Bên ngoài thất Lắng Nghe, tiếng thông reo vi vút, tiếng chim hót và thi thoảng những làn gió mát lành luồn qua dưới cái nắng nhẹ của sớm mai bình yên. Bóng dáng vị thiền sư từ từ xuất hiện trên chiếc xe lăn được thị giả thân cận chậm rãi đẩy ra…
Thất Lắng Nghe nép mình trong khuôn viên tổ đình Từ Hiếu trên ngọn đồi Dương Xuân cách trung tâm thành phố Huế chừng 3 km về hướng Tây Nam, phía trước có khe nước uốn quanh, cảnh sắc thơ mộng. Nơi chốn này vốn đã quen thuộc thì nay được nhiều người quan tâm hơn, kể từ ngày thiền sư Thích Nhất Hạnh “quay về nương tựa”.
Những ngày cuối năm 2021, nơi chốn ấy như một bức tranh thiền định. Thiền sư gần như không xuất hiện và nhiều tín đồ cũng không thể vào vấn an do tác động của dịch bệnh. Đâu đó, người ta có thể cảm nhận được ít nhiều không khí trong lành, sự bình yên và bóng dáng thiền sư thấp thoáng giữa khoảnh vườn thơ mộng của ngôi cổ tự.
Đến Lắng Nghe mong được thấy
Hơn ba năm trước, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã quyết định về tổ đình Từ Hiếu tịnh dưỡng sau hơn 70 năm đi khắp thế giới thực hiện sứ mệnh hoằng pháp độ sinh. Ngày trở về Việt Nam, trở về ngôi chùa tổ, thiền sư đã bày tỏ trong lá thư gửi chư vị tôn đức: “Tôi đã quyết định trở về Việt Nam để được sống nơi đất tổ, có mặt cùng chư huynh đệ và con cháu của tổ đình cho đến ngày tôi chuyển bỏ hóa thân này” và “muốn nhập diệt tại chốn tổ để con cháu tổ đình có gốc rễ và nơi chốn quay về nương tựa…”.
Thất Lắng Nghe nằm ở vị trí đặc biệt, kề bên các ngôi bảo tháp – nơi an nghỉ các vị tổ sư – và kế đó là chánh điện, phía trước có tháp chuông nhìn thẳng xuống hồ sen với hàng trúc xanh mướt cùng hệ thống rừng thông cổ thụ. Một khung cảnh không dễ có ngay cả ở những ngôi chùa cổ xứ Huế. Từ ngày thiền sư trở về tịnh dưỡng bên trong thất Lắng Nghe, đông đảo tăng ni, Phật tử, người dân xứ Huế và du khách trong, ngoài nước… đã tìm đến với ước mong được đảnh lễ, vấn an Sư Ông.
Nhưng không phải ai cũng đủ duyên để diện kiến. Nếu như không gian thất Lắng Nghe luôn kín cổng, nội bất xuất ngoại bất nhập thì việc thiền sư di chuyển ra khỏi khuôn viên khi nào không ai có thể đoán được, bởi lẽ tất cả phụ thuộc vào sức khỏe thiền sư.
Ngoại trừ ngày trở về, một số ngày như “tiếp nối”, Tết, lễ lớn của nhà chùa, gần như rất hiếm khi thiền sư Thích Nhất Hạnh xuất hiện trước công chúng, ngay cả khi ở bên trong khuôn viên của chùa. “Tôi được may mắn vấn an trực tiếp thiền sư đúng một lần. Đó là hôm Ngài trở về. Nhiều lần sau đó, vẫn không thể gặp thiền sư thêm lần nào nữa. Mỗi lần như thế, tôi chọn tĩnh lặng nguyện cầu và vấn an từ bên ngoài cánh cổng thất. Thi thoảng, gặp một vài thị giả đi từ bên trong thất ra, tôi cố gắng hỏi thăm và chỉ được trả lời ngắn gọn: “Sư Ông vẫn thường”, anh Hoàng Thạch – một Phật tử tuổi ngoài 30 lớn lên ở đất cố đô, kể lại.
Nói với chúng tôi trong một lần từ bên trong thất Lắng Nghe trở ra, thầy Pháp Đăng, một trong những đệ tử của thiền sư bảo rằng, dù Sư Ông chỉ giao tiếp bằng ánh mắt và cử chỉ nhưng ai cũng hiểu được thông điệp trước sau như một của Sư Ông: trở về với chính mình, sống sâu sắc đời sống để tiếp xúc được mầu nhiệm trong cuộc sống. Trở về còn là trở về với chính mình để trân quý, tiếp xúc với sự sống, với người thân yêu, xây dựng tình huynh đệ – con người thật sự là anh em một nhà, ruột thịt của nhau.
Những ngày thiền sư tịnh dưỡng, các đoàn khách quan trọng trong nước lẫn quốc tế cũng đã đến thăm và mong thiền sư có thời gian cuối đời sống trong tình cảm ấm áp của quê hương và đồng đạo.
Tỉnh giác giữa chốn quay về
Các vị thầy ở chùa Từ Hiếu kể rằng, ngày mới trở về, mỗi sáng sớm hay chiều muộn, khi cảm thấy đủ sức khỏe, thiền sư Thích Nhất Hạnh cho chúng đệ tử đẩy mình trên chiếc xe lăn đi quanh chùa, dạo ra cổng tam quan, quanh hồ bán nguyệt, vòng lên chánh điện và bảo tháp… Tuy nhiên, gần đây, sức khỏe của thiền sư yếu dần, việc di chuyển ra ngoài trời hạn chế.
Theo quan sát của chúng tôi, lần xuất hiện trước công chúng gần đây nhất của thiền sư Thích Nhất Hạnh là vào sáng mồng 1 Tết Tân Sửu vừa rồi. Từ giữa năm nay, dịch bệnh trở nên căng thẳng, tổ đình Từ Hiếu hạn chế người ra vào để đảm bảo phòng chống dịch, và quan trọng hơn, là bảo vệ tuyệt đối cho sức khỏe thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Không đến được chùa, nhiều tín đồ đã cập nhật thông tin của thiền sư thông qua những thông báo từ tăng thân Làng Mai. Trong thông báo phát đi gần đây nhất vào mùa thu năm nay, nhân ngày “tiếp nối” lần thứ 95 của thiền sư 11.10, tăng thân Làng Mai cho biết, hơn một năm qua, theo lẽ vô thường, sức khỏe của thiền sư Thích Nhất Hạnh có suy yếu hơn. Nhưng may mắn, đến khi công việc trùng tu chùa Từ Hiếu hoàn thành, thiền sư lại có đủ năng lượng để đi thăm khuôn viên chùa và những công trình mới.
Trong những ngày thu này, thời tiết mưa, ẩm và lạnh ở Huế ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của thiền sư. Hiện giờ, thiền sư vẫn đang được quý thầy, quý sư cô trong ban thị giả chăm sóc rất chu đáo.
“Trong những tháng gần đây, Sư Ông nghỉ ngơi nhiều hơn nhưng vẫn rất tỉnh giác, bình an. Những ngày đẹp trời, các vị thị giả đưa Sư Ông ra ngồi chơi ngoài hiên thất Lắng Nghe để Sư Ông sưởi nắng và ngắm cảnh thiên nhiên xung quanh chùa Tổ. Trong một năm bị ảnh hưởng của đại dịch Covid, các vị xuất sĩ trẻ thay phiên nhau phụ giúp các vị thị giả chăm sóc cho Sư Ông, nhờ vậy mà có cơ hội được gần gũi Sư Ông nhiều hơn. Thỉnh thoảng, các thầy, các sư cô còn tập hợp ở khu vườn gần thất Lắng Nghe của Sư Ông để đốt lửa, chia sẻ sự thực tập và cùng ca hát với nhau trong tình huynh đệ một nhà”, tăng thân Làng Mai thông bạch.
Ngọn lửa tình thương vẫn đang được đốt lên và nguyện cầu cho sức khỏe của Sư Ông, trong niềm kỳ vọng của muôn vạn người kính mộ thiền sư ở khắp nơi, rằng một sớm mai bình yên gần nhất, khi những vệt nắng nhẹ chiếu rọi qua hàng cây, sẽ lại được thấy nụ cười tinh anh của thiền sư dạo quanh cổ tự Từ Hiếu…
Thiền sư Thích Nhất Hạnh tên khai sinh là Nguyễn Xuân Bảo, sinh ngày 11.10.1926, quê quán Thừa Thiên – Huế. Ông xuất gia tại chùa Từ Hiếu vào năm 16 tuổi và thọ giới với pháp danh Trừng Quang, pháp tự Trừng Xuân, pháp hiệu Nhất Hạnh.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là tổ đời thứ 8 của môn phái Từ Hiếu, thuộc dòng Liễu Quán, đời thứ 42 của thiền phái Lâm Tế. Theo truyền thừa của Tổ đình Từ Hiếu thì thiền sư Thích Nhất Hạnh hiện là trú trì của ngôi chùa này.
Thiền sư từng tham gia thành lập Viện đại học Vạn Hạnh và NXB Lá Bối, Tổng biên tập tạp chí Phật Giáo Việt Nam. Sau khi đến Mỹ để truyền dạy Phật học ở các trường đại học, thiền sư đã qua Pháp lập tu viện Làng Mai, và mở ra các thiền viện khắp nơi trên thế giới để thực hành phép tu của thiền sư, suốt hàng chục năm qua.
Thiền sư đã về lại quê nhà vào các năm 2005, 2007, 2008, 2017. Tháng 10.2018, thiền sư quyết định trở về nơi mình từng xuất gia – tổ đình Từ Hiếu. Cuối năm 2019, thiền sư được chúng đệ tử đưa qua Thái Lan để kiểm tra sức khỏe và quay về lại Huế vào đầu năm 2020 để tiếp tục tịnh dưỡng cho đến nay.