Thị trường ôtô Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với rất nhiều cơ hội và thử thách mang tính thời cuộc. Những thành công ấn tượng về doanh số, những cơ hội mới tại khu vực và sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa các doanh nghiệp kinh doanh dòng xe nhập khẩu và dòng xe sản xuất – lắp ráp nội địa là những điểm đáng quan tâm của thị trường trong thời gian gần đây.
Nhẹ nhàng bước qua mùa thấp điểm
Sự giảm nhẹ về doanh số trên tất cả các dòng xe của thị trường trong tháng 8 (theo số liệu công bố của VAMA) so với tháng trước đó được lý giải rằng đó là tháng kiêng kỵ mua sắm theo Âm lịch, nhưng xem ra vẫn đạt mức độ tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm 10% so với tháng 7 được khỏa lấp bằng mức tăng đến 45% so với cùng kỳ năm trước với lượng xe tiêu thụ được là 18.236 chiếc trong tháng 8. Như vậy, cộng chung tám tháng đầu năm nay, mức tiêu thụ của thị trường ôtô Việt Nam đạt 142.077 xe, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước. Ngôi vị quán quân vẫn thuộc về thương hiệu Toyota khi tiêu thụ được 31.474 xe, theo sát là Kia với 11.726 xe và Ford với 11.710 xe. Nhờ vào sự hiện diện của nhiều mẫu xe hot nhất hiện nay trên thị trường, thương hiệu Mazda cũng đạt kết quả kinh doanh ấn tượng trong tám tháng khi tiêu thụ được 11.452 xe. Trong khi đó, ở mức thấp hơn khá xa, Honda và GM đang chậm bước với lượng xe bán được lần lượt chỉ 4.935 chiếc và 4.178 chiếc. Tháng 8 cũng là tháng đánh dấu sự thành công kép dành cho thương hiệu xe Ford tại Việt Nam khi không chỉ có kết quả kinh doanh tốt nhất từ trước đến nay, mà còn được bầu chọn là một trong hai thương hiệu (cùng với thương hiệu Mercedes-Benz) được giới truyền thông săn đón nhiều nhất. Trên phân khúc xe sang, doanh số bán hàng của hai thương hiệu thuộc VAMA cũng tạm đủ để đánh giá mức độ thành công khi Mercedes-Benz bán được 356 xe trong tháng 8 đưa tổng số xe tiêu thụ được trong tám tháng đầu năm lên 2.518 chiếc (tăng 54% so với cùng kỳ năm trước), trong khi Lexus của Toyota dù đạt con số thấp hơn nhưng sức tăng trưởng 258% so với cùng kỳ năm trước rõ ràng cũng rất khả quan. Như vậy, sắp qua mùa thấp điểm, thị trường ôtô Việt Nam vẫn thể hiện được sự tăng trưởng khá ổn định cùng với sự hiện diện của nhiều mẫu xe mới nhất trên tất cả các phân khúc. Điều đó cho thấy dự đoán cột mốc 200.000 xe được tiêu thụ trong năm nay đang dần trở thành hiện thực và tình hình thị trường sẽ còn sôi động vào dịp cuối năm.
Liệu có cơ hội thay đổi vị thế trong khu vực?
Các số liệu thống kê cho thấy cùng với hiện tượng sụt giảm doanh số từ các thị trường đầu tàu trong khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia, những thị trường bị đánh giá là nhỏ bé hơn gồm Philippines, Việt Nam hay Singapore lại đang có nhiều cơ hội tiến lên khi liên tục tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều tháng qua. Cụ thể, trong quý II-2015, cả sáu thị trường trong khu vực chỉ tiêu thụ được 676.865 xe, giảm gần 16% so với con số của cùng kỳ năm trước (804.886 xe), trong đó thị trường Indonesia chỉ đạt 243.200 xe (giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái), thị trường Thái Lan đạt 171.734 (giảm gần 21%) và thị trường Malaysia đạt 153.878 xe (giảm hơn 11%). Ngược lại, thị trường Philippines lại có một quý tăng trưởng mạnh mẽ với số xe tiêu thụ đạt 70.950 chiếc (tăng 16% so với cùng kỳ năm trước), đưa tổng lượng xe bán ra của toàn thị trường này trong nửa đầu năm nay lên đến 142.154 chiếc. Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Philippines dự đoán trong năm nay, mức tiêu thụ ôtô tại nước này sẽ có thể đạt kỷ lục 310.000 chiếc dựa trên mức cầu tăng mạnh, tính linh hoạt trong kinh doanh và sự đa dạng của các sản phẩm đến từ nhiều thương hiệu. Tại Singapore, sau nhiều năm bị chựng lại, thị trường ôtô đã có những tháng tăng trưởng khá tốt trong nửa đầu năm nay, cụ thể là lượng xe bán ra trong quý II tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 18.599 chiếc, đưa tổng số xe tiêu thụ được trong nửa đầu năm lên 31.895 chiếc, tăng gần 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường ôtô Việt Nam đang trở thành điểm sáng mới trong khu vực khi chỉ tính riêng trong quý II năm nay, đã có 50.877 xe được bán ra, tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa tổng lượng xe bán được của sáu tháng đầu năm lên 91.711 chiếc.
Sự sụt giảm mức tiêu thụ tại các thị trường lớn trong khu vực đều có chung nguồn gốc là nền kinh tế gặp khó khăn, tiền tệ mất giá kéo theo sức mua nội địa và sản lượng xuất khẩu đều giảm. Ngành công nghiệp ôtô của cả Thái Lan, Indonesia và Malaysia đều công bố giảm doanh số dự đoán trong cả năm 2015. Cụ thể, Indonesia giảm từ 1,1 triệu xe xuống còn 950.000 xe, Thái Lan giảm từ 950.000 xe xuống 850.000 xe và Malaysia giảm từ 680.000 xe xuống 670.000 xe. Ngược lại, nhờ kinh tế tăng trưởng ổn định cùng tiềm năng dồi dào về nhu cầu sở hữu ôtô trong xã hội, thị trường ôtô Việt Nam có nhiều khả năng bứt phá, trở thành đối thủ ngang tài ngang sức với các quốc gia đầu tàu trong khu vực nếu những chiến lược phát triển thị trường phù hợp được kịp thời triển khai để tận dụng thời cơ.
Sàn trình diễn riêng có phải là một chiến lược hợp lý?
Sau nhiều năm gắn bó, cuối cùng hai dòng xe nhập khẩu và sản xuất – lắp ráp trong nước cũng chia tay nhau khi tin về hai cuộc triển lãm ôtô lớn trong năm đã được chính thức thông báo. Sự chia tay tạo nên nhiều nuối tiếc khi thị trường ôtô Việt Nam vừa có một kỳ triển lãm hoành tráng hồi cuối năm 2014 với những dự tính sẽ có những cuộc triển lãm bùng nổ hơn trong các năm sau. Thế nhưng, sự kết hợp từ bảy thành viên với chín thương hiệu xe nhập khẩu đã thúc đẩy sự ra đời của Việt Nam International Motor Show 2015 (VIMS 2015), tách khỏi Việt Nam Motor Show truyền thống, nhưng nay chỉ còn 11 thành viên với 16 thương hiệu xe quen thuộc và các thương hiệu chuyên về công nghiệp phụ trợ. Tại hầu hết các quốc gia, triển lãm ôtô thường là cơ hội để các thương hiệu ôtô tụ họp, phô diễn những mẫu xe và công nghệ độc đáo nhất của mình với mục tiêu thu hút sự chú ý của khách hàng, tăng giá trị thương hiệu, đồng thời góp phần tạo nên dấu ấn đối với thị trường quốc tế điển hình. Vì vậy, hầu hết các cuộc triển lãm như Tokyo, Detroit hay Franfurt… đều được kỳ vọng sẽ đạt được quy mô càng lớn càng tốt cả về không gian lẫn số lượng thương hiệu tham gia. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngược lại vì nhiều nguyên nhân khác nhau và sắp tới ở Việt Nam cũng có ngoại lệ đó.
Gần đây nhất, cuối tháng 8 vừa qua, thị trường ôtô Indonesia cũng từng gây lúng túng cho giới truyền thông trong và ngoài nước khi bất ngờ đồng thời khai mạc hai triển lãm ôtô là Indonesia International Motor Show 2015 (IIMS) và Gaikindo Indonesia International Auto Show 2015 (GIIAS) tại hai địa điểm khác nhau. Nguyên nhân chính được tờJakarta Globe lý giải là do sự bất đồng quan điểm về diện tích nơi tổ chức. Trong khi Hiệp hội Ôtô Indonesia muốn thay đổi quy mô của cuộc triển lãm thường niên lên một tầm cao mới cả về giá trịảnh hưởng và diện tích tổ chức thì các đối tác cũ vẫn muốn duy trì địa điểm tổ chức truyền thống. Cuộc chia tay đã diễn ra theo một phương thức rất sòng phẳng kiểu “Anh đi đường anh, tôi đi đường tôi”, dẫn đến sự chia tách nói trên. Chưa biết thành công của cả hai cuộc triển lãm sẽ như thế nào, chỉ thấy rõ một thực tế là khách hàng và giới truyền thông hoàn toàn bối rối trước việc lựa chọn nơi nào nên đến. Điều đó đồng nghĩa với việc các thương hiệu bị mất nhiều cơ hội tiếp cận với khách hàng, cùng hiệu quả quảng bá cũng giảm sút.
Tương tự, với số lượng hạn chế các thương hiệu tham gia VIMS 2015, liệu sự kiện này có đủ sức tạo nên tính hoành tráng xứng tầm với vị thế như các thành viên của nó mong đợi? Khách tham quan sẽ thấy gì trên sàn diễn khi tất cả đều là những ngôi sao sáng na ná nhau hoặc là chẳng có gì nổi bật giữa họ để so sánh? Thôi thì, hãy chờ xem!
Huỳnh Khôi (DNSGCT)