World Cup qua đã lâu nhưng hệ quả thì vẫn ngổn ngang. Brazil đã tốn gần 4 tỉ USD để xây dựng hoặc tân trang 12 sân vận động chuẩn bị cho World Cup. Động thái này gây ra nhiều cuộc phản đối trên khắp đất nước vì cho rằng về mặt dài hạn, các sân vận động này không đóng góp nhiều cho hiệu quả kinh tế. Trong khi đó, số tiền này nên được dành cho việc phát triển giao thông, an ninh và viễn thông. Theo dự tính, chỉ 25% tổng số tiền chi ra cho World Cup được dành cho việc xây dựng, cải tiến sân vận động nhưng con số 1,1 tỉ theo kế hoạch ban đầu đã vọt lên 3,6 tỉ USD.
Thế là đành phải tận dụng khai thác triệt để. Nhưng mãi đến năm 2016, một số sân vận động này mới được sử dụng cho Thế vận hội mùa hè (các sân ở Rio de Janeiro) và đã có một số đề nghị biến đổi sân vận động thành nhà ở cho người nghèo. Thậm chí có lời đồn rằng sân ở thành phố Manaus, bang Amazon sẽ được chuyển thành trại tù! Nhưng thiết thực hơn hết và đã được thực hiện là biến hệ thống sân rộng khắp này thành điểm diễn nhạc cỡ lớn.
“Hiện tại, Brazil đã có cơ sở hạ tầng sân vận động rất tốt và điều này sẽ tác động tích cực lên việc biểu diễn nhạc sống ở đây”, Luiz Oscar Niemeyer phát biểu. Ông có trong tay Công ty Planmusic Entertainment, từng đại diện cho các tour của Stone Temple Pilots, The Rolling Stones, Miley Cyrus, Rihanna ở Brazil, “Các thị trường trước đây chỉ là hạng 2 như Belo Horizonte, Porto Alegre, Fortaleza, Brasilia, Recife, Salvador và Curitiba đều đã chào mời các tên tuổi quốc tế đến diễn. Các buổi diễn cũng đã diễn ra tại những sân vận động mới, ở những vùng mà trước đây, buổi diễn lớn không có chỗ để thực hiện”. Ở Belo Horizonte và Brasilia, các buổi diễn của Elton John và Beyoncé vừa qua đều bán sạch vé và trở thành bằng chứng mà Niemeyer đưa ra để cho thấy rằng vẫn có lượng khán giả rộng khắp háo hức xem nhạc quốc tế chứ không chỉ tại các trung tâm tấp nập khách khứa như Rio de Janeiro và Sao Paulo. Brazil là một thị trường biểu diễn nhạc sống rất thịnh vượng, giá trị lên đến 5,5 tỉ USD.
Là một trong 10 thị trường hàng đầu thế giới của băng đĩa, Brazil trở thành một điểm diễn hấp dẫn cho các nghệ sĩ quốc tế, đặc biệt là thông qua các liên hoan như Rock in Rio và Lollapalooza. Sắp tới, sau những thành công rực rỡ của Tomorrowland, liên hoan nhạc điện tử có gốc từ Bỉ này sẽ có phiên bản tổ chức tại Nam Mỹ đầu tiên và điểm đến là Sao Paolo. Chính David Guetta là người công bố tin này khi đang trình diễn ở Tomorrowland tại Bỉ. Phần diễn đó được truyền hình trực tiếp đến Brazil và dĩ nhiên, fan ở đây hết sức hào hứng. Tụ tập để xem một sự kiện trực tiếp qua màn ảnh rộng vốn rất quen thuộc ở Brazil. Trong dịp World Cup, những fan không có vé xem trực tiếp vẫn có thể tụ tập ở bãi biển đến 20 ngàn người để xem qua truyền hình trực tiếp.
Tomorrowland hồi tháng 7 cũng có cầu truyền hình giữa sân khấu chính tại Boom, Bỉ và đám đông 10.000 người ở Sao Paolo, Brazil. Người Brazil đã khao khát mang Tomorrowland về từ lâu. Chỉ việc bán vé xem truyền hình trực tiếp Tomorrowland ở Sao Paolo thôi cũng đã sốt xình xịch: Chưa tới một tiếng, thông qua 1,4 triệu fan Brazil trên mạng xã hội, 10 ngàn vé được bán hết.
“Brazil là một yếu tố quan trọng quyết định sự sống còn khi đi lưu diễn ở khu vực Mỹ Latin”, Roberto Medina, người sáng lập ra Rock in Rio, nhận xét. Khi khởi đầu liên hoan này vào năm 1985, Medina không thể tìm được một điểm diễn thích hợp và đã xây dựng City of Rock rộng 250.000m2, một khu phức hợp giải trí. Năm 2007, khu này được thay đổi để tổ chức Pan American Games còn năm 2016 sẽ trở thành làng Thế vận hội.
Trong lần tổ chức đầu tiên năm 1985, đã mang những tên tuổi lớn như Queen, Iron Maiden, AC/DC, Rod Stewart, Yes, Scorpions đến Brazil. Trong liên hoan kéo dài 10 ngày này, có đến 1,5 triệu lượt khán giả tham dự. McDonald đã lập kỷ lục Guinness tại liên hoan này với việc bán ra 58 ngàn cái hamburger trong một ngày. Kỷ lục này đứng vững cho tới năm 2011 thì bị phá đổ cũng chính tại Rock in Rio: thương hiệu thức ăn nhanh đầu tiên của Brazil là Bob’s đã bán ra 78 ngàn cái hamburger trong một ngày. Những lần sau đó, Rock in Rio được mang đến châu Âu, đậu lại ở Lisbon (Bồ Đào Nha) và Madrid (Tây Ban Nha) nhưng số lượng người tham dự đều không sánh được khi tổ chức tại Rio. Năm 2013, Rock in Rio diễn ra tại Brazil, thu vào 52 triệu USD tiền tài trợ và 100 triệu USD tiền bán vé (giá vé hiện nay là 150 USD/vé so với 8 USD/vé ở lần đầu tổ chức).
Kinh nghiệm từ việc loay hoay tìm điểm diễn đủ sức chứa vài trăm ngàn người hồi thập niên 1980 khiến Medina hết sức hào hứng với các sân vận động mới được tân trang có ghế ngồi thoải mái, khu vực VIP, có cả trần phủ Teflon kéo ra kéo vào được… Nhưng Medina không chỉ nhìn nhận đây là sức mạnh của ngành công nghiệp giải trí mà là của thị trường người tiêu dùng Brazil: “Giờ đây, chúng tôi không chỉ có sân vận động mà còn có thị trường quốc gia đã chào đón 30 triệu người tiêu dùng mới trong vòng 15 năm qua”.
Các nghệ sĩ Brazil không mặn mà với việc vươn ra thế giới nhưng nghệ sĩ thế giới thì luôn hào hứng với thị trường Brazil. Metallica, Linkin Park, Coldplay, Lady Gaga đều đặt chân đến đây. Nhóm Iron Maiden tung ra một album live và DVD tên Rock in Rio ghi lại phần diễn năm 2001 của họ. Năm 1994, Rod Stewart diễn tại Copacabana trước lượng khán giả 4,2 triệu người, ghi tên vô sách Guinness! Cũng tại đây, nhóm Rolling Stones có trải nghiệm lượng người xem lớn nhất trong lịch sử nhóm: 1,5 triệu người tại tour diễn Bigger Bang tour năm 2006. Năm 1981, ý tưởng mang nhóm nhạc phương Tây lưu diễn Nam Mỹ vẫn còn khá mơ mộng thì nhóm Queen đã tìm cách làm điều đó. Nhận thấy lượng đĩa bán ra của nhóm trong khu vực rất tốt, họ thực hiện 13 buổi diễn và lôi kéo được 700 ngàn khán giả. Buổi diễn của nhóm tại Sao Paolo trước 131 ngàn khán giả là buổi diễn bán vé đông nhất thời điểm đó và còn được phát sóng trên toàn quốc đến gần 200 triệu người Brazil.
Trí Quyền