Sân bay Changi của Singapore, một trong số sân bay tốt nhất thế giới hiện nay, dự kiến cuối năm 2017 sẽ triển khai công nghệ nhận dạng khuôn mặt tự động ở nhà ga hàng không mới. Khuôn mặt hành khách sẽ được số hóa lần đầu tiên vào lúc làm thủ tục đăng ký.
Quá trình này sẽ giúp hành khách có thể nhanh chóng qua mọi khâu kiểm tra khác (an ninh, xuất – nhập cảnh) mà không cần đến nhân viên an ninh. Nhờ vậy, thời gian chờ đợi của đoàn người rồng rắn tại các sân bay sẽ trở thành những khoảnh khắc dễ chịu.
Đây là sân bay đầu tiên áp dụng phương pháp kiểm tra tự động hóa, tiến đến việc hành lý sẽ do người máy thu cất, hành khách sẽ ngồi chờ trong những gian phòng được biến thành vườn cây.
Tại Hàn Quốc, người máy đã xuất hiện tại một số sân bay lớn, trong đó có sân bay Seoul, Incheon, để làm nhiều việc khác nhau, như vận chuyển hành lý, lau dọn. Còn sân bay mới của Singapore sẽ được trang bị người máy quét dọn.
Máy tự động làm thủ tục đăng ký và in thẻ lên máy bay thời gian qua đã trở nên phổ biến. Nhiều hành khách đã có thể tự in vé ở nhà hay tại sân bay. Các sân bay đang tìm cách cải thiện hình ảnh để thu hút thêm hành khách trung chuyển. Một số sân bay đưa thêm hệ thống tự làm thủ tục gửi hành lý, giúp hành khách in và dán thẻ lên hành lý của mình sau khi đã nhập thẻ lên máy bay. Sau đó, họ chỉ việc đặt hành lý lên băng chuyền.
Tại Úc, hồi tháng 7 vừa qua chính phủ thông báo đầu tư 15,1 triệu euro vào công nghệ nhận diện khuôn mặt, dự định được áp dụng tại các sân bay của Úc. Dubai Airports cũng nghĩ đến việc này.
Các sân bay ở châu Á – Thái Bình Dương và khu vực Trung Đông đi đầu trong lĩnh vực này, đồng thời cũng cạnh tranh nhau gay gắt, bỏ xa các đối thủ ở châu Âu và Hoa Kỳ.
Theo ông Seth Young, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàng không tại Đại học Ohio (Mỹ), đây là hai khu vực chính tăng cường sáng kiến công nghệ vì cả hai cạnh tranh thực sự để trở thành các cảng hàng không quốc tế. Trong khi đó, Hoa Kỳ và châu Âu từng đi đầu trong thị trường hàng không gần cả trăm năm trước đây, nhưng lại rất khó cải tiến cơ sở hạ tầng trên nền móng được xây cách đây 75 năm.
Tuy nhiên, thay đổi cũng đồng nghĩa với thách thức lớn vì hoạt động tại sân bay sẽ bị xáo trộn, đồng thời chi phí cải tạo sẽ rất lớn.
Một số sân bay tại châu Âu và Hoa Kỳ sẵn sàng đầu tư nhiều hơn. Sân bay chính John F. Kennedy ở New York dự tính chi 10 tỉ USD để cải tạo cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng yêu cầu tự động hóa.
Tương tự, sân bay Amsterdam – Schiphol (Hà Lan) có tham vọng trở thành sân bay số hóa đầu tiên trên thế giới từ nay đến năm 2019 với công nghệ sinh trắc học và soi hành lý xách tay mà hành khách không cần phải bỏ máy tính xách tay và chất lỏng ra ngoài.