Từ Plaza de Mayo chúng tôi lên metro để đến quảng trường Plaza del Congreso.
Hoa phượng tím
Tại đây có tòa nhà Congreso Nacional, là nơi hội họp của Thượng và Hạ Viện. Kiến trúc này có nóc vòm bằng đồng thanh và dáng vẻ đồ sộ lộng lẫy. Gần đó là Avenida 9 de Julio, đại lộ lớn nhất thế giới với bề rộng hơn 125m. Trung tâm của Avenida 9 de Julio là quảng trường Plaza de la Republica với một đài tháp hình bút chì cao chót vót. Từ đây chúng tôi rẽ sang hai con phố đẹp và thanh lịch dành cho người đi bộ là Florida và Lavalle. Hai bên đường là một chuỗi các cửa hàng sang trọng, các phòng tranh lớn. Phố luôn luôn nhộn nhịp người qua lại và khách du lịch. Không hổ danh là xứ sở của hoa hậu, khách phương xa đến đây nhiều khi quên ngắm đường phố, hàng hóa mà chỉ mải mê nhìn những thiếu nữ Buenos Aires đẹp mê hồn, trang điểm, ăn mặc thời trang như thể đời mỗi ngày là một ngày hội.
Tòa nhà Congreso Nacional
Viên ngọc của Nam Mỹ
Kiến trúc của trung tâm Buenos Aires gợi nhớ nhiều thành phố lớn ở châu Âu. Đại lộ Mayo phảng phất chút không gian của Madrid, còn hình ảnh Paris được tìm thấy trong khu phố sang trọng Recoleta. Khu phố bình dân La Boca lại có nét hao hao với thành phố Napoli nước Ý. Đặc biệt người dân ở đây ưa chuộng những sắc màu rực rỡ nên mặt tiền phố xá, trạm xe bus, metro, buồng điện thoại nhiều nơi được sơn màu xanh, đỏ, tím, vàng thật vui mắt. Mặc dù có diện tích gấp hơn 10 lần Việt Nam nhưng Argentine chỉ có hơn 37 triệu dân, trong đó 1/3 dân số và 75% của cải quốc gia tập trung ở thủ đô. Dân Buenos Aires còn được gọi là Portenos (dân cảng) bởi cha ông họ là dân nhập cư đến đây bằng những con tàu. Tổ tiên họ đầu tiên là người Tây Ban Nha, sau đó là người Ý, phần lớn đến đây do làn sóng nhập cư đổ bộ vào các bến bờ của con sông Rio de La Plata từ cuối thế kỷ thứ XIX. Giữa những năm 1920 và 1940, tư bản nước ngoài, đặc biệt là Anh, đã tạo nên sự phồn vinh nhanh chóng của vùng đất chăn nuôi và trồng trọt này. Lúc đó chính phủ quyết định hiện đại hóa đất nước nên kêu gọi sự nhập cư để làm thịnh vượng nền kinh tế. Chính sách này rất thành công cho đến những năm 1950, là thời gian mà Buenos Aires được xem là một trong những thành phố đẹp nhất và giàu có nhất thế giới.
Biểu diễn Tango trên đường phố