Dạo khắp hoàn cầu (1929) là quyển sách du ký có giá trị không chỉ vì ông Bùi Thanh Vân là người Việt đầu tiên du lịch ở châu Mỹ, Nam Phi đầu thế kỷ XX mà vì các nhận xét và thông tin của ông cho ta thấy tình hình kinh tế, xã hội trên thế giới giai đoạn này, trong đó toàn cầu hóa trở thành hiện thực…
Vào đầu thế kỷ XX, người Việt ít ai có cơ hội đi ra nước ngoài quan sát học hỏi. Hai quyển sách du hành ký có giá trị về lịch sử, kinh tế xã hội trong giai đoạn này xuất bản ở Sài Gòn là Lữ Trung ký sự (1932) và Saigon – Thượng Hải – Hoành Tân (1930). Ngoài ra còn có các cuốn Tôi có đi chơi bên nước Nhựt Bổn và nước Tàu (1923) và Dạo khắp hoàn cầu (1929) in ở Huế của ông Bùi Thanh Vân, người gốc Bến Tre, làm thông ngôn trong triều đình Huế.
Dạo khắp hoàn cầu (1929) là quyển sách du ký có giá trị không những vì ông Bùi Thanh Vân là người Việt đầu tiên du lịch châu Mỹ, Nam Phi đầu thế kỷ XX mà vì các nhận xét và thông tin của ông cho ta thấy tình hình kinh tế, xã hội trên thế giới vào giai đoạn này, trong đó toàn cầu hóa trở thành hiện thực khi khủng hoảng kinh tế xảy ra cuối năm 1929 ảnh hưởng đến mọi nơi.
Bùi Thanh Vân ra Huế làm việc từ khi còn thanh niên, quốc tịch Pháp, có viết ký sự về chuyến đi qua Trung Quốc và Nhật Bản sau khi ông về hưu. Cuốn Tôi có đi chơi bên nước Nhựt Bổn và nước Tàu có nhiều tư liệu về sự thông thương giữa Việt Nam và Hongkong. Trước đó ông còn viết các sách bằng tiếng Pháp.
Ông cũng là người thành lập Trường nhạc Pháp (École de Musique Francaise), Trường nhạc Quảng Đông (École de Musique Cantonnaise), và Trường hát bội tài tử Annam (Théâtre d’amateurs Annamite) ở Huế.
Năm 1929, lúc về hưu (nhà ông ở đường Jules Ferry, Huế), ông đi du lịch toàn cầu. Trong cuốn Dạo khắp hoàn cầu ông tả chi tiết cách thức ông sửa soạn, làm những gì ở các địa điểm, tiền gởi ngân hàng, rút từ chi nhánh ở các nước… Có các hãng tàu của Pháp, Anh và Mỹ đi vòng quanh thế giới nhưng các lộ trình thì ông không ưng và ông chọn hãng tàu Nhật Osaka Shosen Kaisha. Lộ trình như sau: Saigon – Singapore – Colombo – Durban – Cape Town (Nam Phi) – Montevideo – Buenos Aires – Rio de Janeiro – Santos – Vitoria (Nam Mỹ) – New Orleans – Galveston, Cristobal hay Colon (Bắc Mỹ) – kênh đào Panama – Balboa hay là Panama – Los Angeles (California) – Yokohama – Kobe – Hongkong – Saigon.
***
Để đón tàu La Plata Maru của hãng Nhật ghé ở Singapore đi theo lộ trình vòng quanh thế giới, ông phải đi tàu từ Sài Gòn sang Singapore.
Tàu La Plata Maru dài 133m, nhân viên 112 người toàn người Nhật nhưng đều biết nói tiếng Anh. Tàu có hồ bơi. Hành khách và nhân viên tổng cộng khoảng 1.000 người. Ông Vân là người Việt duy nhất trên tàu nhưng mua vé ở phòng hạng nhất.
Ngoài số ít ở phòng hạng nhất đa số là người Âu, còn số người ở phòng khác là người Nhật đi qua Ba Tây (Brazil) lập nghiệp.
Khi tàu đến Durban, ông có dịp lên bờ chơi. Thành phố có 3 vạn người da trắng và 14 vạn người da đen. Durban rất đẹp, bao quanh là núi và ban đêm đèn điện lấp lánh. Từ Durban, ông đến Cape Town, thành phố lớn của Nam Phi. Mặc dầu sầm uất và phát đạt hơn Sài Gòn, ông Vân cho rằng các dinh thự, nhà thờ Công giáo và Tin lành ở Durban và Cape Town không bằng Dinh Thống đốc và Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn. Sở thú cũng không bằng, chỉ có viện bảo tàng là phong phú và đồ sộ hơn.
Từ Cape Town, tàu đi đến Rio de Janeiro, thủ phủ xứ Ba Tây, ông Vân cho là Rio de Janeiro đẹp hơn Cape Town nhiều lần. Từ Rio de Janeiro tàu đi đến Santos là nơi mà tám – chín trăm người Nhật trên tàu xuống nhập cư vào đất nước mới. Tại Santos, người Nhật buôn bán trong chợ. Và từ Santos đi một ngày đường là đến vùng trồng cao su, nơi có 60.000 người Nhật sống. Ông Vân có đến lãnh sự Pháp ở Santos, vị lãnh sự nói không có người Việt nào ở Santos và ông Vân là người Việt đầu tiên trong 3 năm làm việc mà ông lãnh sự gặp ở Santos.
Bắt đầu từ Santos đi Buenos Aires, thủ phủ nước Argentina thì trên tàu đã có y sĩ khám tình hình bệnh tật và xem có phải cách ly không. Tàu trước khi đến Buenos Aires phải ghé Montevideo (Uruguay) để đậu vài ngày thẩm định cách ly xem ai có bệnh, nếu không thì tàu tiếp tục đến Argentina.
Buenos Aires, thủ phủ của Argentina gây ấn tượng cho ông Vân:
Phố phường buôn bán rực rỡ như bên Tây. Ban đêm thắp đèn điện ngũ sắc trong mấy cái bản rao (quảng cáo) xinh lạ lùng như cảnh tiên.
Mấy trăm cái nhà ci-nê-ma, hát bội, múa…
Các con đường rộng, hẹp, lót gạch bằng cây, bằng đá xanh, tráng dầu hắc.
Có xe điện chạy dưới đất. Xe điện chạy trên đường sắt trên mặt đất, mấy vạn ô tô và ít cái xe ngựa tranh nhau làm ăn. Xe điện đi gần, xa cứ giá một cắc bạc mà thôi. Xe điện chạy ngõ nào cũng có, trừ vài cái đường rộng, cấm không cho vào, để cho xe ô tô và xe ngựa qua lại mà thôi. Mấy con đường đó đẹp vô cùng…
Từ Buenos Aires, tàu đi đến thành phố La Plata bỏ hàng, hành khách được xuống bờ ở lại vài ngày. Sau La Plata, tàu trở lại Santos. Ở đây ông Vân đã đón xe lửa đi São Paulo, một thành phố lớn ở Ba Tây. Thành phố này có người Nhật và người Hoa sinh sống. Sau đó ông đến thành phố Vitoria, nơi kinh tế dựa vào canh nông và rất nhiều hoa quả.
Từ Vitoria, tàu đi đến New Orleans, thành phố cảng miền Nam Hoa kỳ. Trước khi vào New Orleans, tàu và hành khách phải được kiểm dịch ở trạm Lazaret gần cửa sông Mississippi. Sông rất rộng lớn. Đất ở gần cửa sông có nhiều rừng, bụi cây, lau, lách, sậy đều bỏ không nhưng đã có chủ là những ông triệu phú ở xa. Đất có nhiều chỗ là vũng nước, có cả cá sấu. Có heo rừng, le le, vịt, cò, ngỗng rừng, thỏ, chồn. Sau khi xông thuốc, tàu được phép đi lên New Orleans cách cửa sông 130 km. Dân số New Orleans khoảng 500 ngàn người. Có khoảng vài ngàn người Hoa và Nhật. Dân da đen khoảng 100 ngàn người. Ở nơi đây và tiểu bang này có chính sách phân cách giữa người da trắng và da màu. Trong các rạp hát, xe điện, người da trắng và da đen ngồi riêng biệt.
Lúc này là vào tháng 7.1929, mùa hè rất nóng, ông Vân đi xe lửa từ New Orleans tới New York. Ông cho biết đây là chuyến xe lửa nhanh, nhưng tốn 38 tiếng để đến New York với khoảng cách là 1.809 km, giá vé chỉ có một bực là hạng nhứt. Giá đi và về là 200$, thuê giường ngủ trên toa xe lửa trong 4 đêm là 50$, bữa ăn 5$. Tổng cộng đi xe và ăn ở là 300$. Quang cảnh ông nhận xét là miền Nam Hoa Kỳ trồng bắp, bông dệt là phần nhiều; còn có lúa mì, trái cây… Cảnh đồng quê rất vui mắt. Khi gần tới New York, xe lửa chạy vào đường hầm dài 1.500m dưới sông Hudson.
Vào năm 1929, thành phố New York đã có 7 triệu người, là trung tâm kinh tế của Hoa Kỳ. Ông Vân một mình đi khắp nơi từ đi bộ đến đi xe điện.
Tôi đi dạo chưn, xe ôtô, xe điện trên trời, xe điện trên mặt đất, xe điện dưới âm phủ. Cả thảy xe điện đó, giá một cắc bạc một người, bất kỳ đi xa gần.
Tôi đi các nước rồi, chỉ thấy tại New York có xe điện đi trên trời thôi.
Có nhiều nhà ga xe lửa. Nhưng mà ga Pennsylvania và Grand Central Terminus lớn và đẹp hơn cả…
Ông nhận xét người Mỹ rất tốt và thân thiện.
Sau khi trở lại New Orleans, tàu rời nơi đây đi đến Galveston ở bờ Đại Tây Dương. Galveston là thành phố nhỏ với 63 ngàn dân. Có xe hơi và xe điện, nhưng nhiều đường chưa đổ đá. Ở đây người nghèo dùng xe đạp nhiều hơn các thành phố mà tác giả đã đến.
Tàu sau đó rời Galveston đi đến Cristobal ở nước Panama. Thành phố này ở bờ Đại Tây Dương cạnh vàm kinh đào Panama. Có nhiều dừa và xoài, cảnh đẹp với dân số da trắng và da đen khoảng 30 ngàn người. Người Hoa đông buôn bán và làm đủ nghề.
Tàu La Plata Maru khi qua kinh phải đóng 15 ngàn tiền Đông Pháp, tính theo trọng tải tàu, cho Chính phủ Mỹ. Kinh dài 80km, tàu đi mất khoảng 8 tiếng.
Kinh Panama đẹp quá. Tôi muốn qua lại đôi, ba lượt mới phỉ, vì có núi xanh, rừng xanh, làng xã hai bên, xe lửa, xe ô tô chạy một bên mé kinh. Tàu chạy chen quanh, quẹo trong kẹt núi, kẹt rừng mát mẻ…
Từ cửa kinh Miroflare của kinh Panama, ở Thái Bình Dương, tàu đi lên Los Angeles, tây Hoa Kỳ, mất 11 ngày. Los Angeles là thành phố lớn với 1,5 triệu dân trắng và đen, có mấy vạn người Nhật và Hoa sinh sống.
Xứ nầy có hơn một ngàn cái mạch dầu lửa. Những sở máy làm dầu đông kể không xiết. Nhiều chiếc tàu chở toàn dầu đi bán xứ khác.
Khi tàu La Plata Maru cặp bến Los Angeles, nhân viên nhập cảnh xuống xét giấy thông hành. Những người da trắng được cho phép lên bờ, trong khi ông Vân và tất cả những người da vàng bị cầm giữ trên tàu. Điều này làm ông Vân rất giận và thấy bị tổn thương. Ngày hôm sau thì ông, một người Nhật và ba người Hoa đi vé hạng nhất được cho xuống bến đi dạo, còn lại tất cả những hành khách khác người da vàng đi hạng ba đều không được xuống trong bốn ngày tàu đậu ở Los Angeles.
Ông Vân đã đến thăm ông Tổng lãnh sự Pháp ở Los Angeles. Ông được tiếp đãi và mời dùng cơm, ông gởi cho ông tổng lãnh sự báo cáo về sự làm phiền của sở di trú. Ông lãnh sự nói sẽ gởi lá thư này đến ông đại sứ Pháp ở Washington.
Tàu từ Los Angeles đến Yokohama mất 17 ngày, ông đến Nhật ngày 31.8.1929. Vì ông đã viếng thăm Yokohama vào năm 1923, nên ông đi xe lửa tốc hành đến Nagasaki để về nước sớm. Ông đi xe lửa đến Nagasaki để đón tàu Hawai Maru cũng của hãng Osaka Shosen Kaisha về Sài Gòn.
***
Tổng cộng chi phí cho chuyến đi của ông Vân là 2.800$. Một số tiền không nhỏ nhưng cũng không phải là quá lớn (lương công chức khoảng 100$ mỗi tháng). Ông Vân kể lại ông học hỏi được rất nhiều.
Ông đã cho ý kiến về một vài cải cách qua kinh nghiệm mà ông học hỏi ở nhiều nước:
Cách mặc áo quần, An Nam đẹp. Đờn ông mặc theo Tây cũng hay, gọn. Đờn bà phải để tóc, đờn ông nên hớt.
Nên bãi bớt đốt pháo và giấy cúng.
Rượu và nha phiến (opium) xin bỏ giảm lần lần…
Ông Vân cũng đề nghị muốn ngăn được cờ bạc lậu thì phải mở casino chính thức để giải quyết vấn đề xã hội này và lấy được thuế. Ông cũng đề xuất bãi bỏ xe kéo. Dùng xe ngựa, xe điện thế. Xin nhà nước lập nhà băng hay là bảo lãnh nhà băng… Xin nhà nước dạy người An Nam đủ nghề nghiệp. Cho phép người An Nam đi ngoại quốc…
Cuối cùng qua kinh nghiệm ông Vân đã chứng kiến thì người Mỹ và người Anh đối xử với người da đen rất tệ.
Quyển ký sự du lịch toàn cầu của ông Bùi Thanh Vân đã để lại cho đời sau nhiều tư liệu về các nước ở Nam Phi và châu Mỹ dưới cái nhìn của một người Việt, một người hấp thụ hai nền văn minh truyền thống Việt Nam và phương Tây. Không như những sách du hành ký khác như Lữ Trung ký sự (1932) và Saigon – Thượng Hải – Hoành Tân (1930), cuốn Dạo khắp hoàn cầu (1929) còn đưa ra những ý kiến cho nhà cầm quyền thời bấy giờ cải cách và áp dụng các ý tưởng mà tác giả đã có kinh nghiệm học hỏi qua chuyến đi vòng quanh thế giới của ông, vào các chính sách giáo dục và kinh tế ở Đông Dương.