Phỏng vấn là hình thức thu thập thông tin và dữ liệu thông qua việc đặt câu hỏi. Trong khoảng thời gian nhất định, làm sao để bạn khai thác được thông tin đầy đủ và chính xác nhất? Điều này phụ thuộc nhiều vào cách đặt câu hỏi. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ các lưu ý đặt câu hỏi cho người mới bắt đầu thực hành phỏng vấn.
Phỏng vấn là một phương pháp thu nhập thông tin thông qua việc đặt câu hỏi. Nói đơn giản, đó là cuộc đối thoại nhằm khai thác thông tin, tìm hiểu quan điểm, cảm xúc của nhân vật. Phỏng vấn nhằm nâng cao tính chân thực, khách quan cho thông tin thu thập được. Từ những thông tin thu thập được từ chuyên gia hay người có kiến thức về lĩnh vực đó, chúng ta sẽ đúc kết được bí quyết và kiến thức hữu ích, mang tính thực tế.
Trong các cuộc phỏng vấn, câu hỏi luôn là một phần rất quan trọng, quyết định chất lượng và nội dung bài viết. Với những người mới bắt đầu còn nhiều bối rối, chỉ cần vận dụng tốt các lưu ý sau.
Bước đầu tiên này sẽ giúp bạn đi đúng trọng tâm, khai thác đầy đủ những thông tin cần thiết và luôn giữ thế chủ động trong cuộc phỏng vấn. Bạn cũng cần gửi trước những câu hỏi này cho người được phỏng vấn để họ có sự chuẩn bị cho phần trả lời của mình.
Thông thường, những nhân vật được phỏng vấn khá bận rộn, việc bạn đưa quá nhiều câu hỏi có thể khiến họ bị bối rối, thậm chí quên mất các câu trả lời đã chuẩn bị. Vì vậy, chỉ cần đưa ra các câu hỏi quan trọng, đánh đúng trọng tâm vấn đề. Nên bắt đầu với 5 – 6 câu hỏi quan trọng nhất. Sau đó, tùy theo câu trả lời của người được phỏng vấn mà có thể trao đổi thêm 3 – 4 câu hỏi mở rộng.
Mở đầu với câu hỏi thân thiện
Mở đầu buổi phỏng vấn nên là những câu chào hỏi tự nhiên. Một số câu hỏi xã giao không liên quan đến đề tài phỏng vấn như các vấn đề xã hội, thời tiết, đội bóng yêu thích hay là những món đồ nội thất trong phòng… Sau đó bạn khéo léo đi vào những câu hỏi đã chuẩn bị trước. Việc mở đầu như vậy sẽ giúp người được phỏng vấn có tâm thế thư giãn, thoải mái và gần gũi hơn. Nhờ vậy, họ sẽ sẵn lòng chia sẻ với bạn hơn.
Kết thúc bằng câu hỏi gợi mở
Buổi phỏng vấn thông thường sẽ được kết thúc bằng những câu chào và cảm ơn nhân vật được phỏng vấn. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, bạn có thể hỏi thêm một số ý như: “Còn điều gì quan trọng tôi quên chưa hỏi không?”, “ Ông/bà có thể gợi ý hoặc giới thiệu cho tôi ai đó cũng am hiểu về lĩnh vực này không?”, “Tôi có thể gọi lại nếu có thêm những câu hỏi khác chứ?”…. Những câu hỏi này sẽ giúp bạn hoàn thiện bài phỏng vấn của mình, đồng thời có thêm gợi ý cho nhân vật hoặc đề tài phỏng vấn tiếp theo.
Tránh đặt các dạng câu hỏi sau
Để cuộc phỏng vấn đạt hiệu quả cao, đây là những câu hỏi bạn cần tránh:
- Câu hỏi có nhiều ý: Những câu hỏi có nhiều ý lồng ghép nhau dễ làm người nghe bị rối, khó đưa ra câu trả lời chính xác. Ví dụ như “Anh thấy đâu là những điểm tốt ở thời điểm hiện tại và nó có khác gì so với trước đây?”, bạn có thể tách câu này thành hai câu riêng biệt để nhân vật dễ trả lời hơn. Các câu hỏi phỏng vấn phải chứa ý đơn, ngắn gọn và dễ nắm bắt.
- Câu hỏi định hướng: Nên tránh những câu hỏi có tính dẫn dắt, lồng ghép ý kiến chủ quan của người hỏi. Những câu hỏi dạng này dễ khiến nhân vật có cảm giác khó chịu khi phải trả lời theo hướng bạn muốn, mất đi tính khách quan. Nếu để nhân vật trả lời theo suy nghĩ của họ, bạn sẽ nhận được rất nhiều thông tin và ý kiến đáng giá. Ví dụ như: “Anh có nhận thấy cách giải quyết tình huống của doanh nghiệp B chưa mang lại hiệu quả lâu dài không ạ?”
- Câu hỏi đóng (câu hỏi yes/no): Những câu hỏi dạng này không có tính gợi mở cho nhân vật, khiến họ khó lòng chia sẻ thêm thông tin. Trong một vài trường hợp, chẳng hạn như khi nhân vật lảng tránh, không nói đúng trọng tâm thì dạng câu hỏi này sẽ giúp xác nhận lại vấn đề.
- Câu hỏi đi sâu vào đời tư (trừ khi mục đích của cuộc phỏng vấn là như vậy): Những câu hỏi liên quan quá nhiều đến đời tư sẽ khiến nhân vật khó chịu, ngột ngạt. Dù bạn muốn khai thác điều gì thì cũng cần sự khéo léo và tế nhị.
- Câu hỏi đương nhiên (còn gọi là câu hỏi có một đáp án): chẳng hạn như “Mong muốn lớn nhất của nhà văn khi tác phẩm được công bố đến độc giả là gì?”, câu trả lời chắc chắn là “Được độc giả đón nhận”. Những câu hỏi này không đem lại thông tin gì mới, và tất nhiên là không giúp ích gì cho cuộc phỏng vấn.
Sử dụng câu hỏi thông tin
Đó là những câu hỏi cụ thể, chi tiết, khiến nhân vật phải trả lời chính xác và không xa rời cuộc phỏng vấn. Câu hỏi thông tin phải là câu định lượng chứ không phải định tính, ví dụ như: “3 tỷ tài sản và 81 nghìn lao động tính từ lúc thành lập đến nay, con số này có ý nghĩa thế nào với ông?” hay “Theo ông, quản lý một tập đoàn đang trên đà phát triển sẽ được thực hiện thế nào?” Càng nhiều câu hỏi dạng này thì bạn càng có nhiều thông tin để bài viết thêm phong phú.
Lồng ghép các câu hỏi mở rộng
Như đã đề cập ở trên, các câu hỏi mở rộng sẽ được bổ sung tùy theo câu trả lời của khách mời. Nếu trong cuộc phỏng vấn, nhân vật đề cập đến một vấn đề mới mà bạn chưa hiểu rõ, hãy chủ động đón nhận thông tin, hỏi lại thật rõ ý mà họ muốn nói.
Thông thường, nếu không quá bận rộn, họ có thể chia sẻ thêm thông tin cho bạn từ bước cơ bản nhất. Những kiến thức này, nếu liên quan đến đề tài đang phỏng vấn thì sẽ giúp bài viết có chiều sâu hơn, nếu không liên quan, bạn có thể giữ làm kiến thức của riêng mình, hoặc chất liệu cho đề tài phỏng vấn tiếp theo.
Đặt câu hỏi đúng chính là chìa khóa để tạo nên cuộc phỏng vấn thành công. Trong phạm vi bài viết chỉ đề cập đến những lưu ý cơ bản, giúp bạn không bị bỡ ngỡ khi bắt đầu làm quen với hình thức phỏng vấn. Nếu nắm vững và thực hành tốt, bạn sẽ dễ dàng thu thập được các thông tin hữu ích và cho ra đời nhiều bài viết chất lượng. Bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều kỹ năng chuyên sâu khác, sẽ được đề cập trong những bài viết sau này. Hãy tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến của bạn ngay dưới bài viết nhé!