Tâm lý chung của đa số là yêu thích cái đẹp. Cái đẹp trong bóng đá thật khó định nghĩa, vì thực ra không có một “quy chuẩn” nào để mọi người đối chiếu. Tuy nhiên, cũng có những đội bóng được đa số công nhận là “cái đẹp chuẩn mực”. Chẳng hạn đội tuyển Brazil vô địch World Cup năm 1970 của “vua bóng đá” Pele, Jairzinho, Tostao… đã được gọi là “Đội bóng đẹp” (The Beautiful Team). Họ thuyết phục được tất cả, mỗi cầu thủ đều có kỹ thuật cá nhân điêu luyện, làm xiếc với trái bóng, qua người đối thủ dễ như ăn kẹo. Chính đội tuyển này đã dựng nên “thương hiệu Brazil” trong lòng người hâm mộ trên toàn thế giới, khiến hàng chục năm sau hễ nhắc đến bóng đá Brazil là nhiều người nghĩ ngay đến thứ bóng đá đẹp, nơi các cầu thủ tha hồ phô diễn kỹ thuật và khó ai có thể chống lại. Kể cả khi đội tuyển Brazil hiện tại không hề liên quan gì đến đội tuyển cha ông họ cách nay hơn 40 năm thì nhiều người vẫn mặc định rằng “đã là tuyển Brazil thì dĩ nhiên là đá đẹp và khó thua ai được”. Họ không thể ngờ rằng Brazil ở World Cup 2014 trên sân nhà vẫn chơi khá xấu xí và rời giải bằng hai trận thua đậm 1-7 và 0-3 lần lượt trước Đức và Hà Lan.
Cách nay không lâu, cũng có một CLB được xem là tượng trưng cho cái đẹp và cũng “độc cô cầu bại” như vậy, đó là Barcelona (Barca) giai đoạn 2009-2011 dưới sự dẫn dắt của HLV Pep Guardiola, có trong đội hình siêu sao Lionel Messi cùng bộ ba tiền vệ Xavi, Iniesta và Busquets. Lối chơi “tiki taka” đập nhả liên tục khiến cho đối phương mê hoặc và chỉ biết chạy theo trái bóng trong chân các cầu thủ Barca. Có nhiều trường hợp, các cầu thủ Barca phối hợp với nhau từ thủ môn, luân chuyển qua mười cầu thủ còn lại và cuối cùng bóng nằm trong… lưới của đối phương. Trong giai đoạn đỉnh cao của mình, bất cứ giải đấu nào có Barca tham gia, họ đều là ứng cử viên số 1 và nếu họ có thua thì ai cũng cho rằng chẳng qua do kém may mắn. Ngay lần kế tiếp gặp lại đối thủ vừa đánh bại họ, người ta sẽ đặt cược vào khả năng thắng trận của Barca. Thấy một đội bóng nào đó đá bật nhả đẹp mắt, người ta trầm trồ “đá cứ như… Barca”.
Qua hai trường hợp kể trên, cũng có thể ngầm hiểu rằng “bóng đá đẹp” phải làm mãn nhãn người xem và phải đem lại thành tích, thông qua những danh hiệu đoạt được, những trận thắng thuyết phục. Dĩ nhiên, cũng có một số đội bóng được nhiều người yêu thích chỉ vì họ đá đẹp, dù thành tích đôi khi không phải là xuất sắc nhất. Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, có thể kể “cơn lốc màu da cam” Hà Lan của những thập niên 1970, 1980. Còn ở cấp CLB thì có Arsenal của nước Anh. Họ đá đẹp mắt, nhưng ít khi đạt hiệu quả cao, thường chỉ về nhì và để lại nuối tiếc. Làm bóng đá, ai chẳng thích đội bóng của mình đá kiểu “thêu hoa dệt gấm”, không chơi xấu đối phương và được người xem tán thưởng. Tuy nhiên, nếu thứ bóng đá gọi là đẹp ấy không đem đến chiến thắng trong những giải đấu thì cần phải “xét lại”. Khi Xavi – trái tim của lối chơi tiki taka không còn đủ sức giữ nhịp, bộ ba tiền vệ “Xavi, Iniesta, Busquets” rời xa nhau, Barca ngày nay không còn quá chú trọng vào lối chơi kiểm soát bóng. Trong trận cầu siêu kinh điển mới đây, bàn thắng của họ không đến từ những pha phối hợp một chạm có sự tham gia của nhiều cầu thủ như trước. Bàn thứ nhất đến từ một pha phối hợp đá phạt, bàn thứ hai là một pha phản công, hậu vệ chuyền dài từ sân nhà cho tiền đạo đua tốc độ, khống chế và dứt điểm.
Bóng đá Việt Nam gần đây có lứa cầu thủ U19 mà nòng cốt là các học viên Học viện Hoàng Anh – Gia Lai Arsenal JMG cũng khiến cho nhiều người hâm mộ trong nước liên tưởng đến hình ảnh bóng đá đẹp. Tuy nhiên, khi thứ bóng đá đẹp mang tính sách vở ấy bị thua tơi tả trước các cầu thủ trên tầm như Hàn Quốc, Nhật Bản, hoặc thường thua trong các trận chung kết trước các đối thủ đồng cân đồng lạng, người ta biết rằng, đấy không phải là hình mẫu của bóng đá chiến thắng. Vậy nên, khi “bầu Đức” tiếc nuối vì các cầu thủ con cưng của mình như Công Phượng, Tuấn Anh… đang khoác áo đội tuyển U23 Việt Nam tham gia vòng loại giải U23 châu Á, rằng “Tôi thấy tiếc khi bản sắc, lối chơi đẹp mắt của lứa U19 từng làm say đắm hàng triệu trái tim người hâm mộ ngày nào nay đã không còn…”, không nhiều người đồng tình với ông.
Bóng đá hiện đại phải tính đến thành tích. Bóng đá đẹp phải đem đến chiến thắng. Các cầu thủ như Công Phượng khoác áo U23 Việt Nam dù không “đá đẹp mắt” nhưng thắng U23 Malaysia ngay trên sân khách, thua Nhật Bản với tỷ số chấp nhận được (0-2) vẫn tốt hơn là đá đẹp mắt nhưng thua đậm.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của tờ Daily Mail (Anh) mới đây, HLV Dunga của đội tuyển Brazil đang nỗ lực đứng dậy sau một World Cup thất bại đã nói thẳng: “Jogo bonito (phong cách thi đấu đẹp mắt của Brazil) ư? Nếu chúng tôi cứ đi theo con đường jogo bonito, chắc phải 24 năm mới vô địch World Cup được một lần đấy!”.
- Địch Vân