Sau nhiều giải pháp của chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thực trạng thu ngân sách đang đặt ra nhiều lo lắng khi trong năm tháng qua chỉ mới đạt 299.000 tỉ đồng bằng 36,6% dự toán và chỉ tăng 0,7% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Các nhóm giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra nhằm cứu vãn tình trạng này không sáng tạo gì hơn trước đây bao gồm:
(1) Triển khai thực hiện Luật Thuế giá trị gia tăng, Thu nhập doanh nghiệp và Thu nhập cá nhân. Các loại thuế này trong năm 2013 đã giảm 7.000 tỉ đồng và dự kiến năm 2014 là 36.000 tỉ đồng. Thực chất đây là số vốn đang để lại cho doanh nghiệp tái đầu tư, tái sản xuất và tạo động lực phát triển kinh tế cũng như tăng ngân sách sau này.
(2) Tăng cường quản lý chống thất thu, xử lý tồn đọng thuế, chống buôn lậu, bảo đảm thu đúng, đủ và kịp thời.
(3) Thực hành tiết kiệm trong năm 2013, cụ thể là tiết kiệm 10% chi phí thường xuyên ngoài lương trong những tháng còn lại, tiết kiệm 20% chi phí điện nước và tiết kiệm 30% dự toán kinh phí đã phân bổ cho năm 2013 của các hoạt động lễ hội, tiếp khách, đi công tác.
Các biện pháp được Bộ trưởng đưa ra nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn còn là giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 22% từ năm 2014 tập trung vào các lĩnh vực cần thu hút đầu tư, trước mắt từ đầu tháng 7 này áp dụng thuế suất 20% đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ có doanh thu dưới 20 tỉ đồng/năm. Về thuế GTGT áp dụng 5% với các hoạt động cho thuê, mua nhà ở xã hội, nhà có diện tích nhỏ.
Các doanh nghiệp vẫn chưa có phản ứng tích cực trước các giải pháp này và đang trông chờ một sự đột phá hơn nữa dù vẫn biết thu ngân sách đang là bài toán khó của ngành tài chính.
Gia Minh tổng hợp