thứ tiếng. Cô cộng tác với các tờ báo và kênh truyền hình lớn như: The New York Times, Fast Company, Forbes, The Huffington Post, BBC… Cuốn sách “Đa năng trong thế giới phẳng” của Emilie Wapnick đã thắng giải thường Nautilus Book 2017.